Khái quát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh và các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 - 2025
Ông Lai Xuân Thành - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
I. Khái quát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin
1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong người dân
Dân số tỉnh Bình Dương trên 2,4 triệu dân, trong đó đặc trưng dân số trẻ(chiếm 3/4). Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong người dân có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực như việc tiếp cận thông tin trên môi trường mạng (số lượng smartphone 3 triệu; Thuê bao di động phát sinh data 2,7 triệu; Thuê bao internet cố định 486.682), tiếp cận các tiện ích thương mại điện tử ở mức TB-Khá (qua việc giao dịch, trao đổi trên các sàn thương mại …) có điều kiện tiếp cận chuyển đổi số so với mặt bằng chung cả nước. Tuy nhiên, việc sử dụng tiện ích của chính quyền điện tử ít được quan tâm.
2. Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp
Số các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp (gần 1.200) và các tổng công ty, doanh nghiệp quy mô lớn (ước khoảng 5% tổng số doanh nghiệp ở Bình Dương) đã có trình độ ứng dụng CNTT mức độ khá trở lên do được đầu tư công ty mẹ hoặc do bản chất quy mô kinh doanh đòi hỏi phải ứng dụng CNTT sâu rộng. Những doanh nghiệp trong nhóm này đang hoặc sẽ thực hiện nhanh chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp còn lại ứng dụng CNTT vào một số khâu rời rạc trong quản lý tác nghiệp nội bộ. Rất ít doanh nghiệp có sử dụng các phần mềm quản lý xuyên suốt hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ và các công cụ hỗ trợ ra quyết định kinh doanh (phân tích, thống kê, dự báo…). Nhiều hoạt động lập kế hoạch sản xuất, theo dõi ghi nhận hồ sơ trong quá trình sản xuất vẫn phải làm excel hoặc biểu mẫu giấy. Việc ứng dụng CNTT trong giao dịch điện tử chưa cao, nhiều doanh nghiệp trong nhóm này có khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số.
3. Xây dựng Chính quyền điện tử trong các cơ quan nhà nước
Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, các hệ thống dùng chung và các hệ thống thông tin chuyên ngành đã từng bước hiện thực hóa các thành phần trong kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương với trục LGSP đóng vai trò kết nối đồng bộ dữ liệu giữa các thành phần trong nội bộ Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương và kết nối với các hệ thống Chính phủ điện tử của Bộ, ngành Trung ương. Chỉ số xếp hạng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của tỉnh 02 năm liền 2018, 2019 xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, các ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ của các cơ quan nhà nước cũng chưa hoàn chỉnh (tỷ lệ sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử chưa cao; Các cơ sở dữ liệu trọng điểm đang trong quá trình thiết lập, chưa có sự chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước).
Nhìn chung, Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương cũng như hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đã cơ bản hoàn thành phát triển giai đoạn 1 và đang bước vào giai đoạn 2/4 của mô hình phát triển Chính phủ điện tử.
(Mô hình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam được vạch ra thông qua 04 giai đoạn phát triển: Giai đoạn 1: Hiện diện (Presence) để cung cấp thông tin cơ bản về các cơ quan Chính phủ trên môi trường Internet; Giai đoạn 2: Tương tác (Interaction) thông qua các trang thông tin điện tử cung cấp các biểu mẫu, thông tin liên quan; Giai đoạn 3: Giao dịch (Transaction) thông qua các trang thông tin điện tử của các cơ quan Chính phủ cho phép thực hiện hoàn chỉnh các dịch vụ: nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ, trả phí trực tuyến; Giai đoạn 4: Chuyển đổi (Transformation) để cung cấp cho người dân một điểm truy cập duy nhất tới các cơ quan Chính phủ để thực hiện mọi giao dịch, các hoạt động của cơ quan Chính phủ là minh bạch với người dân).
Vấn đề đặt ra: Đại dịch Covid-19 là cú “huých” trăm năm cho chuyển đổi số (các lĩnh vực được dự báo sẽ thay đổi sau cú “huých” đại dịch Covid-19 là: làm việc trực tuyến; giáo dục trực tuyến; y tế từ xa; các phương tiện lái tự động; mua sắm trực tuyến; tổ chức các sự kiện, hội chợ triển lãm ảo trên không gian mạng thay vì tổ chức trong đời thực); Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định này đã mở ra bước phát triển nhảy vọt về Chính quyền điện tử trên cả nước: gấp rút chuyển sang giai đoạn 4 của mô hình Chính quyền điện tử - đó là Chính quyền số. Việc chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.
Chuyển đổi số (theo Bộ Thông tin và Truyền thông) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số (4 công nghệ số tiêu biểu thúc đẩy chyển đổi số: trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây).
Theo các chuyên gia chuyển đổi số:
- Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng.
- Chuyển đổi số là công việc chưa có tiền lệ, vì vậy nhận thức đúng là việc khó; nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức. Chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay không phải vần đề là công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo.
Ví dụ: Nhiều dịch vụ công mức 3, 4 (mức độ 3 là 339, mức độ 4 là 761 trong tổng số 1.958 thủ tục hành chính còn hiệu lực đang triển khai tại 03 cấp trên địa bàn tỉnh, số dịch vụ công trực tuyến đạt 56%) của chúng ta ít phát sinh hồ sơ (chỉ có 18% hồ sơ trực tuyến ở cấp tỉnh và 1% hồ sơ trực tuyến ở cấp huyện - cấp xã) có nhiều lí do, trong đó có lí do là nó chưa thật sự thuận lợi, bởi lẽ ra ứng dụng CNTT để cải tiến toàn diện quy trình công việc, nhưng ta phải buộc nó làm theo quy trình thủ tục bằng giấy cổ điển; và cơ quan nhà nước phải chia sẻ dữ liệu do nhà nước đã cấp cho cá nhân, tổ chức cho cơ quan nhà nước khác để xác thực khi có nhu cầu nhưng lại buộc người dân, doanh nghiệp phải nộp lại cái mà cơ quan nhà nước đã cấp. Chuyển đổi số toàn diện sẽ giải quyết được bài toán này.
II. Giải pháp về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
1.Phát triển xã hội số
Phát triển nguồn nhân lực của xã hội phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; đào tạo hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ số, tập trung đào tạo và đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp, qua đó giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, tiếp cận thông tin và tương tác với Chính quyền.
Thúc đẩy phát triển mô hình đào tạo mới (giáo dục STEM/STEAM) và đổi mới sáng tạo qua các Fablab tại các trường, Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh.
2. Phát triển kinh tế số
Tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao tỉ trọng dịch vụ, thu hút và phát triển mô hình doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo và sản xuất thông minh. Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao là đòn bẩy thu hút phát triển loại hình doanh nghiệp số góp phần cho phát triển kinh tế số.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp (tập trung một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh) để qua đó tạo giá trị cho nền kinh tế số. Các bước có thể: thay đổi nhận thức lãnh đạo doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng phần mềm, công nghệ nền tảng số vào doanh nghiệp hình thành doanh nghiệp số; khuyến khích các mô hình kinh doanh, giao dịch điện tử trên môi trường mạng và qua các sàn giao dịch điện tử.
Tiếp tục đẩy mạnh, thúc đẩy mô hình khởi nghiệp sáng tạo để tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
3. Chính quyền số
Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước.
Phát triển hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, Trung tâm dữ liệu của tỉnh; Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ ảo hóa và điện toán đám mây của các Trung tâm dữ liệu; Tiếp tục thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương; Triển khai Trung tâm giám sát, Trung tâm điều hành thông minh; gắn liền dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền điện tử.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Xây dựng, hoàn thiện nền tảng, chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh và kho dữ liệu mở dùng chung phục vụ Chính quyền số.
Hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến (đưa vào vận hành chính thức các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cho dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến; Đến cuối năm 2021 sẽ đạt 100% dịch vụ công mức độ 3, 4; Xây dựng các hệ thống chứng thực điện tử theo Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử).
Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; phát triển Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của địa phương có kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin, báo cáo của Chính phủ; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của cơ quan nhà nước.
Áp dụng các công nghệ mới nhất về truyền thông xã hội, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và thực tế tăng cường để cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công một cách thuận tiện trên di động, chuyển đổi số toàn diện các mặt công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước.
III. Kiến nghị
1. Căn cứ kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai chương trình đào tạo người dân, sử dụng lực lượng nồng cốt là đoàn viên, công đoàn viên, công chức, cán bộ trẻ và các chuyên gia để tiếp cận, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng tiếp cận công nghệ số.
2. Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cung cấp các khóa học trực tuyến (tham gia đào tạo qua các phương tiện, nền tảng di động) cung cấp người dân thông tin về chuyển đổi số cũng như tiếp cận các tiện ích của Chính quyền số.
3. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số.
4. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện sớm việc chuyển đổi số để mang tính dẫn dắt, hình thành các hệ thống dữ liệu, phần mềm tương tác trên môi trường số để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp cùng tham gia quá trình chuyển đổi số, tạo nên sự lan tỏa trên toàn tỉnh. Trong đó, các lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số: Giáo dục, Y tế, Giao thông vận tải - Logistic, Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng hạ tầng đô thị.
5. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành và địa phương./.