Hội nghị chuyên đề “Quản lý môi trường gắn với thích ứng biến đổi khí hậu trong nông nghiệp”
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung trong nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù mang lại lợi ích kinh tế nhất định nhưng trong sản xuất nông nghiệp cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư địa phương và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên.
Chính vì thế, ngày 20/12/2016 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức hội nghị chuyên đề “Quản lý môi trường gắn với thích ứng biến đổi khí hậu trong nông nghiệp” và triển khai Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 3265/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 nhằm tạo điều kiện cho đại biểu tham dự nắm bắt được những nội dung chính trong đề án phát triển nông nghiệp phía Nam của tỉnh và những văn bản quy định của Trung ương, của tỉnh về môi trường; những giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp.
Ông Phạm Văn Bông - PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc hội nghị
Nội dung hội nghị tập trung giới thiệu, trao đổi, thảo luận về các quy định pháp luật về môi trường trong hoạt động chăn nuôi; quy định quản lý chất thải rắn trong chăn nuôi; về nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam được triển khai với mục đích phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, nâng giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng ụng công nghệ cao đạt 160 - 180 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người tham gia sản xuất nông nghiệp đô thị đạt 70 - 80 triệu đồng/ha/năm. Hình thành vùng sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 150 ha…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng việc quản lý và xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp đã được các cơ quan quản lý ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các tổ chức cá nhân áp dụng thực hiện còn một số hạn chế nhất định. Chính vì thế, để tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị, đảm bảo sức khỏe cho người dân; cung cấp những thông tin cần thiết về việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp là rất cần thiết.
Quang Minh