Ngành Khoa học và Công nghệ: Tiến tới chính phủ điện tử
Trong những năm gần đây, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển của chính phủ điện tử nói riêng cũng như sự phát triển của kinh tế-xã hội nói chung. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy ứng dụng CNTT. Công nghệ thông tin được coi là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc; là động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước.
CNTT đã góp phần không nhỏ vào công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong xử lý hồ sơ hành chính, quản lý ngân sách, thuế, kho bạc, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp... Ngay trong năm 2017, đã có đến 99,81% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng và đã có tỷ lệ 98,71% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch nộp thuế điện tử, chỉ số nộp thuế chung của Việt Nam theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 của WB xếp thứ 167/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với 2016. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10 - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.
Công nghệ thông tin hiện nay được xem là ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có một số đặc trưng như: xu hướng phát triển sản xuất thông minh kết hợp công nghệ tự động hóa, CNTT dựa trên nền tảng công nghệ BigDataAnalytics, máy móc tự động hóa và tích hợp con người - máy móc; robot thay thế dần con người trong nhiều hoạt động, công nghệ nano, công nghệ sinh học được áp dụng rộng khắp,... Do đó, Việt Nam có thể kết hợp các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tối ưu hóa quy trình, phương thức quản lý, hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân… Tuy nhiên, thách thức đặt ra, đó là cần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp cũng như tăng cường an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.
Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nước ta đã nắm bắt thời cơ, cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng này xây dựng hoàn thiện thể chế thông qua Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội KHCN, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trên tất cả lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, để xã hội thực sự vững vàng trong bối cảnh đầy biến động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có rất nhiều việc phải làm. Một trong những việc làm đó là phải cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, tiến tới chính phủ điện tử.
Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Đây là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử là “đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong Nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên hợp quốc.”.
Cuối năm 2017, Bộ KH&CN đã phê duyệt kiến trúc chính phủ điện tử Bộ KH&CN nhằm xác định danh mục các thành phần của chính phủ điện tử tại Bộ KH&CN, yêu cầu, hiện trạng, lộ trình và kế hoạch triển khai các thành phần để xây dựng và triển khai chính phủ điện tử tại Bộ KH&CN; là căn cứ để triển khai các hệ thống thông tin thành phần của chính phủ điện tử một cách hiệu quả, thống nhất, đảm bảo liên thông, đồng bộ của các đơn vị; tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, hạ tầng thông tin giữa các hệ thống thông tin; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí và thời gian triển khai; nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế; xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn sẽ được sử dụng trong thẩm định và triển khai các dự án CNTT nhằm bảo đảm duy trì kiến trúc chính phủ điện tử một cách thống nhất tại Bộ.
Với mục tiêu phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới. Bộ đã đưa ra tầm nhìn, định hướng phát triển chính phủ điện tử trong ngành như: Đến năm 2020, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo điều hành, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; 100% các thủ tục hành chính của Bộ được cung cấp ở mức độ 4 trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Đến năm 2025, chính phủ điện tử được triển khai ở tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN. Chia sẻ, công khai và minh bạch thông tin các đơn vị trực thuộc Bộ, đảm bảo sự cân bằng, công bằng và ổn định. Bước đầu ứng dụng các công nghệ tiên tiến (I4.0, Big Data, IoT) vào công tác quản lý chỉ đạo điều hành phục vụ cá nhân và tổ chức…
Cùng với phát triển Chính phủ điện tử thì xây dựng thành phố thông minh cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm đã và đang được triển khai. Trong khi đô thị hóa toàn cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng thì việc ứng dụng CNTT trong xây dựng thành phố thông minh được coi như một giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội, điển hình như những thách thức về giao thông và y tế. Việc đề xuất và phát triển các sáng kiến ứng dụng CNTT sẽ tạo đà cho những chuyển biến lớn trong phát triển Chính phủ điện tử ngày một bền vững, đáp ứng được nhu cầu và mang đến sự hài lòng tới người dân.
Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 với mức độ phát triển qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Hiện diện (Presence) - sự phát triển chính phủ điện tử giai đoạn này được đặc trưng bởi sự hiện diện các cơ quan chính phủ trên mạng internet, mục đích chính là cung cấp các thông tin cơ bản về các cơ quan chính phủ như chức năng, nhiệm vụ, địa chỉ liên hệ, thời gian làm việc và có thể cung cấp thêm các văn bản liên quan đến xã hội.
Giai đoạn 2: Tương tác (Interaction) - các trang thông tin điện tử của các cơ quan chính phủ cung cấp các chức năng tìm kiếm cơ bản, cho phép tải về các biểu mẫu điện tử, các đường liên kết với các trang thông tin điện tử liên quan, cũng như địa chỉ thư điện tử của các cơ quan, cán bộ chính phủ.
Giai đoạn 3: Giao dịch (Transaction) - các trang thông tin điện tử của các cơ quan chính phủ cho phép thực hiện hoàn chỉnh các dịch vụ, bao gồm việc nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ, trả phí dịch vụ trực tuyến.
Giai đoạn 4: Chuyển đổi (Transformation) - giai đoạn này là mục tiêu dài hạn của các cơ quan chính phủ. Ngoài việc thực hiện các chức năng trong giai đoạn 3, chính phủ điện tử trong giai đoạn này cung cấp cho người dân một điển truy cập duy nhất tới các cơ quan chính phủ để thực hiện mọi giao dịch, các hoạt động của cơ quan chính phủ là minh bạch với người dân.
Nguyễn Nhi