Tình hình hoạt động của các địa phương
Trong những năm qua, các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh, phát huy vai trò quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng (TCĐLCL) sản phẩm hàng hóa tại địa phương. Các Chi cục ở địa phương đã thiết lập mô hình tổ chức theo hướng dẫn của Thông tư 29. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục được tách bạch với chức năng quản lý nhà nước về TCĐLCL là mô hình tổ chức thống nhất trong cả hệ thống cơ quan TCĐLCL, mô hình này kết hợp được yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho hoạt động quản lý, đồng thời bảo đảm được tính độc lập, khách quan của đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật.
Công tác thanh, kiểm tra được các tỉnh, thành quan tâm. Tổ chức tham gia, phối hợp với thanh tra khoa học và công nghệ, thanh tra chuyên ngành về đo lường và chất lượng sản phẩm hành hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt đối với các hàng hóa được quan tâm về số lượng, chất lượng và an toàn trong thời gian vừa qua như vàng trang sức, mũ bảo hiểm, mỹ nghệ, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, đồ chơi trẻ em…
Phong trào năng suất chất lượng ở các địa phương đang tiếp tục được hình thành và phát triển. Trong tương lai, triển khai các hoạt động của phong trào sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong xã hội hơn nữa, góp phần tích cực nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp tại địa phương.
Tích cực hướng dẫn triển khai hoạt động xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008, TCVN ISO 9001:2015 vào các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương
Các hoạt động truyên truyền, phổ biến đã giúp các cơ quan quản lý nắm rõ và thực thi quyền và nghĩa vụ theo Hiệp định TBT từ đó xây dựng, ban hành, triển khai chính sách phù hợp với các quy định của WTO, góp phần giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng…
Bên cạnh những thành quả, kết quả đạt được, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Đặc biệt là Chi cục TCĐLCL ở một số tỉnh, thành phố đã bị sáp nhập, Trung tâm Kỹ thuật trước đây trực thuộc Chi cục TCĐLCL nay sáp nhập vào Trung tâm trực thuộc Sở KH&CN sẽ gây ra những khó khăn, hạn chế nhất định trong việc thực thi hoạt động quản lý nhà nước về TCĐLCL.
Việc triển khai các chương trình, đề án ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhiều địa phương phân bổ kinh phí còn thấp nên hạn chế trong việc triển khai, nguồn nhân lực phục vụ công tác triển khai các chương trình, đề án còn thiếu và hạn chế…
Trong hoạt động TBT, việc tiếp cận với doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn một số khó khăn nhất định do tính chất đặc thù trong sản xuất kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô hoặc gia cống thuê cho các công ty nước ngoài nên mức độ quan tâm đến biện pháp kỹ thuật (biện pháp TBT) của nước ngoài ở địa phương không cao…
Một số nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong thời gian tới
Trong công tác xây dựng, phổ biến văn bản pháp luật, các địa phương sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành các văn bản quản lý về lĩnh vực này tại địa phương như tham mưu Sở KH&CN, phối hợp chặt chẽ với sở ban ngành liên quan để đẩy mạnh vai trò đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn; chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn quản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý về TCĐLCL khi được ban hành.
Tham mưu cho Sở KH&CN về sắp cơ cấu tổ chức sao cho bảo đảm thống giữa hoạt động quản lý nhà nước của Chi cục và hoạt động phục vụ quản lý nhà nước của Trung tâm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về tính hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về TCĐLCL tại địa phương.
Tăng cường công tác phối hợp với Bộ KH&CN trong quá trình xây dựng kế hoạch, thẩm định, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương để đảm bảo thống nhất, tránh các quy định mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy chuẩn quốc gia và quy chuẩn địa phương, tạo rào cản kỹ thuật không cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại tại địa phương.
Tăng cường hoạt động khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa trên thị trường đối với các mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN và các mặt khác theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ; qua đó, phát hiện vấn đề, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm và thông tin cảnh báo kịp thời.
Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác TBT để đảm bảo thực thi tốt các nghĩa vụ về TBT trong thời kỳ hội nhập mới; tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các điểm TBT trong khu vực để triển khai hiệu quả hoạt động TBT tại địa phương; tăng cường triển khai các hoạt động giải thưởng chất lượng quốc gia, thúc đẩy hoạt động mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tại địa phương.
Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp thực hiện công bố sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn; tiếp tục tăng cường chuẩn đo lường và trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu đo lường của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các địa phương còn ưu tiên nguồn lực để triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về TCĐLCL trên địa bàn như: Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; năng cao năng lực cho trung tâm ứng dụng KH&CN, trung tâm kỹ thuật TCĐLCL; tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc…
Hoạt động TCĐLCL ở Bình Dương
Riêng ở tỉnh Bình Dương, công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa rất được chú trọng trong mọi hoạt động: Vận động doanh nghiệp tham gia Dự án năng suất chất lượng sản phẩm; triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn…
Trong thời gian tới, Chi cục TCĐLCL sẽ Tham mưu Sở KH&CN trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Triển khai thực hiện các nội dung trong năm 2020 theo Quyết định 2943/QĐ-UBND ngày 25/10/2017 của UBND tỉnh như hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Ước thực hiện 6 tháng cuối năm 2020 kiểm định, hiệu chuẩn được 30.000 phương tiện đo; thử nghiệm 376 mẫu và doanh thu đạt 6,4 tỷ đồng.
Mỹ Linh