Hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh, thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh góp phần phát triển kinh tế bền vững
Theo báo cáo năm 2021 của UBND tỉnh, tính đến giữa tháng 11/2021, tỉnh đã thu hút 72.456 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tăng 8,3%); có 416 doanh nghiệp giải thể (2.157 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 53.147 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký 515 ngàn tỷ đồng. Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh đã thu hút 02 tỷ 069 triệu đô la Mỹ (vượt 14,9% kế hoạch năm), gồm: 64 dự án đầu tư mới (592 triệu đô la Mỹ), 24 dự án điều chỉnh tăng vốn (808 triệu đô la Mỹ), 161 dự án góp vốn (669 triệu đô la Mỹ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 37 tỷ đô la Mỹ.
Cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp
Trong năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đầu quý III dịch bệnh bùng phát với tốc độ lây lan nhanh đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, đời sống của người dân. Để giữ vững và phát triển kinh tế, tỉnh đã tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư bằng nhiều phương thức, cách làm phù hợp; thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, cũng như giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển cho các tổ chức nói chung và Doanh nghiệp nói riêng.
Đặc biệt, Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ tư vấn, đào tạo, phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư kinh doanh mà còn là một kênh hỗ trợ chính thức để tiếp nhận, nắm bắt và kịp thời hỗ trợ những khó khăn mà Doanh nghiệp đang gặp phải. Từ đó, góp phần cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của các Doanh nghiệp trên toàn địa bàn, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút các nguồn đầu tư vào Bình Dương.
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã triển khai nhiều nhiệm vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19. Sở đã cùng với các sở, ngành trên địa bàn tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp theo từng thời điểm cụ thể, hạn chế tối đa sự đứt gãy của chuỗi sản xuất; tăng trưởng kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, tín dụng duy trì tăng trưởng so với 2020.
Góp phần vào việc cải thiện điểm số và thứ hạng của các chỉ số về năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh; đề án thành phố thông minh Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh vào TOP 7 các cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh trên thế giới.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp tích cực ủng hộ kinh phí, phương tiện, trang thiết bị, mặt bằng nhà xưởng tham gia chống dịch.
Các dự án - hoạt động liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin
Trong giai đoạn 2016-2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp tỉnh Bình Dương tại Quyết định số 2876/QĐ-UBND ngày 19/10/2017. Dự án đã hoàn thành và được bàn giao cho Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, đưa vào khai thác sử dụng từ cuối năm 2019. Hiện cơ sở dữ liệu doanh nghiệp là một trong các cơ sở dữ liệu nền tảng của hệ thống các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự án số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp tại Quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 25/5/2020 để tiếp tục bổ sung, cập nhật đầy đủ thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp còn thiếu vào cơ sở dữ liệu doanh nghiệp của tỉnh. Dự kiến dự án số hóa sẽ hoàn thành trong quý III/2022.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho 9 dự án công nghệ thông tin phục vụ phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn 2021-2025 với tổng số vốn đầu tư 8 tỷ đồng theo Công văn số 5336/UBND-VX ngày 02/11/2020 của UBND tỉnh về thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án công nghệ thông tin trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Đến nay, có 02 dự án được UBND tỉnh chấp thuận giãn tiến độ đầu tư, 05 dự án đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, 02 dự án đang trong quá trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Do các dự án vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa có cơ sở bố trí vốn thực hiện dự án.
Thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh
Căn cứ các hướng dẫn và định hướng của các Bộ, ngành Trung ương, tình hình thực tế của địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 28/4/2021 về việc phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh như sau:
- Nhóm mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế
+ Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi gia súc nhằm mục tiêu xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học với chi phí đầu tư nhỏ, không chiếm nhiều diện tích đất; thu hồi được nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại chỗ (trong đun nấu, thấp sáng) và đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời nâng cao nhận thức đến các hộ nông dân, chủ trang trại chăn nuôi về sản xuất sạch hơn, xanh hơn, mang lại lợi ích về mặt chi phí kinh tế, môi trường, xã hội, giảm tiêu dùng năng lượng gây ô nhiễm môi trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì).
+ Mô hình xanh hóa vườn cây có múi nhằm giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực về năng lượng, nước tưới, hóa chất nông nghiệp, giảm ô nhiễm tài nguyên đất, nước, không khí góp phần bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất xanh hơn, sạch hơn hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho vùng chuyên canh trái cây có múi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì).
+ Mô hình xanh hóa làng nghề sản xuất ngành nghề nông thôn truyền thống nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, hộ sản xuất, cộng đồng dân cư tại các làng nghề về bảo vệ môi trường; giới thiệu, trình diễn những giải pháp công nghệ mới, tiết kiệm chi phí năng lượng, thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm tại các làng nghề truyền thống (UBND thành phố Thủ Dầu Một chủ trì).
+ Mô hình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng thông qua các dự án trình diễn; thúc đẩy chuyển đổi các doannh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) từ trạng thái sử dụng năng lượng kém hiệu quả, gây ô nhiễm sang trạng thái sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Sở Công Thương chủ trì).
- Nhóm mô hình thuộc lĩnh vực xã hội
+ Mô hình tiết kiệm nước tưới cho cây xanh, vườn hoa tại đô thị nhằm vận hành thí điểm hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến các hố trồng cây xanh, vườn hoa nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về tiết kiệm nước ngọt tưới cây cũng như tiết kiệm các chi phí hoạt động chăm sóc khác, góp phần tạo không gian xanh, mỹ quan đô thị, vừa nâng cao ý thức công dân về gìn giữ môi trường sống đô thị (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì).
+ Mô hình xanh hóa khu nhà trọ tại các khu, cụm công nghiệp nhằm Nâng cao nhận thức, định hướng hành vi tiêu dùng, lối sống cho cộng đồng công nhân sinh sống trong các khu nhà (phòng) trọ về sử dụng bao bì, phân loại rác thải sinh hoạt, tiết kiệm điện, nước sinh hoạt hằng ngày hay việc xanh hóa không gian nhà trọ…(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì).
+ Mô hình trường học xanh nhằm giáo dục học sinh cách sống khỏe mạnh; ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh trường, lớp, môi trường sống xung quanh; tạo cho học sinh một môi trường học tập và sinh hoạt, vui chơi an toàn, sạch sẽ; tăng cường, kiện toàn công tác quản lý của nhà trường, sự quan tâm của các cấp ban, ngành, chính quyền địa phương, sự phối hợp hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nhà trường (Sở Giáo dục và Đào tạo).
+ Mô hình bệnh viện xanh nhằm xây dựng không gian thăm khám, nghỉ dưỡng sạch sẽ, yên tĩnh, nhiều bóng mát gắn với các hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo sức khỏe cộng đồng; nâng cao nhận thức của đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân, thân nhân về giữ gìn vệ sinh môi trường bệnh viện xanh sạch đẹp, an toàn (Sở Y tế).
Các hoạt động liên quan đến quy hoạch đô thị và giao thông thông minh
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 462/QĐ-TTg ngày 07/4/2020. Do một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch, hiện Sở đang tham mưu UBND tỉnh lập phương án huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nguồn lực cho các hoạt động quy hoạch.
Định hướng năm 2022 và giai đoạn 2022-2026:
Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện dự án số hóa dữ liệu doanh nghiệp theo tiến độ được phê duyệt. Tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án phục vụ phát triển đô thị thông minh.
Kiến nghị Ban Điều hành thành phố thông minh chỉ đạo, đôn đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nhân rộng thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh theo Đề án ban hành tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 28/4/2021 của UBND tỉnh.
Huy động các nguồn lực tham gia công tác lập quy hoạch tích hợp của tỉnh, trong đó có xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quy hoạch góp phần phát triển thành phố thông minh.
Nguồn: Báo cáo việc thực hiện Đề án thành phố thông năm năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư ký ngày 30/11/2021; Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương năm 2021.
Tuyết Mai