Hiệu quả hoạt động từ các tổ hợp tác, hợp tác xã ở huyện Bàu Bàng
Những năm gần đây, để góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu sớm đưa Bàu Bàng trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị ở phía bắc của tỉnh và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, huyện Bàu Bàng đã chú trọng phát triển kinh tế tập thể và từng bước gắn với phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.Đây chính là tiền đề để hình thành các hợp tác xã và Tổ hợp tác kiểu mới làm ăn năng động, hiệu quả, thu hút nhiều thành viên tham gia tại huyện Bàu Bàng.
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 22/07/2002, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển KTTT cụ thể cho từng năm, xác định kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, thực hiện theo sự chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh và chương trình, mục tiêu công tác hàng năm của Hội Nông dân huyện, các cập Hội Nông dân trong huyện Bàu Bàng luôn chú trọng đến việc phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của Hội, nhất là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với việc tuyên truyền, hướng dẫn thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để hỗ trợ vốn, kỹ thuật, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hội viên nông dân.
Cũng như các địa phương khác trên cả nước, người dân còn khó khăn trong việc tìm loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để tăng thêm thu nhập gia đình. Mặt khác, nhiều hộ sản xuất còn chạy theo “phong trào”, mang tính tự phát, còn thiếu kinh nghiệm sản xuất nên từ đó hiệu quả, năng suất chưa cao. Để tháo gỡ khó khăn này, huyện Bàu Bàng đã khảo sát các hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác để nắm bắt các vướng mắc, khó khăn để đưa ra giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức học tập, tham quan các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm và tạo điều kiện để các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước và các tổ chức khác để chủ động nguồn lực phát triển.
Tính đến nay, huyện Bàu Bàng có 05 hợp tác xã đang hoạt động với 37 thành viên, tổng số vốn đầu tư ban đầu là 21,7 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ - vận tải. Về tổ hợp tác, toàn huyện hiện có 10 tổ hợp tác với 106 tổ viên, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 8 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất.
Đánh giá về những hiệu quả tích cực mà các Tổ hợp tác, hợp tác xã mang lại. Ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bàu Bàng, Trưởng Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể huyện Bàu Bàng cho biết: Trên tinh thần thực hiện nhiệm vụ đổi mới và phát triển kinh tế tập thể theo tinh thần nghị quyết Trung ương 5, khoá IX và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện, Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện đã đẩy mạnh việc phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả. Trong năm 2016, doanh thu các hợp tác xã, tổ hợp tác đạt hơn 25,3 tỷ đồng, trong đó có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác có doanh thu cao như hợp tác xã xây dựng đạt 7,5 tỷ đồng, tổ hợp tác trồng trọt đạt hơn 6,8 tỷ đồng.
Để hoạt động của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã mang lại hiệu quả thiết thực, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia với nhiều hình thức phong phú, sinh động phù hợp với điều kiện sản xuất của hội viên, nông dân. Thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân; tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao... Các cấp Hội đều chủ động tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc thành lập tổ hợp tác trong sản xuất và kinh doanh, giúp hội viên nông dân hiểu rõ hơn và tự nguyện thành lập tổ, nhóm liên kết giúp nhau sản xuất. Bên cạnh đó, thấy được việc đào tạo nghề cho hội viên, nông dân là mấu chốt nâng cao kỹ thuật, tay nghề nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất; việc được tham gia đào tạo nghề đã tạo động lực cho nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đỗi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại. Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo cơ sở Hội chủ động vận động những nông dân cùng học một lớp nghề, có chung một đối tượng sản xuất thành lập tổ hợp tác nhằm hỗ trợ tốt cho nhau trong kỹ thuật cũng như việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Do vậy trong những năm qua, nhiều tổ hợp tác được thành lập đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại địa phương. Điển hình như tổ hợp tác chăn nuôi heo tại xã Long Nguyên được thành lập hơn 2 năm với 27 hộ tham gia, các thành viên trong tổ duy trì sinh hoạt định kỳ để thông tin về kỹ thuật, giá cả thị trường vá việc liên hệ đầu ra cho sản phẩm; Tổ hợp tác sinh vật cảnh ở xã Hưng Hòa được thành lập từ năm 2014 với 15 thành viên. Hầu hết các thành viên trong tổ hợp tác đều có trải nghiệm trong quá trình trồng cây kiểng, đồng thời còn được Hội phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình tại xã bạn nên hiệu quả hoạt động rất cao.
Bên cạnh đó còn nhiều tổ hợp tác như: Tổ hợp tác trồng nấm ở xã Tân Hưng, hợp tác xã chăn nuôi bò sữa ở xã Lai Uyên cũng đã và đang đi vào hoạt động có hiệu quả. Có thể nói, việc thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã ở Bàu Bàng đã mang lại lợi ích chính đáng cho hội viên nông dân, tạo việc làm ổn định và đặc biệt là giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Trong thời gian tới, Hội Nông Dân huyện tiếp tục chi đạo cơ sở Hội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện nhà.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Trừ Văn thố cho biết, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của huyện, Kinh tế tập thể trên địa bàn xã ngày càng phát triển, kinh doanh có chuyển biến tích cực, nhiều mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật phát huy hiệu quả. Xã cũng đã triển khai đến các đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo xã cùng thực hiện và đề ra các giải pháp duy trì hiệu quả về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.
Có thể khẳng định rằng, việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ở huyện Bàu Bàng đã mang lại lợi ích chính đáng cho hội viên nông dân, tạo việc làm ổn định và đặc biệt là giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Từ những hiệu quả tích cực mà các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã mang lại, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Bàu Bàng sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ sở Hội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, khắc phục lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để cùng sản xuất, cùng giúp đỡ nhau phát triển góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện nhà.
- Trường An-