Hoạt động sáng kiến thúc đẩy khởi nghiệp của Malaysia
Malaysia đang nhận được đánh giá rất cao của cộng đồng startup quốc tế, thậm chí đất nước này còn được xem là một trong những “thiên đường” khởi nghiệp quốc tế.
Trong những năm gần đây, Malaysia đã chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế mới. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Malaysia chiếm 98,5% tổng số doanh nghiệp và đóng góp 37,4% vào GDP, tạo ta 66,2% việc làm. Trong đó, 5 lĩnh vực đóng góp chính vào GDP là dịch vụ, chế tạo, nông nghiệp, xây dựng và khai thác mỏ.
Theo Startup số 22.2021 của Vista, các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp trên toàn cầu không chỉ tạo điều kiện để phát triển văn hóa khởi nghiệp như là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khuyến khích tạo ra việc làm mới, mà còn bao gồm các kế hoạch và chương trình được thiết kế để chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế mới.
Nền kinh tế mới được định nghĩa là sự trỗi dậy của các doanh nghiệp dựa trên trí thức được hỗ trợ bởi cuộc cách mạng kỹ thuật số, nơi công nghệ tạo ra những đổi mới sáng tạo, với hệ sinh thái công nghệ thông tin và các công ty công nghệ cao thúc đẩy tăng trưởng GDP của một quốc gia. Nền kinh tế mới mang tính hợp tác, ít phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu hơn, cần nhiều tri thức hơn và đòi hỏi những nhân tài có tay nghề cao hơn.
Việc chuyển dịch nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế mới đã được đưa vào chính sách và kế hoạch phát triển kinh doanh của một số quốc gia. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế mới thông qua tiếp thu đổi mới sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp bắt kịp với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Và Malaysia đã làm điều đó.
Chính phủ Malaysia đã đặt trọng tâm vào khởi nghiệp trong Chính sách Kinh tế mới (1971-1990), Chính sách phát triển quốc gia (1990-2000), Chính sách tầm nhìn quốc gia (2001-2010) và Mô hình kinh tế mới (2011-2020). Các chương trình và sáng kiến thúc đẩy khởi nghiệp ở Malaysia mang tính bao trùm và liên quan đến toàn bộ chuỗi giá trị, hỗ trợ đa dạng cho sự phát triển của các doanh nhân bằng cách giúp tạo ra các doanh nghiệp có khả năng phục hồi và bền vững.
Các chương trình được thiết kế nhằm tối ưu hóa hiệu suất và tạo cơ hội cho các doanh nhân phát triển cũng như cải thiện doanh nghiệp của họ thông qua mở rộng thị trường, đổi mới và tăng năng suất. Các chương trình đã được triển khai theo các lĩnh vực như: tài chính; tài trợ nghiên cứu; đào tạo và xây dựng năng lực; hạ tầng, địa điểm kinh doanh, thiết bị; công nghệ; tiếp cận thị trường, doanh nghiệp xã hội và quốc tế hóa.
Trong các trường đại học ở đây, nhờ Chính phủ Malaysia đưa ra các chương trình hỗ trợ “Đại học nghiên cứu” trong chương trình “Kế hoạch lần thứ 9”. Bốn trường đại học hàng đầu thực sự được công nhận là Đại học nghiên cứu, giúp cho các trường nhận được nhiều nguồn tài chính hỗ trợ, từ đó nhân viên cúng có được nhiều hỗ trợ và lợi ích. Các chính sách về giáo dục tại Malaysia đã và đang hướng đến nền kinh tế tri thức, lấy con người làm chủ đạo. Điều này giúp cho các trường đại học có trách nhiệm hơn với ngành công nghiệp. Kết quả cho thấy, trong năm trước, trong 60% số sinh viên nước này tham gia tích cực vào hoạt động kinh doanh cũng như chương trình của các doanh nghiệp thì có 3% sinh viên khởi nghiệp khi vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường.
Và nhiều hoạt động, khởi nghiệp của Malaysia đã thu hút nhiều giới truyền thông trong và ngoài nước quan tâm: Vào cuối tháng 4/2019, Malaysia đã trình làng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ thông tin - HLX đẳng cấp thế giới. HLX tọa lạc tại Menara HLA, một tòa tháp văn phòng ở trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, HLX rộng khoảng 23.225 m2 được hỗ trợ bởi Tập đoàn Hong Leong của Malaysia và là một dự án đầu tư PPP với Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC). HLX được kỳ vọng là một cơ sở toàn diện và thu hút thúc đẩy đổi mới, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Malaysia, đồng thời hỗ trợ các nỗ lự chuyển đổi số của Malaysia trong các lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ.
Tháng 11/2019, Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia Sdn Bhd - “MDEC” đã thông báo rằng Malaysia có tiềm năng trở thành một trung tâm kỹ thuật số cho ASEAN vì Malaysia đang ở vị trí lan tỏa sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số trong toàn khu vực. Nền kinh tế số hóa ngày càng tăng của đất nước, được điều chỉnh để thúc đẩy sự hiện diện của các công ty khởi nghiệp và thu hút các nhà đầu tư, cùng với sự hỗ trợ từ chính phủ và cơ quan quản lý Malaysia, cũng sẽ tạo ra một hệ sinh thái fintech trưởng thành, góp phần vào tiềm năng của Malaysia trở thành trung tâm cho nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực ASEAN.
Vào cuối năm 2019, sự kiện “Trại khởi động” được diễn ra với sự tham gia của 13 startup với các ý tưởng nhằm giải quyết các vấn đề của ngành công nghệ thực phẩm và kỹ thuật nông nghiệp ở Malaysia. Sự kiện đã tổ chức trong hội nghị thượng đỉnh toàn cầu AgriTech 2019. Mỗi đội trải qua sự hướng dẫn từ các loại máy móc gia tốc công nghệ địa phương, những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các công ty đối tác về phát triển thị trường, trải nghiệm khách hàng. Trại khởi động này đang được xem là cách hay để thu hút các tài năng trẻ về công nghệ và kinh doanh dưới hình thức khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Ánh Nguyệt