Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Thủ Dầu Một giai đoạn 2017 - 2020, những bước đi phù hợp
ThS. Trương Thị Thủy Tiên - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp và Khởi nghiệp,
Trường Đại học Thủ Dầu Một
Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại trường đại học là hoạt động giúp sinh viên có động lực học tập, tư duy sáng tạo, khả năng tự đổi mới và thay đổi tâm thế của chính mình, tạo ra giá trị cho bản thân, ươm mầm tinh thần doanh nhân, từ đó có thể tự tạo việc làm cho bản thân, thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên những ý tưởng khởi nghiệp của mình nhằm tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội. Đây chính là một vai trò quan trọng của trường đại học góp phần để hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia phát triển bền vững và cũng chính là tinh thần của Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào ngày 30/10/2017.
Tiếp sau Đề án 1665, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục; công văn số 1832/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 08/5/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các nhà trường.
Tai Bình Dương, với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các hoạt động thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đã được triển khai mạnh từ việc đầu tư các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablabs) và phòng thực nghiệm công nghệ (Techlabs); tổ chức chương trình tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành và các trường đại học; đồng thời đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để tham khảo ý kiến các chuyên gia về định hướng và giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bình Dương và ban hành nhiều kế hoạch, cơ chế hỗ trợ đối với các hoạt động khởi nghiệp như Quyết định số 2513/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020; Văn bản số 4803/UBND-VX ngày 25/10/217 của UBND tỉnh về chủ trương thực hiện một số nội dung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 26/02/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2018.
Hiện thực hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan, từ năm 2017, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã chính thức triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với dấu mốc đầu tiên là hoạt động giao lưu khởi nghiệp và Kí kết Biên bản hợp tác 4 bên giữa Trường Đại học Thủ Dầu Một, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia Phía Nam và Tỉnh đoàn Bình Dương trong việc kết nối sinh viên - thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
Hình 1: Giao lưu và Kết nối Khởi nghiệp dành cho sinh viên - thanh niên tỉnh Bình Dương tại Đại học Thủ Dầu Một ngày 17/11/2017
Đặc biệt, một điểm nhấn quan trọng là việc thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân đồng hành cùng Trường Đại học Thủ Dầu Một và Câu lạc bộ khởi nghiệp Trường Đại học Thủ Dầu Một, đặt những viên gạch đầu tiên trong hệ sinh thái khởi nghiệp Trường Đại học Thủ Dầu Một, tạo tiền vững chắc cho các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà trường dành cho sinh viên đang học tập và rèn luyện, phụng sự cộng đồng.
Với những chủ trương, chính sách và tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên, từ năm 2018, Nhà trường đã kiện toàn đội ngũ cán bộ - giảng viên hỗ trợ: cử các cán bộ giảng viên tham gia học các khóa đào tạo, bồi dưỡng giảng viên giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh (04 CB-GV), IPT - 06 CB-GV (Khu Công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Hội đồng Tư vấn hỗ trợ Khởi nghiệp Phía Nam (08 CB-GV), các khóa học do Sở Khoa học Công nghệ Bình Dương (80 CB-GV). Đặc biệt, thành lập Trung tâm Thị trường Lao động và Khởi nghiệp, đơn vị có chức năng kết nối doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo và điều phối hoạt động khởi nghiệp trong toàn trường, tham mưu chính sách, tổ chức các hoạt động lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.
Một sự kiện nổi bật nữa đó là vào ngày 15/10/2020, Trường Đại học Thủ Dầu Một quyết định thành lập và công bố Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp cho sinh viên, tạo thêm động lực, tăng nguồn tài chính nhằm thúc đẩy tinh thần trong triển khai các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên Trường
Với lộ trình phát triển, cho đến nay, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường đạt nhiều kết quả cao, chấm thêm điểm son đưa thương hiệu Trường Đại học Thủ Dầu Một có tên trong bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp của Tỉnh, Khu vực và cả nước với một số thành tích như sau:
Năm 2018:
+ Giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia Khu vực phía Nam Với dự án: Công ty Cổ phần Test Kit với chế phẩm Kit thử nhanh hàn the trong thực phẩm.
+ Giải nhất, giải nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên của Tỉnh Đoàn Bình Dương.
+ Giải khuyến khích cuộc thi IoT Startup năm 2018 do Ban Quản lý Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh tổ chức
Năm 2019:
+ Tham gia Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – SV.STARTUP 2019”: 01 dự án “Bộ xét nghiệm nhanh formol trong thực phẩm” đạt giải Ba, 01 dự án “Vườn rau thông minh” đạt Top 50.
+ Tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp Quốc gia” năm 2019 đạt 02 dự án vào Top 20 dự án xuất sắc: 01 dự án “Bộ xét nghiệm nhanh formol trong thực phẩm – S-Kit”
+ Tham gia Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can năm 2019 đạt: 01 dự án “Chế phẩm sinh học E.M.b”, 01 dự án “Triac Farm – Hệ thống giám sát điều khiển vườn rau thủy canh” đạt giải Khuyến khích, 1 dự án “Dung dịch trùn quế” đạt Top 10 của nhóm sinh viên, 1 dự án “Bộ xét nghiệm nhanh formol trong thực phẩm” đạt Top 35.
+ Tham gia cuộc thi Be Green 2019! Do dự án Quốc tế V2Work tổ chức với dự án “Bộ xét nghiệm nhanh formol trong thực phẩm” đã đạt giải Nhất.
+ Tham gia Cuộc thi IoT Startup 2019 có 01 dự án “Hệ thống giám sát, điều khiển, cảnh báo vườn rau thông minh sử dụng năng lượng mặt trời” đạt giải Nhất.
Hình 2: Sinh viên Đại học Thủ Dầu Một đạt giải nhất cuộc thi IOT Startup 2019 do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp.HCM tổ chức
Trong năm 2020, với 1 giải nhất, 1 giải nhì và 4 giải khuyến khích cuộc thi Bình Dương Startup Innovation, Trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục hành trình đưa sinh viên tham dự vòng chung kết khởi nghiệp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Bên cạnh một số kết quả đạt được qua tham dự các cuộc thi lớn trong Khu vực và cả nước, Trường cũng xây dựng cho nền tảng vững chắc cho các hoạt động hỗ trợ sinh viên, ươm mầm khởi nghiệp cho thế hệ trẻ tại trường, cụ thể:
- Phối hợp cùng Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia Phía Nam tổ chức các buổi giao lưu với doanh nhân khởi nghiệp.
- Xây dựng học phần Khởi nghiệp thành học phần chính thức trong các chương trình đào tạo của nhà trường, đặt biệt Kĩ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một kĩ năng bắt buộc trong chuẩn đầu ra mà mỗi sinh viên trường đều phải hoàn thành trước khi tốt nghiệp.
- Dành riêng một không gian trên 500 m2 để tổ chức các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên Trường. Không gian sáng tạo và khởi nghiệp sẽ là nơi tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp, tham mưu tổ chức các sự kiện giao lưu, tọa đàm với các nhà khởi nghiệp trẻ trong cộng đồng và chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế; sẵn sàng cung cấp các thông tin chung về hoạt động trợ giúp khởi nghiệp, hỗ trợ sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Hình 3: Nhấn nút vận hành Không gian sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp ngày 10/9/2020 tại Trường Đại học Thủ Dầu Một
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong sinh viên và giảng viên, Trường Đại học Thủ Dầu Một bên cạnh việc triển khai các hoạt động truyền thông, tổ chức các khóa đào tạo về khởi nghiệp, giao lưu khởi nghiệp trong sinh viên… Nhà trường triển khai xây dựng và kiện toàn hệ sinh thái khởi nghiệp Trường Đại học Thủ Dầu Dầu Một thành một hệ sinh thái bền vững kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Tỉnh, của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước với những hoạt động cụ thể như sau:
- Xây dựng mạng lưới kết hợp trong chương trình đào tạo sinh viên kết hợp hợp các bên liên quan từ việc đào tạo các kĩ năng chung cho sinh viên toàn trường kết hợp với nghiên cứu khoa học trong sinh viên và hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề đang đặt ra theo định hướng nghiên cứu chung của Trường.
- Xây dựng các hoạt động kết nối học sinh trong hoạt động hướng nghiệp nhằm giúp học sinh định vị được bản thân, khám phá tố chất và lựa chọn ngành học tại trường đại học và nghề nghiệp phù hợp cho bản thân thông qua các chuỗi chương trình đào tạo ngắn hạn.
- Kết nối với Trung tâm sáng kiến cộng đồng tỉnh Bình Dương để chuyển giao các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng trong sinh viên từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Có thể nói, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Thủ Dầu Một trong những năm qua đạt được nhiều kết quả cao, là một điểm nhấn hòa vào trong các thành tích chung của toàn trường là được sự hỗ trợ từ các bên liên quan trong và ngoài Trường, đặt biệt là sự đoàn kết và đồng lòng của tập thể đội ngũ cán bộ giảng viên và sự hỗ lực sáng tạo không ngừng của các thế hệ sinh viên. Giống như quan điểm xuyên suốt trong cộng đồng khởi nghiệp “Muốn thi thật nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”.