Hoạt động khoa học và công nghệ Bình Dương năm 2020: Đổi mới và Phát triển
Ông Lê Vương Duy - Chánh Văn phòng, Sở Khoa học và Công nghệ
Trong năm 2020, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đã tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, triển khai các nhiệm vụ đề ra kịp thời, đảm bảo tiến độ và chất lượng; các nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu đều xuất phát từ yêu cầu thực tế của đơn vị; tổ chức triển khai nghiên cứu 12 nhiệm vụ; đánh giá, nghiệm thu 04 đề tài và bàn giao 13 đề tài cho các đơn vị để triển khai ứng dụng. Tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường, năng suất và chất lượng được thường xuyên, liên tục góp phần nâng cao nhận thức cho các tổ chức sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Công tác thanh tra duy trì thực hiện theo kế hoạch thanh tra định kỳ và chuyên ngành. Công tác thẩm định và cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, chứng chỉ nhân viên bức xạ và giấy xác nhận khai báo thiết bị phát tia X theo đúng trình tự thủ tục và thời gian quy định.
Đảm bảo 100 % thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết đúng nội dung và thời gian quy định. Việc tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống một cửa quốc gia đã giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại khi thực hiện thủ tục hành chính, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo STEM/STEAM thu hút đội ngũ giáo viên các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham dự, giúp cho giáo viên tiếp cận và có định hướng ứng dụng trong công tác giảng dạy, góp phần khơi dậy tinh thần sáng tạo trong học sinh và thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy ở giáo viên. Phát động cuộc thi khởi nghiệp từ nghề truyền thống tỉnh Bình Dương, nhằm giới thiệu và trang bị cho cho các đối tượng tham gia cuộc thi và cộng đồng sinh viên những kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp sáng tạo và quá trình phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo.
Tổ chức vận hành Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp bước đầu mang lại nhiều lợi ích thiết thực; phòng Fablab đã hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ cho các giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến thực hành, tạo các sản phẩm mẫu,… góp phần hiện thực hóa lý thuyết tại nhà trường... Thông qua các hoạt động trên đã góp phần định hướng cho sự phát triển về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Kết quả hoạt động KH&CN năm 2020
Triển khai nhiệm vụ KH&CN ở các lĩnh vực trọng yếu
Sở KH&CN đã thành lập và tổ chức họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN chuyên ngành năm 2020 ở các lĩnh vực và trình UBND tỉnh phê duyệt đưa vào danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cấp tỉnh năm 2020:
(1) Nghiên cứu xây dựng hệ thống tích hợp thông tin phục vụ chỉ huy điều hành tại Sở chỉ huy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc;
(2) Nghiên cứu xây dựng chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
(3) Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý, kỹ thuật phát triển hoạt động nuôi chim yến bền vững tại tỉnh Bình Dương;
(4) Nghiên cứu xây dựng quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho một số cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
(5) Nghiên cứu dự báo nhu cầu bãi đỗ xe công cộng và đề xuất các giải pháp quy hoạch, chính sách đầu tư và mô hình quản lý khai thác hệ thống bãi đỗ xe công cộng tại khu vực trung tâm đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, Sở KH&CN còn tổ chức họp tuyển chọn, giao trực tiếp, thẩm định kinh phí, trình UBND tỉnh phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện 12 nhiệm vụ; nghiệm thu được 04 đề tài đạt yêu cầu; công nhận 13 kết quả đề tài và bàn giao kết quả cho các đơn vị thụ hưởng.
Quản lý chuyên ngành
Hướng dẫn cho 20 đơn vị, tổ chức cá nhân lập hồ sơ cấp phép tiến hành công việc bức xạ theo quy định, tổ chức thẩm định và cấp 56 giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho 50 đơn vị (bao gồm cả gia hạn; cấp mới và sửa đổi bổ sung) và cấp 20 chứng chỉ nhân viên bức cho 20 cá nhân làm công tác đảm bảo an toàn bức xạ tại các đơn vị y tế; tổ chức thẩm định và phê duyệt 15 kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cho 15 cơ sở có sử dụng thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế.
Trình UBND tỉnh về việc xin chủ trương xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân và tổ chức diễn tập Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân năm 2020. Đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn số 1277/UBND-VX ngày 20/3/2020. Phối hợp với Viện Ứng dụng Công nghệ thông tin và Bức xạ tiến hành đo đạc phông phóng xạ môi trường tại các cơ sở, địa bàn trọng điểm trong tỉnh và thu thập thông tin liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh nguồn phóng xạ tại các đơn vị.
Phối hợp với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thiết lập trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ Sở hữu công nghiệp (IPPlatform) và tổ chức Hội nghị “Quản trị tài sản trí tuệ và công cụ khai thác thông tin SHCN phục vụ hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ”.
Hướng dẫn thủ tục đăng ký và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 131 tổ chức, cá nhân về nhãn hiệu, sáng chế, thủ tục gia hạn, sửa đổi và cấp phó bản giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, thủ tục chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Thẩm định và hỗ trợ kinh phí xác lập quyền cho 14 hồ sơ của 13 tổ chức, cá nhân có đơn đề nghị hỗ trợ thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh với tổng số tiền 64,330 triệu đồng.
CNTT, thông tin, thống kê KH&CN
Xây dựng, quản trị hệ thống phần mềm chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung vùng Đông Nam bộ, phối hợp với Cục Công tác phía, Nam Bộ KH&CN xây dựng một số văn bản pháp lý để vận hành hệ thống, hiện phần mềm đã hoạt động ổn định phục vụ cho các tỉnh thành trong vùng Đông Nam bộ cập nhật dữ liệu; xây dựng hệ thống phần mềm thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật trên Internet cho Sở Tư pháp và phần mềm thi trực tuyến cho Hội Phụ nữ tỉnh; bảo trì hệ thống website cho Tỉnh đoàn.
Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đăng ký hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và qua Cổng thông tin dịch vụ công mức độ 4 của tỉnh. Đến nay số lượng hồ sơ được giải quyết qua Công thông tin một cửa Quốc gia đạt 88,89% và số lượng doanh nghiệp tham gia đạt 142/149 doanh nghiệp đạt tỷ lệ 95%, tiếp nhận 29 thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy qua Cổng thông tin dịch vụ công mức độ 4 của tỉnh https://dichvucong.binhduong.gov.vn/ (đạt 145% so với mục tiêu năm 2020).
Xuất bản 12 bản tin khoa học và công nghệ (02 bản giấy in gộp và 08 bản điện tử); xây dựng phóng sự kỷ niệm 40 năm ngành KH&CN. Tổ chức treo băng rôn tuyên truyền chào mừng ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh” và tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Đo lường Việt Nam 20/01 và kỷ niệm ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10.
Tuyên truyền cho 08 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh về Trung tâm sáng kiến cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp (BIIC) và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh với hơn 2500 lượt sinh viên tham dự. Đồng thời phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội sinh viên tỉnh, phòng kinh tế các huyện thị tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh về Trung tâm và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hoạt động sở hữu trí tuệ đến đông đảo cán bộ công chức, đoàn viên thanh niên, học sinh thông qua các sự kiện do những đơn vị này tổ chức.
Phối hợp với BTV thực hiện chương trình phổ biến pháp luật và cuộc sống với nội dung tuyên truyền về Hợp đồng chuyển giao công nghệ trong Luật Chuyển giao công nghệ 2017.
Tiếp nhận hồ sơ và cấp 83 giấy chứng nhận đăng ký lưu giữ luận văn - luận án sau đại học; 25 giấy chứng nhận đăng ký lưu giữ nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Thanh, kiểm tra KH&CN
Thanh tra về phòng, chống tham nhũng: Thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2020 đối với 02 đơn vị trực thuộc sở (gồm: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).
Thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực an toàn bức xạ: Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu Công nghiệp VSIP tỉnh tiến hành thanh tra chuyên ngành 2020 về lĩnh vực an toàn bức xạ 42 cơ sở bức xạ (gồm: 30 cơ sở bức xạ trong y tế, 12 cơ sở bức xạ trong công nghiệp). Kết quả đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 cơ sở y tế có hành vi sử dụng Giấy chứng nhận tập huấn an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ trong y tế hết hiệu lực với hình thức phạt chính, phạt tiền tổng cộng là 12 triệu đồng.
Thanh tra chuyên đề theo chỉ đạo của Bộ KH&CN: Thanh tra 25 đơn vị kinh doanh hàng hóa. Kết quả: Xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 đơn vị kinh doanh với hành vi bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tổng số tiền phạt gần 13 triệu đồng.
Thông báo kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với lô hàng máy khoan cầm tay của Công ty TNHH Makita Việt Nam và lô hàng thép không hợp kim của Công ty TNHH Power Best Việt Nam, yêu cầu các Công ty tiêu hủy lô hàng nhập khẩu theo quy định.
Kiểm tra về chất lượng tại 64 cơ sở kinh doanh xăng dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thép làm cốt bê tông, thiết bị điện-điện tử. Qua kiểm tra về chất lượng 73 mẫu xăng Ron 95-III; 57 mẫu xăng E5 Ron 92-II; 02 thiết bị điện - điện tử; 05 mẫu đồ chơi trẻ em; 09 mẫu thép làm cốt bê tông. Kết quả phát hiện 01 mẫu thép làm cốt bê tông không phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật, tiến hành xử lý vi phạm với số tiền 10 triệu đồng.
Kiểm tra về đo lường tại 87 cơ sở kinh doanh xăng dầu, vàng trang sức mỹ nghệ, thép lá, cốt bêtông, hàng đóng gói sẵn. Qua kiểm tra 347 phương tiện đo; 28 lô hàng đóng gói sẵn. Kết quả phát hiện 01 cơ sở kinh doanh hàng đóng gói sẵn không đạt yêu cầu và 01 cơ sở vi phạm về đo lường, tiến hành xử lý vi phạm với số tiền 24 triệu đồng.
Tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Tiếp nhận và xử lý 801 hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu (trong đó giải quyết 712 hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, chiếm tỉ lệ 88,89 %).
Giải quyết 10 hồ sơ cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tiếp nhận 09 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5 và loại 8 gửi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, cấp phép.
Họp hội đồng xét chọn 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó 07 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng (HACCP, ISO 9001, ISO 22000) và 03 doanh nghiệp được hỗ trợ chứng nhận và công bố hợp chuẩn. Kết quả, đến nay đã tiến hành nghiệm thu 05 doanh nghiệp tham gia hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng (HACCP, ISO 9001) với kết quả đạt yêu cầu. Số doanh nghiệp còn lại đang thực hiện và sẽ nghiệm thu vào cuối tháng 12/2020.
Vận động được 06 doanh nghiệp đăng ký tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19 nên tất cả các doanh nghiệp gửi văn bản không tham gia giải thưởng để khắc phụ khó khăn…
Hoạt động sự nghiệp ứng dụng tiến bộ KHCN
Cung cấp và đọc liều chiếu xạ cá nhân 6810 cái; kiểm định 220 thiết bị X quang chẩn đoán dung trong y tế; tư vấn lập 36 báo cáo đánh giá an toàn, kế hoạch ứng phó sự cố, hồ sơ đề nghị cấp phép và gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ; kiểm xạ 371 thiết bị bức xạ; kiểm toán năng lượng và thực hiện các giải pháp cho 14 đơn vị; kiểm định, thử nghiệm kỹ thuật an toàn lao động 1.100 thiết bị; huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động 18 cơ sở; lắp đặt 04 hầm biogas xử lý môi trường. Thu dịch vụ ước đạt được 5,9 tỷ đồng đạt 100 % kế hoạch năm.
Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ
Thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận tổ chức KH&CN; tư vấn các trường hợp xác nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ, thành lập doanh nghiệp KH&CN.
Tham gia góp ý về mặt công nghệ khoảng 150 dự án đầu tư do Sở Kế hoạch Đầu tư gửi lấy ý kiến; tham gia có ý kiến về mặt công nghệ dự án đầu tư qua dự họp đánh giá tác động môi trường khoảng 90 dự án đầu tư do Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường mời dự.
Thẩm định và cấp 04 giấy xác nhận đăng ký Hợp đồng chuyền giao công nghệ; đang trong quá trình xử lý 01 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy xác nhận.
Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Xây dựng quy chế quản lý, vận hành Fablab tại BIIC, các danh mục thiết bị được cập nhật, có sổ tay hướng dẫn sử dụng thiết bị và Fablab được kết nối vào hệ thống Fablab thế giới.
Hàng tuần tổ chức các hoạt động giới thiệu về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp như: hoạt động kết nối, sự kiện chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, mô hình khởi nghiệp, các khóa đào tạo theo chuyên đề giúp nâng cao năng lực các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp xây dựng và phát triển dự án.
Tổ chức Chương trình đào tạo nâng cao năng lực xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; tổ chức chương trình đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy theo định hướng giáo dục STEM/STEM.
Phối hợp các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh xây dựng Đề án phát triển các phòng thí nghiệm thực nghiệm (Fablab). Đến nay, có 03 Fablab được đầu tư từ ngân sách sự nghiệp khoa học, gồm: Fablab tại BIIC; Fablab cơ điện Bình Dương - tại Trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore; Fablab Công nghệ sinh học ứng dụng Bình Dương - tại Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, KH&CN Bình Dương cũng gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai, số lượng nhiệm vụ KH&CN tham gia đề xuất đặt hàng ở các sở, ban, ngành, địa phương năm 2020 được đưa vào danh mục thực hiện còn rất ít, rời rạc. Nguyên nhân là do các Sở ban ngành, địa phương chưa quan tâm đến hoạt động KH&CN để phục vụ cho công tác quản lý của đơn vị mình và tham mưu cho tỉnh; sự kết hợp giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà khoa học, tổ chức chuyển giao công nghệ chưa đạt hiệu quả cao.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên một số hoạt động hội nghị, hội thảo, tập huấn liên quan đến KH&CN chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra từ đầu năm, dẫn đến công tác thông tin về hoạt động KH&CN năm 2020 cũng hạn chế.
Định hướng hoạt động trong thời gian tới
1. Tham mưu UBND tỉnh đề án thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp.
2. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Phát triển tiềm lực KH&CN, nhân lực KH&CN, chú trọng giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thông qua triển khai các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tăng cường gắn kết các Viện nghiên cứu, Trường Đại học với các doanh nghiệp, sở ngành để đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN. Đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
4. Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, dịch vụ KH&CN.
5. Tổng kết Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2017 - 2020. Triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025.
6. Xây dựng và thực hiện Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của địa phương; Triển khai các giải pháp để đây mạnh việc phát triển Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị.
7. Đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh.
8. Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu; tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật hành chính, xây dựng chính phủ điện tử và tăng cường ứng dụng CNTT, hiện đại hóa công tác quản lý; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.