Hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc ổi lê Đài Loan
Ổi lê đài loan tuy có đặc điểm là loài cây trồng dễ tính, sinh trưởng khỏe, chịu thâm canh, nhanh cho quả. Nhưng để có thể cho ra sản phẩm quả to, ít hạt, trọng lượng quả lớn và có vị ngon theo đúng tiêu chuẩn thì việc đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật trồng và chăm sóc là khâu vô cùng quan trọng. Để có thể duy trì được hiệu năng khai thác của cây Ổi Lê trong thời gian dài hạn.
Với ưu điểm là loại cây trồng cho chất lượng trái thơm ngon, sản lượng và giá cả đầu ra ổn định, đặc tính sinh trưởng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của nhiều vùng khí hậu. Ổi lê đài loan đang là một trong những giống cây trồng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, để có thể xây dựng nên mô hình có hiệu năng khai thác cao, chất lượng sản phẩm đồng đều, người trồng cần tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu liên quan đến kỹ thuật trồng để cho ra sản phẩm đạt nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đầu tư trồng ổi “một vốn bốn lời”
Là một trong những đơn vị doanh nghiệp đầu tư trồng giống Ổi lê đài loan thương phẩm theo quy mô sản xuất trang trại hiện đại từ rất sớm. Công ty TNHH Chang Đình Huy hiện đang cung cấp Ổi thành phẩm và giống cây trồng cho khắp các khu vực tại miền Nam. Theo lời ông Chang Đình Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Chang Đình Huy cho biết: “Công ty bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2010, bước đầu đã nhập số lượng 100 cây giống Ổi lê đài loan từ Đài Loan về trồng thử nghiệm tại huyện Bàu Bàng. Nhận thấy năng suất cà chất lượng của giống Ổi đạt cao hơn so với giống Ổi ruột đỏ, và một số loại cây ăn trái khác, Công ty đã cho nhân rộng, và phát triển vùng trồng Ổi lê đài loan lên đến 5 ha tại huyện Bàu Bàng vào tháng 6/2011. Đến cuối năm 2012, đã mở rộng vùng trồng Ổi lê đài loan của công ty lên đến 13 ha tại khu vực Nam Tân Uyên”.
Hiện nay, mỗi ngày Công ty của ông Hùng cung cấp ra thị trường trung bình khoảng 3 tấn Ổi lê thương phẩm cho các chợ đầu mối trong khu vực. Với giá bán khoảng từ 10 - 12 ngàn đồng/kg, hiện việc trồng Ổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty với doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Ông Chang Đình Hùng - Giám đốc công ty TNHH Chang Đình Huy hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc ổi
Kỹ thuật trồng và chăm sóc - yếu tố quyết định thành công
Ổi lê đài loan tuy có đặc điểm là loài cây trồng dễ tính, sinh trưởng khỏe, chịu thâm canh, nhanh cho quả. Nhưng để có thể cho ra sản phẩm quả to, ít hạt, trọng lượng quả lớn và có vị ngon theo đúng tiêu chuẩn thì việc đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật trồng và chăm sóc là khâu vô cùng quan trọng. Để có thể duy trì được hiệu năng khai thác của cây Ổi Lê trong thời gian dài hạn. Người trồng cần chú trọng thực hiện nghiêm túc những bước cơ bản đi từ khâu chuẩn bị cho tới thực hiện trồng mới vườn cây bao gồm những bước sau.
Trước hết, để Ổi lê đài loan đạt sản lượng cao, cho trái đạt tiêu chuẩn cần xử lý kỹ ở khâu chuẩn bị điều kiện và tiến hành trồng. Yêu cầu đất trồng phải được cày, xới cho tơi, xốp bằng phẳng và thoát nước tốt và có hệ thống tưới, tiêu chủ động. Đường ống dẫn nước có thể thiết kếống sắt, ống nhựa (ống PVC) hoặc ống mềm được sử dụng rất phổ biến trên thị trường. Mặt khác, để cây Ổi Lê phát triển đồng đều và cho sản lượng cao, người trồng cần thiết kế mật độ trồng phù hợp. Theo chia sẻ kinh nghiệm từ ông Hùng, nên thực hiện việc trồng kép 2 cây ở một gốc, mật độ trồng: 100-105 gốc/ 1000m2 điều này mang lại lợi nhuận kép khi vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa tăng năng suất thành phẩm.
Người trồng phải tuân thủ nghiêm túc theo quy cách thực hiện trồng về kỹ thuật. Theo đó, hố trồng thuận lợi để trồng nhất là ở khoảng đường kính 20 cm, chiều sâu: 20 cm, cây cách cây, hàng cách hàng theo khoảng cách 3.5m x 4.5m, đào hố hình vuông hình khối: 50 x 50 x 50cm, hố cách hố: 3 x 4m. Thời gian trồng thích hợp với loài cây này ở vào đầu mùa mưa (tháng 5- tháng 6), ngoài ra yêu cầu nơi trồng phảicó bố trí hệ thống tưới nước và lượng nước đủ cung cấp thường xuyên cho cây thì có thể trồng cây ổi vào mọi thời điểm trong năm., Trồng bằng cây ghép hoặc cành chiết, chọn mua cây khỏe, sạch bệnh, đúng giống, nếu là cây ghép phải tỉa bỏ các mầm cây phát sinh bên ngoài mắt ghép. Bón phân hữu cơ bằng phân chuồng đã được ủ 3 tháng cho vào mỗi hố trồng khoảng 1kg rồi trộn đều với đất bên trong hố trồng, bóc bỏ túi bọc bầu, đặt cây chính giữa hố, lấp đất kín bầu, dùng que nhỏ cắm nghiêng giữ cây đứng vững, tủ gốc bằng rơm, rạ, cỏ khô, xơ dừa.
Ở khâu chăm sóc, cần phải bón phân liên tục cho cây theo chu trình phát triển với liều lượng phù hợp tùy theo mục đích bón. Ví dụ, bón phân DAP (18:46:0) để thúc cho cây phát triển trong khoảng thời gian 3 tuần sau khi xuống giống; bón phân NPK (16:16:8) để thúc cho cây nhanh ra hoa, nuôi quả nhanh lớn sau 6 tuần xuống giống;… Bên cạnh đó, cần thường xuyên vun gốc và xới tơi đất để rễ cây ổi phát triển, đồng thời cắt đi những cành lá sát chân gốc nhằm tạo sự thông thoáng cho cây và giúp cây nuôi trái; khi trái ổi có đường kính khoảng 2 - 2,5cm, nên dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi nylon bọc bên ngoài bao trái lại, đáy đục vài lỗ nhỏ để thoát hơi nước, tránh thối quả; đưa miệng túi vào bao quả, dùng băng dính kín miệng tới cuống quả hoặc 1 phần cành, như vậy sẽ đảm bảo cho đến khi quả chín không bị nhiễm bất cứ sâu bệnh nào, ngăn chặn được mọi yếu tố độc hại có thể tác động từ môi trường, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng năm đốn tỉa đến cành cấp 3 để thu hoạch quả, không được để cành ổi vươn quá dài, khó quản lý quả.
Cuối cùng, người trồng cần phải theo dõi để kịp thời phòng trị bệnh cho cây. Ở cây Ổi lê Đài Loan, cần chú ý diệt một số loài yếu tố gây hại chủ yếu bao gồm sâu róm, rệp sáp và ruồi đục quả, bệnh nấm ghẻ và sương mai trên lá. Đối với mỗi loại bệnh cần áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuấn Duy