Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2019 và phương hướng những năm tiếp theo
Kết quả thực hiện hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ năm 2017 đến năm 2019
Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa qua các Nghị quyết số 19-2016/CP-NQ ngày 28/4/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ; Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế đang được triển khai. Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chính thức được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 12/6/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 với nhiều quy định cụ thể về đầu tư và hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, Bình Dương cần có hệ sinh thái kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo và mạng lưới chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp vững chắc, có năng lực, luôn hội nhập và sẵn sàng. Việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ giúp tăng số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà còn tạo điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực chuỗi cung ứng; thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp lớn trong khu vực và trong cả nước; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đóng góp của khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy liên kết ba Nhà theo định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương hiện nay. Do đó, chính quyền tỉnh luôn có sự quan tâm đặc biệt với kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn.
Để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp, trong những năm qua, Sở Khoa học và công nghệ đã chủ trì tham mưu nhiều kế hoạch phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế địa phương. Theo đó, Sở KH&CN đã triển khai các hoạt động tiền đề, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của Bình Dương như tiến hành khảo sát phòng thí nghiệm tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích phát triển thành các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablabs) và phòng thực nghiệm công nghệ (Techlabs); tham gia các khóa đào tạo, các chương trình hội nghị, hội thảo; tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương trong cả nước; tổ chức chương trình tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành và các trường đại học; đồng thời đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để tham khảo ý kiến các chuyên gia về định hướng và giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bình Dương.
Sở KH&CN đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, cơ chế hỗ trợ đối với các hoạt động khởi nghiệp như Quyết định số 2513/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020; Văn bản số 4803/UBND-VX ngày 25/10/217 của UBND tỉnh về chủ trương thực hiện một số nội dung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Quyết định số 289/QĐ-UBND ngày 29/01/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình truyền thông về khởi nghiệp năm 2018; Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 26/02/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2018.
Trong năm 2019, Sở KH&CN đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua 03 Nghị quyết quan trọng tạo cơ sở quan trọng để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần khơi thông dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao theo Quyết định số 708/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án “Thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương”, Sở KH&CN đã tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc sửa chữa, cải tạo, sắp xếp lại các phòng chức năng Trụ sở cũ của Sở Xây dựng tại số 28, Huỳnh Văn Nghệ, phường Phú Lợi để phát triển các không gian của Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương. Sau gần một năm thi công, ngày 24/11/2019, cùng với chuỗi sự kiện thành phố thông minh Bình Dương 2019, Trung tâm đã chính thức khánh thành và sẵn sàng đi vào hoạt động.
Ngoài ra, trong năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập 03 Fablab tại Trường đại học Thủ Dầu Một, trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore và tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương. Theo định hướng, các Fablab sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo thành hệ thống Fablab trên toàn tỉnh, cung cấp không gian và máy móc, thiết bị cần thiết để hỗ trợ các cá nhân, nhóm khởi nghiệp, sinh viên và cộng đồng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiên cứu, phát triển ý tưởng, sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, lĩnh vực cơ - điện tử và các lĩnh vực khác.
Về chương trình đào tạo khởi nghiệp, từ năm 2017, Sở KH&CN đã tổ chức rất nhiều khóa đào tạo bao gồm đào tạo các kiến thức về khởi nghiệp cho các cán bộ, công chức các sở, ban ngành, địa phương; khóa đào tạo kiến thức khởi nghiệp cho cán bộ làm công tác đoàn, hội; đào tạo khởi nghiệp cho đối tượng phụ nữ có nhu cầu phát triển mô hình kinh doanh; chương trình đào tạo cho giảng viên và sinh viên tại các trường trên địa bàn tỉnh. Các chương trình đào tạo đã cung cấp được các kiến thức cơ bản và nền tảng liên quan đến khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp và các hoạt động hỗ trợ phát triển khởi nghiệp cho các nhóm đối tượng tham dự.
Đối với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tiếp nối thành công Ngày hội giới thiệu các mô hình trải nghiệm sáng tạo và sân chơi công nghệ 2018, trong năm 2019, Sở KH&CN phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo giáo dục STEM/STEAM: Đi từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo với mục đích cung cấp và chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến giáo dục STEM như phát triển tư duy khởi nghiệp và kết nối cộng đồng qua giáo dục STEM; mô hình giáo dục STEM toàn diện và linh hoạt cho trường trung học phổ thông Việt Nam cho các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của giáo dục STEM trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Chuỗi sự kiện “Ngày hội STEM dành cho thiếu nhi năm 2019” do Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp tổ chức tại các trường trung học cơ sở Võ Trường Toản (ngày 28/7 tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương); trường tiểu học Ngô Quyền (ngày 31/7/2019, tại thị trấn Dầu Tiếng); trường trung học cơ sở Mỹ Phước (ngày 02/8/2019, tại thị xã Bến Cát) thu hút hơn 1.500 em học sinh trên các địa bàn tham dự và hơn 400 đồng chí là Thường trực Hội đồng Đội cấp huyện, cấp xã; Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội; Bí thư/Phó Bí thư Chi đoàn; giáo viên thuộc các đơn vị. Ngày hội STEM cung cấp cho các em thiếu nhi trải nghiệm thực tế về giáo dục STEM thông qua các hoạt động truyền đạt kiến thức khoa học qua lớp học STEM kiểu mẫu; hoạt động trình diễn, trải nghiệm tiếp xúc trực tiếp các mô hình, thiết bị.
Kế hoạch thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong thời gian tới
Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu và rộng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vận hành website chính thức của Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương (biic.vn); cập nhật liên tục các thông tin về chương trình hỗ trợ đối với hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thông qua Website và Fanpage chính thức (Binh Duong Innovation Center), đồng thời, Sở KH&CN cũng sẽ triển khai các chương trình truyền thông đến tận các trường, các doanh nghiệp và các đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Về mảng đào tạo, Sở KH&CN sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho đội ngũ giảng viên và các startups, các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cung cấp các kiến thức về ý tưởng, mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, sản phẩm, đội ngũ cộng sự, thương hiệu, huy động vốn đầu tư và khả năng lãnh đạo.
Về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thực hiện Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025” đồng thời tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trong năm 2019. Theo đó, việc triển khai chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sẽ gắn liền với hoạt động của Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương.
Giới thiệu Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương (Binh Duong Innovation Center)
Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương là không gian tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển các sáng kiến phục vụ thành phố thông minh, do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý và vận hành.
Một số không gian hỗ trợ tại Trung tâm gồm:
+ Không gian dùng chung, các phòng làm việc nhóm, phòng họp, phòng họp trực tuyến cung cấp chỗ ngồi và tiện ích miễn phí cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp;
+ Phòng thí nghiệm chế tạo Fablab cung cấp máy móc thiết bị để tạo các sản phẩm thử nghiệm; cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; các loại máy móc thiết bị đa dạng bao gồm máy in 3D, máy khắc UV, máy CNC mini, máy hàn, máy mài, máy khoan, máy khâu; các bộ công cụ lĩnh vực cơ khí, điện,…
+ Không gian đào tạo STEM/ STEAM: Phục vụ các chương trình đào tạo giáo viên nguồn về STEM, các lớp học trải nghiệm STEM;
+ Không gian Hỗ trợ SMEs: Hỗ trợ tư vấn thủ tục pháp lý cho các doanh nghiệp SMEs và các doanh nghiệp mới thành lập các vấn đề về thủ tục thành lập, thuế, hải quan,…
+ Không gian thư giãn và tra cứu sở hữu trí tuệ giúp các nhóm tìm hiểu các nghiên cứu, sáng chế, giải pháp đã được thực hiện trong và ngoài nước;
+ Không gian đào tạo và tổ chức sự kiện chuyên phục vụ các chương trình đào tạo, tập huấn, sự kiện, hội nghị, hội thảo có liên quan đến bốn nhóm hoạt động chính của Trung tâm;
+ Không gian Sáng kiến thành phố thông minh: Tiếp nhận và phát triển các sáng kiến, các thử nghiệm thực tế phục vụ phát triển thành phố thông minh;
Trung tâm tập trung vào bốn nhóm hoạt động chính:
- Cung cấp không gian, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động: Hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, các phòng thí nghiệm chế tạo phục vụ phát triển cộng đồng sáng tạo
- Tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các dự án khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các chương trình giáo dục theo định hướng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán và các chương trình đào tạo khác phục vụ phát triển thành phố thông minh.
- Hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thúc đẩy đổi mới công nghệ
+ Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp: Hỗ trợ các nhóm/startup về không gian dùng chung, tham gia các chương trình ươm tạo, kết nối mạng lưới đầu tư, mentor, hỗ trợ tài chính.
+ Hỗ trợ khởi sự kinh doanh: Hỗ trợ về thủ tục thành lập doanh nghiệp, chính sách pháp lý, đăng ký kinh doanh, thuế,….
+ Thúc đẩy đổi mới công nghệ: các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, trích lập quỹ khoa học công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, …
- Phát triển các sáng kiến cộng đồng (Trung tâm sáng kiến Thành phố thông minh)
+ Cung cấp không gian sáng tạo cho cộng đồng;
+ Các hoạt động, sự kiện liên quan đến thành phố thông minh;
+ Các cuộc họp, đề xuất ý tưởng, các nhóm nghiên cứu liên quan đến thành phố thông minh;
+ Tiếp nhận và phát triển các sáng kiến, các thử nghiệm thực tế;
+ Tổ chức các cuộc thi ý tưởng, sáng kiến cải thiện chất lượng cuộc sống, giải quyết các vấn đề xã hội, phục vụ cộng đồng và phát triển thành phố thông minh.
Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp sẽ phát triển với định hướng tăng cường kết nối trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ theo mô hình Ba Nhà và là cầu nối chủ đạo trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mang tính đặc thù của tỉnh Bình Dương:
- Trung tâm sẽ đóng vai trò khởi xướng, là trung tâm kết nối, thúc đẩy hình thành câu lạc bộ khởi nghiệp, mạng lưới vườn ươm tại các trường đại học; tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh;
- Trung tâm sẽ kết nối, thúc đẩy hình thành và phát triển mạng lưới các phòng thí nghiệm thực nghiệm và chế tạo (Fablab/Techlabs) góp phần hình thành một cộng đồng sáng tạo;
- Trung tâm là nơi khởi xướng và phát triển các thử nghiệm thực tế (Living lab) để phục vụ triển khai hiệu quả Đề án thành phố thông minh Bình Dương;
- Trung tâm sẽ tập trung vào các chương trình giáo dục STEM nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai;
- Trung tâm sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động và sự kiện nhằm thu hút và kêu gọi sự quan tâm của các đối tác khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp như các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp lớn trong khu vực và trong cả nước, … tăng cường mối quan hệ hợp tác công tư, thúc đẩy hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương;
- Trung tâm là một mắt xích quan trọng trong việc lan tỏa định hướng phát triển chung trong toàn tỉnh về phát triển cũng như kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Bình Dương với các hệ sinh thái trong khu vực và trên thế giới;
Bên cạnh việc hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh và bền vững tại Bình Dương, Trung tâm còn góp phần tăng số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đóng góp của khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy liên kết ba Nhà theo định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương hiện nay.
Thu Hà - Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương