Kết quả và xu hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Bình Dương
1. Kết quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh thời gian qua
Thời gian qua, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt đã được nông dân áp dụng phổ biến trên địa bàn tỉnh, chủ yếu trồng các loại cây có giá trị như rau, nấm, cây ăn quả, hoa lan, cây cảnh,... trồng trong nhà lưới (rau thủy canh, nấm, hoa lan,...); thiết kế hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt và tưới phun sương (rau, cây ăn quả,...).
Hiện nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt khoảng trên 4.600 ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2015 (chiếm 2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp); trên địa bàn tỉnh có 32 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt (chủ yếu là các trang trại trồng cây ăn quả có múi, dưa lưới và rau các loại) với tổng diện tích các cơ sở khoảng 250 ha. Qua đó cho thấy các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng gia tăng, mở rộng về quy mô và diện tích; đạt được một số hiệu quả kinh tế khả quan (tăng năng suất gấp 2 - 3 lần so với sản xuất truyền thống); từng bước thay đổi tập quán canh tác của người nông dân theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường.
Một số mô hình tiêu biểu nổi bật về áp dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh:
- Mô hình trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi) tại các huyện phía Bắc của tỉnh (Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, ….): Với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất như lắp đặt hệ thống tưới tự động kết hợp biện pháp phủ bạt xử lý ra hoa trái vụ đã cho năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha và doanh thu từ 300 - 500 triệu đồng/ha (cá biệt có vườn nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh và xử lý ra hoa tốt đã thu được lợi nhuận bình quân khoảng 800 triệu đồng/ha).
- Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà lưới kín: Đây là mô hình khá thành công đối với một số trang trại, cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Dưa lưới được trồng trong điều kiện nhà kín, có lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và phương pháp sản xuất theo quy trình thủy canh đã đem lại năng suất và hiệu quả khá cao. Năng suất bình quân khoảng 35 - 40 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng/ha/năm.
- Mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao: Hiện nay, tổng diện tích trồng chuối của tỉnh khoảng trên 700 ha; trồng nhiều loại chuối, trong đó chuối già hương được trồng phổ biến để cung cấp cho nội địa và xuất khẩu. Với việc áp dụng quy trình sản xuất chuối theo hướng công nghệ cao như: Trồng từ cây giống nuôi cấy mô (khỏe, sạch sâu bệnh), chăm sóc theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, có lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và tự động hóa một số khâu trong thu hoạch nên sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm và năng suất chuối già hương khoảng 50 - 60 tấn/ha/năm.
- Khu Nông nghiệp công nghệ cao An Thái ở huyện Phú Giáo của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I: Đây là mô hình cá biệt và điển hình nhất của tỉnh về sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, diện tích trồng các loại cây khoảng 350 ha, trong đó có nhiều mô hình cho thu nhập vượt trội so với những loại cây trồng khác tại địa phương như dưa lưới (3 tỷ đồng/ha/năm); chuối già hương (400 triệu đồng/ha/năm),… Các sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản (dưa lưới, chuối,…), Hàn Quốc, Dubai (UAE) và Malaysia (chuối). Ngoài ra, công ty còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị như: MM Mega Market, Saigon Coop, Big C, Aeon, Lotte,...
Tuy nhiên, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bình Dương còn một số hạn chế và đang đối mặt với những khó khăn nhất định như:
- Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn còn hạn chế, do chi phí đầu tư ban đầu cao nên người sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư; sản xuất thường tập trung ở quy mô nhỏ, phân tán, sức cạnh tranh thấp.
- Đầu ra cho các sản phẩm sản xuất ứng dụng công nghệ cao chưa ổn định; chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; còn nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu và phải chịu sự cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại sản xuất đại trà.
- Tín dụng nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong khi các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao.
Nhìn chung trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã nổ lực thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa của tỉnh đang diễn ra mạnh mẽ. Sự hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và kết quả đạt được của những mô hình tiêu biểu là tiền đề để tỉnh tiếp tục phát huy, đẩy mạnh đầu tư phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt thời gian tới.
2. Xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian tới
Xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt của tỉnh thời gian tới:
- Đầu tư xây dựng và mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, theo hướng tạo ra hàng hóa tập trung, chủ lực của tỉnh Bình Dương (cao su, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, hoa, cây cảnh,…) trên cơ sở sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, áp dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, đảm bảo tạo ra sản phẩm đạt chất lượng về mặt an toàn thực phẩm. Đặc biệt, ưu tiên phát triển các trang trại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị sinh thái.
- Tiếp tục hỗ trợ chứng nhận VietGAP trồng trọt cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiếp cận vay vốn ưu đãi, sản xuất đạt chứng nhận VietGAP,… theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND, ngày 17/02/2016 và Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND, ngày 08/04/2014 của UBND tỉnh Bình Dương; và tiếp tục xây dựng một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức của người sản xuất; đào tạo và hỗ trợ người nông dân sản xuất với sự đồng hành của mô hình liên kết 4 nhà; đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng,...; tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi liên kết nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản của tỉnh.
Phòng trồng trọt - Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Dương