Khoa FIRA: Điểm sáng cho sự phát triển của Trường Đại học Bình Dương trong hoạt động nghiên cứu khoa học
Thúc đẩy và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học trong Nhà trường là nhiệm vụ mang tính hạt nhân và hết sức quan trọng cho chiến lược xây dựng và phát triển của Trường Đại học Bình Dương trong giai đoạn tới bên cạnh nhiệm vụ chính trị là đào tạo và cung ứng cho xã hội đội ngũ lao động chất lượng cao từ đó đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước” - Đó là chia sẻ trong bài diễn văn phát biểu của TS. Cao Việt Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương tại Lễ Công bố Quyết định, ra mắt Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương nhiệm kỳ 2017 - 2022 diễn ra vào ngày 29/12/2017.
Tiếp nối từ truyền thống đã trở thành văn hóa nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Bình Dương, theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý khoa học và Quan hệ đối ngoại Nhà trường, trong năm 2019, Trường Đại học Bình Dương có gần 200 đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên và học viên đã được phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện. Trong đó, Nhà trường tiến hành xét duyệt và cho thực hiện hơn 30% đề tài nghiên cứu theo phương thức triển khai thành đề tài cấp Trường cũng như trao dồi và bổ sung để có thể phát triển thành đề tài cấp Tỉnh với kinh phí hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/đề tài.
Trên cương vị là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của tỉnh nhà với chặng đường 22 năm đồng hành và phát triển cùng tỉnh Bình Dương, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài chất lượng đào tạo đã được xã hội công nhận cả về lượng lẫn chất thì tổng số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên Nhà trường đăng ký lên đến hàng nghìn bài trong đó có những đề tài đã được Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu Nhà trường phê duyệt, cấp kinh phí thực hiện.
Ngoài ra, nhiều bài nghiên cứu khoa học của cán bộ và giảng viên Trường Đại học Bình Dương đã công bố và đăng trên các tạp chí, hội thảo quốc tế có chỉ số IF (Impact Factor) thuộc danh mục tạp chí uy tín (ISI/SCIE/Scopus) và trong danh mục WoS (Web of Science), tiêu biểu như: TS. Nguyễn Hoàng Sỹ - Trưởng Khoa Công nghệ thông tin - Robot - Trí tuệ nhân tạo Nhà trường là tác giả chính của gần 40 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí, hội thảo quốc tế (https://publons.com/researcher/1307857/hoang-sy-nguyen/).
Có thể nói, hoạt động nghiên cứu khoa học trong Nhà trường đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, là có một phần đóng góp không hề nhỏ của Khoa Công nghệ thông tin - Robot - Trí tuệ nhân tạo (FIRA). Khoa FIRA được chính thức được thành lập vào ngày 21/3/2019, theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Khoa đào tạo với 04 chuyên ngành, bao gồm: Kỹ thuật phần mềm; mạng máy tính và an toàn thông tin; Robot và trí tuệ nhân tạo; hệ thống thông tin. Có thể nói đây là bước đi vừa mang tính đột phá nhưng cũng thể hiện rõ chiến lược của Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu Nhà trường trước tình hình của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ở nước ta hiện nay.
“Thiết nghĩ, để làm được cách mạng công nghiệp 4.0 thì nước ta cần có những “nhà cách mạng công nghiệp” và theo cá nhân tôi cần có những người tiên phong xuất sắc của Đảng trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 bên cạnh Khoa FIRA Trường Đại học Bình Dương để có thể tác động, ảnh hưởng tới hành động của toàn xã hội qua đây góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị” - TS. Nguyễn Hoàng Sỹ, Trưởng Khoa FIRA cho biết.
Tuy được thành lập cách đây không lâu so với bề dày lịch sử của Trường Đại học Bình Dương nhưng dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu Nhà trường cũng như tinh thần cống hiến, làm việc không biết mệt mỏi của TS. Nguyễn Hoàng Sỹ, Khoa FIRA đã bước đầu gặt hái được những thành công nhất định cả trong nước lẫn trên trường quốc tế.
Tiêu biểu như, vào ngày 25/5/2019 để khuyến khích và tạo môi trường học tập, nghiên cứu khoa học Khoa FIRA đã tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Robot Đại chiến”, cuộc thi đã quy tụ các đội đến từ nhiều trường đại học và doanh nghiệp đến tham gia tranh tài. Qua đây đã phần nào giúp sinh viên trong Khoa khơi gợi niềm yêu thích nghiên cứu khoa học của mình; vào tháng 7/2019, Khoa FIRS đã xuất sắc giành giải Nhì trong cuộc thi “Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Dương lần thứ VIII” với đề tài “Ứng dụng bảo quản kho dược dựa trên kỹ thuật trí tuệ nhân tạo và công nghệ ra quyết định trong thời gian thực”.
Bên cạnh đó, vào tháng 3/2019, Trường Đại học Bình Dương đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng hệ thống phần mềm thi trắc nghiệm và bộ ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm phục vụ cho việc sát hạch chứng chỉ CNTT theo quy định Viện Đào tạo mở và Nghiên cứu phát triển (BOLT) - BDU” do ThS. Trần Trọng Tuyên - Phó Trưởng khoa FIRS thực hiện. Đến ngày 23/7/2019, với đề tài “Xây dựng phần mềm Hệ thống quản lý tạp chí trực tuyến Trường Đại học Bình Dương” do TS. Nguyễn Hoàng Sỹ thực hiện cũng đã được Hội đồng nghiệm thu Trường Đại học Bình Dương thông qua.
Đặc biệt, từ ngày 06 - 16/6/2019 đáp lại lời mời của Trường Đại học Bách khoa St.Petersburg TS. Nguyễn Hoàng Sỹ đã đến và tham dự Hội thảo Quốc tế Liên bang Nga “Hệ thống vật lý và điều khiển điện tử CPS & C'2019” (Cyber - Physical Systems and Control) do Trường này tổ chức. Tại đây, TS. Nguyễn Hoàng Sỹ đã trình bày bài tham luận với chủ đề “Network challenges for cyber physical systems in training programmes”.
Cũng trong khoảng thời gian này, TS. Nguyễn Hoàng Sỹ đã trình bày hai bài nghiên cứu với chủ đề lần lượt là “Outage and Bit Error Probability Analysis in Energy Harvesting wireless Cooperative Networks” và “Outage Performance Analysis of Non - Orthogonal Multiple Access with Time - Switching Energy Harvesting” trong Hội thảo khoa học Quốc tế Châu Âu “Electronics 2019” lần thứ 23 do Trường Đại học Kaunas (Palanga, Lithuania) tổ chức. Các bài báo này đã được xuất bản trong số đặc biệt của tạp chí Khoa học “Elektronika ir Elektrotechnika” (ISSN 1392-1215) thuộc chỉ mục: Science Citation Index Expanded (SCIE) và Journal Citation Reports (JCR) với IF - 1,088 (2017).
Trong khi đó, với mục đích phân tích về các thực trạng còn tồn đọng và vướng mắc trong lĩnh vực an toàn thông tin từ đó tìm ra những giải pháp mang tính đột phá cho bài toán nan giải này, ngày 15/11, Khoa FIRA đã phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Bình Dương; Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương; Hội Tin học tỉnh Bình Dương; Hiệp hội An toàn thông tin Tp. Hồ Chí Minh và Công ty Cisco Việt Nam tổ chức Hội thảo “An toàn thông tin cho các hệ thống IoT”. Hội thảo đã thu hút được nhiều lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham dự.
Trong Hội thảo này, các chuyên gia đã lần lượt trình bày những bài tham luận của mình với nhiều chủ đề đang được quan tâm hiện nay như: Tổng quan về tình hình an toàn thông tin tỉnh Bình Dương, Luật An ninh mạng; bảo vệ an toàn hệ thống ICS/SCADA cho thành phố thông minh; Ứng dụng thuật toán sâu trong bảo mật IoT”… Thông qua Hội thảo, Khoa FIRA Trường Đại học Bình Dương cùng các chuyên gia đã “mổ xẻ” những bất cập, thực trạng và tìm được nhiều giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá trong lĩnh vực an toàn thông tin như: Sử dụng công nghệ Blockhain trong việc bảo mật thông tin; ứng dụng phương pháp học sâu trong bảo mật IoT; các lỗ hỏng Backdoor trên các thiết bị IOT; tích hợp bảo mật IOT từ Edge đến Cloud…
Đến ngày 04/12/2019, Khoa FIRA đã phối hợp với Công ty Cisco Việt Nam tổ chức khánh thành Học viện mạng Cisco - Đại học Bình Dương. Học viện được thành lập nhằm tạo điều kiện để sinh viên Nhà trường, đặc biệt là sinh viên Khoa FIRA có cơ hội tiếp cận chương trình đào tạo quốc tế từ hệ thống các chương trình đào tạo của Cisco Networking Academy; sinh viên có khả năng tham gia các kỳ thi, chứng chỉ quốc tế về công nghệ mới với giá trị toàn cầu; mở rộng đào tạo các lớp ngắn hạn phục vụ nguồn lực chất lượng cao, đạt chứng nhận quốc tế về mạng thuộc hệ thống chứng chỉ Cisco qua đây đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, nằm trong chiến lược và mục tiêu phát triển của Khoa FIRA sau khi thành lập Học viện, Khoa FIRA sẽ tiến hành tích hợp chương trình đào tạo của Học viện Cisco với các chuyên ngành đào tạo của Khoa.
Ngày 17/12/2019, TS. Nguyễn Hoàng Sỹ đã có buổi tiếp và làm việc với bà Kim Hye Jung - Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA liên quan đến vấn đề đào tạo sinh viên Khoa FIRA học tập và thi chứng chỉ MOS (Microsoft Office Specialist) chứng chỉ tin học văn phòng quốc tế. Microsoft Office Specialist là bài thi đánh giá kỹ năng tin học văn phòng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới với hơn một triệu bài thi được tổ chức hàng năm, chứng chỉ tin học MOS có giá trị vô thời hạn. Bài thi MOS được sáng tạo bởi Microsoft và triển khai bởi Certiport (Hoa Kỳ), MOS là chứng chỉ duy nhất xác nhận kỹ năng sử dụng phần mềm tin học văn phòng Microsoft Office do Microsoft trực tiếp cấp chứng chỉ.
Nếu như hợp tác quốc tế là hoạt động mang tính hướng ngoại, một “sân chơi” toàn cầu để ghi dấu ấn trên bản đồ giáo dục quốc tế thì nghiên cứu khoa học lại sở hữu cho mình đặc tính chuyên biệt về học thuật, hàn lâm. Có thể nói, hoạt động hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học là 2 trục của 1 vấn đề trong sự phát triển của Trường Đại học Bình Dương.
“Lãnh đạo tỉnh tin tưởng rằng, với truyền thống 20 năm phát triển cùng những định hướng chiến lược, tôn chỉ và tầm nhìn đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thực tế, Đại học Bình Dương sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra; tiếp tục phát huy lợi thế của mình để trở thành một trường đại học uy tín, thương hiệu và vị thế ngày càng cao trong hệ thống giáo dục đại học. Phấn đấu đào tạo ra một thế hệ tương lai có tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành giỏi, tác phong công nghiệp với ý thức tổ chức, kỷ luật và sức khỏe tốt, có khả năng làm chủ tri thức khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…” - Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Đại học Bình Dương./.
Mặc Hiên - Trường Đại học Bình Dương