Hiệu quả từ Chương trình bảo trì năng suất toàn diện
Hình ảnh một lớp học về TPM tại Công ty TNHHVĩnh Phú, nằm trong Khu công nghiệp Việt Nam Sigapor. Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm tối ưu hóa hiệu suất máy móc, giảm thiểu các tổn thất trong quá trình sản xuất. Từ đó tăng năng suất, cải tiến môi trường làm việc chuyên nghiệp và an toàn hơn. Đây là chương trình đào tạo rất trực quan.
Học viên – bao gồm quản lý và công nhân kỹ thuật sẽ đưa ra những câu hỏi, thắc mắc, những sai lỗi trong quá trình vận hành máy móc. Giảng viên sẽ giải đáp và gợi mở các vấn đề đã, đang và sẽ gặp phải trong sản xuất. Sau những giờ học lý thuyết, giảng viên và học viên sẽ cùng tham quan thực tế để trao đổi các vấn đề được sâu hơn.
TPM - tên viết tắt tiếng Anh của Total Productive Maintenance, có nghĩa là Bảo trì năng suất tổng thể. Hiểu đơn giản là một phương pháp quản lý, được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản. Đến nay, phương pháp này đã được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. Mục đích của việc thực hiện TPM là nhằm tối đa hóa hiệu suất thiết bị, nâng cao năng suất với một hệ thống bảo trì được thực hiện trong suốt vòng đời của thiết bị. Đồng thời giúp nâng cao ý thức và sự hài lòng với công việc của người lao động. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hợp lý hóa chi phí sản xuất, cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Phương pháp này đang được áp dụng mạnh mẽ vào công nghiệp sản xuất và công nghiệp dịch vụ. Theo các chuyên gia, ứng dụng TPM có những tiến bộ vượt bậc, là động lực chủ yếu thúc đẩy sự gia tăng năng suất và sự thành công của nền công nghiệp hiện đại. Có thể xem TPM là biện pháp có hiệu quả nhất, chắc chắn nhất để sản xuất đạt trình độ thế giới.
Bà Yeehuan Lim – Giảng viên thuộc tổ chức Industry Forum ( Anh) cho biết: “TPM là một chương trình cải thiện về khả năng sản xuất 1 cách toàn diện. Thông qua đó, cải thiện được tính ổn định của máy móc, và để mà cải thiện được máy móc thì đầu tiên phải cải thiện yếu tố con người, đó chính là ý thức bảo vệ máy móc. Vì vậy, làm thế nào để có sự tham gia tích cực của yếu tố con người, chúng tôi chú ý đến vấn đề nâng cao kỹ năng vận hành, hiểu biết về máy móc, chuyên môn đối với thiết bị mà họ đang sử dụng. Nói về TPM thì đây là chủ đề rất lớn. Nó đòi hỏi phải có sự hợp tác và gắn kết giữa người quản lý, công nhân và máy móc. Đồng nghĩa với việc người công nhân phải có tinh thần và trách nhiệm nâng cao ý thức bảo vệ, cũng như chăm sóc thiết bị máy móc mà họ đang vận hành”.
Mục đích chính của việc áp dụng TPM tại doanh nghiệp là mang lại năng suất về quản lý trang thiết bị toàn diện; Trong đó bao hàm các góc độ về kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả kinh tế. TPM giúp cho người thợ, đặc biệt là người trực tiếp vận hành máy móc có ý thức, trách nhiệm với máy móc mình được giao. Cụ thể là chăm sóc, quản lý, sử dụng làm sao đạt hiệu quả.
Tại Phía Nam, doanh nghiệp Vĩnh Phú là một trong những đơn vị hàng đầu về lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu và nhựa. Sản phẩm làm ra rất đa dạng, phục vụ cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, thiết bị gia dụng, phụ kiện dệt may,…Thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu cho khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản, EU; 40% còn lại cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, là doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ nên hệ thống sản xuất tại đây vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể như môi trường sản xuất chưa đồng bộ, thiếu khoa học; Thiết bị chưa phát huy được tối đa hiệu suất, dẫn đến lãng phí các nguyên liệu đầu vào; Thường xuyên không đáp ứng được yêu cầu của đơn hàng, năng suất, chất lượng không tăng.... Theo ông Võ Hà Quốc Đăng – Phó TGĐ Cty Vĩnh Phú: “Hiện nay sản xuất tại doanh nghiệp vẫn còn là bán tự động. Trình độ tay nghề của công nhân không đồng đều. Trước đây, việc kiểm tra, giám sát, xắp xếp, vận hành sản xuất chưa được thiết lập một cách có hệ thống. Bên cạnh đó, tác phong công nghiệp của công nhân chưa cao, nhiều thói quen chưa phù hợp với sản xuất công nghiệp. Với việc tham tham gia Chương trình 712 về năng suất chất lượng và triển khai hệ thống quản lý bảo trì năng suất tổng thể - TPM, những tồn tại trên đều đã được giải quyết. Hoạt động này không chỉ được tuyên truyền, thực hiện ở bộ phận sản xuất với những người trực tiếp vận hành máy, mà còn có sự tham gia của toàn bộ Ban quản lý với khẩu hiệu “chất lượng sản phẩm quyết định chất lượng thu nhập ”, “ Bảo vệ máy móc như bảo vệ chính con người mình”. Thực hiện TPM đã giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày. Điều này đã giúp doanh nghiệp hợp lý hóa chi phí sản xuất, cải tiến máy móc, nhằm phát huy tối đa sử dụng thiết bị, nhưng cũng phải chăm sóc, bảo trì, bảo dưỡng máy để tăng tuổi thọ máy móc, giảm sai sót trong vận hành. Đặc biệt, công nhân rất tích cực tham gia vào phong trào cải tiến năng suất, rút ngắn thời gian lao động để giảm lãng phí thời gian chết trong qui trình sản xuất”.
Cho biết thêm về chương trình đào tạo, Bà Yeehuan Lim – Giảng viên thuộc tổ chức Industry Forum ( Anh) chia sẻ: “Hiện Industry Forum đang cung cấp chương trình đào tạo về phát triển sản xuất, quản lý tại các công ty nhỏ tại VN. Những công ty mà Industry Forum đang hỗ trợ đào tạo đều là những công ty đã được chọn ra từ nhiều công ty khác tại VN. Mỗi một công ty đều có đặc thù riêng biệt, khác nhau nên xuất phát điểm cũng đều khác nhau, nhưng thông qua chương trình này chúng tôi hy vọng có thể cung cấp một qui trình sản xuất theo hệ thống chuẩn để họ có môi trường phát triển tốt hơn; Giúp những người lao động có sự gắn kết tích cực với thiết bị, máy móc; Giúp người quản lý có kỹ năng lãnh đạo, quản lý máy móc và chú ý vào việc đầu tư yếu tố con người. Từ đó, hệ thống sản xuất, chất lượng sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực tham gia vào khu vực toàn cầu. Tại Vĩnh Phát, lãnh đạo và công nhân tham gia rất tích cực và họ đang bắt đầu vận dụng những gì đã học được vào công việc 1 cách hiệu quả. Tại phân xưởng làm khuôn nhựa, công nhân Lương Văn Luyến – Tổ trưởng Tổ bảo trì máy móc cũng chia sẻ rằng, từ khi tham gia học chương trình về TPM, bản thân anh đã vận dụng rất nhiều kiến thức được học vào công việc vận hành, vệ sinh máy hàng ngày. TPM không chỉ giúp công nhân ý thức được tầm quan trọng của máy móc, mà chương trình học còn tạo được tinh thần thi đua và yêu công việc của mình hơn. Đó là tinh thần TPM mà các thầy cô đào tạo đã truyền lửa cho các học viên của mình.
Đến nay, bài toán về hiệu quả chi phí sản xuất của doanh nghiệp Vĩnh Phú đã có kết quả rõ rệt. Đầu tiên là, khả năng vận hành máy móc cao hơn 30 – 35%. Kế đến là trình độ tay nghề của người lao động tăng, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Tình trạng tồn đọng sản phẩm không còn, giảm phế phẩm, giảm hao hụt và phế thải. Từ đó, giảm chi phí sản xuất và bảo trì, giảm lưu kho, giảm tai nạn lao động, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, TPM cũng mang lại những lợi ích gián tiếp, như: Cải tiến kỹ năng và kiến thức chuyên môn; Cải thiện môi trường làm viêc; Nâng cao sự tự tin, năng lực, tính sáng tạo và tinh thần làm việc của người lao động; Cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh.
Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 700 ngàn doanh nghiệp hoạt động, trong đó, có 98,1% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp không nhỏ vào GDP, tạo công ăn việc làm, ổn định kinh tế... Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn nhiều hạn chế về quy mô, mức độ đóng góp và chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của mình. Một trong những hạn chế lớn còn tồn tại ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ là tư duy quản lý truyền thống, thái độ và tác phong làm việc của công nhân chưa mang tính chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn còn áp dụng phương pháp quản lý theo lối cũ là: công nhân vận hành máy làm ra sản phẩm. còn việc bảo dưỡng máy do bộ phận chuyên trách đảm nhiệm. Tuy nhiên, với mức độ tự động hóa ngày càng cao, tính chuyên nghiệp cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy công nghiệp. Theo đó, công nhân vận hành phải đảm nhiệm cả công việc bảo dưỡng hàng ngày. Bộ phận bảo dưỡng chuyên trách sẽ chỉ quản lý và đảm nhiệm các công tác bảo dưỡng quan trọng định kỳ. Qua đó, nâng cao ý thức tự giác của công nhân trong quá trình vận hành, quản lý máy móc. Để họ hiểu rằng, việc đảm bảo máy luôn chạy tốt, hiệu quả và duy trì số giờ hoạt động, thì cần thực hiện vệ sinh máy móc thiết bị hàng ngày. Máy móc vận hành tốt, sẽ tăng năng suất, chất lượng; đồng nghĩa với thu nhập của người lao động tăng và luôn ổn định.
Một buổi học TPM của nhóm công nhân
Thu Huyền