Hoạt động khoa học và công nghệ Trường đại học Thủ Dầu Một - Những bước phát triển
TS. Trần Văn Trung - Trường Đại học Thủ Dầu Một
Tóm tắt:
Phát triển khoa học và công nghệ là biện pháp tích cực, hiệu quả giúp giảng viên, sinh viên phát huy sáng kiến, phát triển tư duy; tìm tòi và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội, phù hợp với xu thế hội nhập. Sau 10 năm thành lập, hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Thủ Dầu Một đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao góp phần giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, khu vực Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
I. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X xác định: “Phát triển mạnh, kết hợp chặt giữa hoạt động khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo để phát huy vai trò quốc sách hàng đầu, tạo động lực đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức” . Sản phẩm của các hoạt động KH&CN là kết quả hoạt động sáng tạo rất đa dạng với nhiều hình thức, nhiều giá trị khác nhau góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo ở các trường đại học.
Trường Đại học Thủ Dầu Một với sứ mệnh là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trở thành trung tâm tư vấn nghiên cứu trong khu vực. Qua 10 năm hình thành và phát triển, Trường đã định hình là một cơ sở giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển theo mô hình đại học tiên tiến. Với triết lý “Khát vọng - Trách nhiệm - Sáng tạo”, Nhà trường đã và đang khẳng định vị thế của một đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao, là đại diện tiêu biểu cho sức mạnh tri thức của tỉnh Bình Dương. Hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Thủ Dầu Một đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao góp phần giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, khu vực Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
II. Thành tựu hoạt động KH&CN của Trường Đại học Thủ Dầu Một giai đoạn 2009 - 2018
Trường Đại học Thủ Dầu Một định hình một cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đã tập trung nguồn lực lớn cho hoạt động khoa học và công nghệ. Với phương hướng phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ, ứng dụng và chuyển giao KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn về kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Nhà trường đã nỗ lực tập hợp tiềm năng KH&CN (bao gồm: công tác xây dựng đội ngũ, xác lập định hướng hoạt động KH&CN, xây dựng cơ chế chính sách) và tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN ở nhiều cấp độ khác nhau.
2.1. Thành tựu về tập hợp tiềm năng KH&CN
Trường Đại học Thủ Dầu Một xác định đội ngũ cán bộ khoa học là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để thực hiện công tác nghiên cứu. Với chính sách thu hút các nhà khoa học là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, viên chức có học vị từ nhiều tỉnh thành trong cả nước về Trường Đại học Thủ Dầu Một công tác, đồng thời kết hợp với đào tạo tại chỗ. Công tác đào tạo tiềm lực KH&CN của Trường cũng tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Nhà trường đã có 09 cán bộ của Trường được công nhận chức danh phó giáo sư, 20 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài. Hiện nay, đội ngũ cán bộ khoa học của Trường có 01 giáo sư, 16 phó giáo sư tiến sĩ, 115 tiến sĩ, 500 thạc sĩ; 108 cán bộ, giảng viên đang làm nghiên cứu sinh cả trong và ngoài nước.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách là một trong những mảng công tác được chú trọng. Để triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu, Nhà trường đã tập trung xây dựng các nội quy, quy chế hoạt động KH&CN. Các văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động khoa học của Trường đã hoàn thiện, bao gồm: Chiến lược phát triển hoạt động KH&CN, Quy chế hoạt động KH&CN, Quy chế làm việc của giảng viên. Trên cơ sở các văn bản pháp quy, công tác quản lý KH&CN cũng như việc xét duyệt, quản lý, nghiệm thu đề tài đã đi vào nề nếp. Song song với việc xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động, Nhà trường đã dành nguồn tài chính ưu tiên cho hoạt động KH&CN.
2.2. Thành tựu về tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN
Về thực hiện đề tài KH&CN, Trường đã đề xuất thực hiện 01 đề tài theo Nghị định thư với Chính phủ Hàn Quốc, 03 đề tài cấp quốc gia, 18 đề tài cấp tỉnh; cán bộ, giảng viên đề xuất thực hiện gần 300 đề tài cấp Trường. Nội dung các đề tài đều tập trung nghiên cứu nhằm phát triển Trường Đại học Thủ Dầu Một, giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn về kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đã có 01 đề tài cấp quốc gia, 01 đề tài do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc Gia tài trợ, 11 đề tài cấp tỉnh, 213 đề tài cấp Trường được phê duyệt thực hiện .
Biểu đồ 1: Biểu đồ đề tài các cấp được phê duyệt hàng năm
Về hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được Nhà trường quan tâm. Trường đã tổ chức các hoạt động nghiên cứu phù hợp với từng đối tượng người học như: tổ chức cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học và xét tặng giải thưởng cấp trường; tổ chức các ngày hội khoa học dành cho sinh viên, học viên cao học,… Tính đến nay, có hơn 1.000 đề tài của sinh viên được thực hiện, 191 đề tài của sinh viên được trao Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Đại học Thủ Dầu Một”. Đặc biệt, sinh viên trường đã đạt 07 giải ba, 04 giải khuyến khích của Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ GD&ĐT tổ chức; 02 giải khuyến khích của Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka.
Biểu đồ 2: Biểu đồ số lượng đề tài sinh viên hàng năm
Ngày hội Khoa học sinh viên, Ngày hội Khoa học cán bộ, giảng viên trẻ và học viên cao học được tổ chức hàng năm đã thu hút đông đảo sinh viên, học viên tham gia với 303 báo cáo của sinh viên, 193 báo cáo của học viên.
Trường Đại học Thủ Dầu Một đã đạt được một số thành tựu bước đầu rất quan trọng về ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Các sản phẩm, quy trình sản xuất đã và đang được chuyển giao theo hướng thương mại hóa sản phẩm với nhiều doanh nghiệp như: Công ty Thế giới Gen, Công ty Cổ phần MHD Innocare, Công ty Asia Sai Gon Food, Công ty Cổ phần Nguyên liệu Thực phẩm Á Châu Sài Gòn (AFI), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông Thành Phát, Công ty Dược DTN Pharma... đã bước đầu tạo được niềm tin với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những sản phẩm tiêu biểu: Rượu đông trùng TDMU, Cao đông trùng TDMU, Đông trùng tươi TDMU, Trà đông trùng đẳng sâm túi lọc TDMU, Tỏi đen TDMU; Xà bông thảo dược TDMU (xà bông bưởi, xà bông yến mạch, xà bông cà phê); Nano cucumin, nano vàng, nano bạc; Bột vi tảo Sprirulina TDMU, Cà phê chồn TDM, Chế phẩm vi sinh trị bệnh nấm hồng cây cao su Tricho-TDMU X1, Chế phẩm vi sinh diệt sâu rầy MetaMix-TDMU; Cây giống invitro, tạo giống sạch bệnh (lan, đẳng sâm, cây dược liệu); Chế phẩm gel nano đông trùng trị bỏng, keo dán vết mổ; Vật liệu xây dựng thân thiện môi trường…
Nhà trường đã ký kết hợp tác trong việc nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học với Công ty TNHH Công nghệ Sinh học TVT; hợp tác nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ nano, các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học với Công ty TNHH Thế giới Gen; chuyển giao quy trình trồng các loại nấm dược liệu và cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, hợp tác nghiên cứu các sản phẩm từ nấm dược liệu với Công ty Cổ phần MHD Innocare; chuyển giao công nghệ các chế phẩm sinh học EM, Trichoderma cho Trung tâm Chuyển giao Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Kon Tum, tỉnh Ninh Thuận; chuyển giao công nghệ sản xuất gỗ ván ép từ xơ dừa và tư vấn trang thiết bị máy móc vận hành sản xuất cho Công ty TNHH Hiệp Thanh – Bến Tre…
Trường chú trọng hợp tác KH&CN với các đối tác trong nước và ngoài nước. Đến nay, Nhà trường đã có mối liên hệ, hợp tác với 30 cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, cơ quan, doanh nghiệp trong nước và gần 30 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức nước ngoài. Các nội dung hợp tác phong phú và đa dạng tùy vào thế mạnh, đặc thù của từng đối tác. Trường đã và đang hợp tác với các đối tác trong việc triển khai thực hiện đề tài theo Nghị định thư “Nghiên cứu tăng cường huỳnh quang bằng công nghệ nano lượng tử ứng dụng trong xét nghiệm y sinh siêu nhạy”, đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu công nghệ sản xuất màng cellulose sinh học từ nước quả dừa khô ứng dụng làm bao gói thực phẩm”, đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển cảnh quan khu vực bờ Đông sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương trở thành điểm nhấn bản sắc văn hóa Bình Dương”, “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo lập bản sắc quy hoạch - kiến trúc cho một số khu vực trọng điểm của tỉnh Bình Dương trong tương lai”…; ký kết phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ trong việc xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngành khoa học tự nhiên; ký kết phối hợp với Đại học Khoa học Malaysia, Đại học Chămpasat, Lào trong nghiên cứu khoa học…
Hình 1: Lễ ký kết MOU giữa Trường Đại học Thủ Dầu Một với Trường Đại học Jung Won (Hàn Quốc)
Về công tác phổ biến thông tin KH&CN, cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một đã công bố 125 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế, 615 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và gần 3.000 báo cáo khoa học ở nhiều hội nghị, hội thảo các cấp. Đặc biệt, có 58 bài báo được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, 16 bài báo được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus. Theo dữ liệu từ Scopus, Trường Đại học Thủ Dầu Một được xếp hạng thứ 42 về công bố quốc tế trong số các đại học, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu của Việt Nam (có tổng số ấn phẩm lớn hơn 20 và số bài báo tạp chí trên 10 trong thời gian 1/2017- 6/2018) .
Biểu đồ 3: Biểu đồ số lượng công bố khoa học hàng năm
Biểu đồ 4: Biểu đồ số lượng báo cáo khoa học hàng năm
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một đã xuất bản 37 kỳ, đăng tải trên 555 bài báo khoa học của các tác giả trong và ngoài Trường. Thông qua công tác phổ biến thông tin khoa học, Tạp chí đã xác lập được uy tín trong giới khoa học, được các cơ quan khoa học và giáo dục đánh giá cao. Đến nay, Tạp chí đã được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đưa vào danh mục Tạp chí tính điểm xét công nhận học hàm Giáo sư, Phó giáo sư các ngành: Lịch sử - Khảo Cổ học - Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Văn học, Tâm lý học, Giáo dục học, Công nghệ sinh học.
Nhà trường đã tổ chức và phối hợp tổ chức thành công 09 hội thảo khoa học quốc tế, 12 hội thảo khoa học quốc gia và hơn 130 cuộc hội thảo cấp trường, cấp khoa. Một số hội thảo đã để lại dấu ấn sâu sắc trong giới khoa học. Điển hình là các Hội thảo khoa học quốc tế: Nền móng và giải pháp địa kỹ thuật xây dựng trên nền đất yếu (năm 2013), Việt Nam 40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập 1975-2015; Tăng trưởng xanh - Con đường hướng đến phát triển bền vững (năm 2016, phối hợp với Mạng lưới Nghiên cứu quản lý và Công nghệ xanh; Kết nối với Việt Nam lần thứ 9 - Đối thoại liên ngành chủ đề: “Nghiên cứu diễn ngôn ‘Phát triển’, ‘Du lịch’ và ‘Bền vững’ ở Việt Nam từ góc độ đa ngành và đa chiều” (năm 2017), Du lịch quốc tế: Con đường kết nối văn hoá giữa các tỉnh, thành và cộng đồng của Việt Nam và Malaysia…
Hình 2: Đại biểu dự Hội thảo quốc tế “Du lịch quốc tế: Con đường kết nối văn hóa giữa các tỉnh, thành và cộng đồng của Việt Nam và Malaysia”
III. Định hướng phát triển KH&CN của Trường Đại học Thủ Dầu Một trong thời gian tới
Trong bối cảnh Bình Dương xây dựng thành phố thông minh và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động KH&CN của Trường Đại học Thủ Dầu Một tập trung vào một số định hướng sau:
Thứ nhất, tiếp tục tập hợp tiềm năng KH&CN, phát huy năng lực sẵn có của Nhà trường, mở rộng hợp tác với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước và chủ động hội nhập để xây dựng và phát triển các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN của Nhà trường đủ mạnh, có khả năng tạo ra các sản phẩm trí tuệ cao, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn của tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – Vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chương trình, đề tài KH&CN theo kế hoạch chiến lược đã ban hành là nghiên cứu về Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – Vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung các chủ đề: Công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, chất lượng giáo dục đại học, thành phố thông minh, đại học thông minh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động công bố quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ các kết quả nghiên cứu.
Thứ tư, đẩy mạnh việc gắn kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao để chia sẻ các nguồn lực chung (cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực), rút ngắn thời gian chuyển giao từ tri thức vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ năm, khuyến khích cả về tinh thần và vật chất cho các nhóm nghiên cứu, nhóm có ý tưởng sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp, từng bước xây dựng Trường Đại học Thủ Dầu Một trở thành nơi phát khởi sáng tạo KH&CN và khởi nghiệp.
IV. Kết luận
Sau 10 năm thành lập, hoạt động KH&CN Trường Đại học Thủ Dầu Một đã bước phát triển mạnh mẽ, đội ngũ đội ngũ cán bộ khoa học của Trường tăng nhanh về số lượng, chất lượng; nhiều đề tài KH&CN đã được nghiên cứu, ứng dụng, triển khai, chuyển giao; góp phần giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, khu vực Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020), đó là “Phát triển dịch vụ và thị trường khoa học – công nghệ, khuyến khích hợp tác nghiên cứu khoa và phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, cá nhân trong Tỉnh với các đối tác nước ngoài” .
Những thành tựu trên làm tiền đề cho Trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp túc phát huy sáng kiến, tư duy sáng tạo đội ngũ đội ngũ cán bộ khoa học; tìm tòi và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội và xu thế hội nhập./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo Tiền phong Online (2018), Các trường đại học VN qua công bố quốc tế: Nhìn từ dữ liệu Scopus, truy cập tại https://www.tienphong.vn/giao-duc/cac-truong-dai-hoc-vn-qua-cong-bo-quoc-te-nhin-tu-du-lieu-scopus-1313551.tpo, ngày truy cập 01/10/2018.
2. Đảng cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2015), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trang 109.
4. Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một (2018), Nghị quyết số 13/NQ-HĐTr ngày 22/6/2018 về việc thông qua Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ Dầu Một đến năm 2030.
5. Trường Đại học Thủ Dầu Một (2018), Số liệu thống kê hoạt động giai đoạn 2009 - 2018.