Khoa học công nghệ - Vai trò thiết yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội
Cùng với các ngành khác, trong thời gian qua ngành khoa học công nghệ (KHCN) đã đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải tiến, áp dụng KHCN mới vào sản xuất. Các đề tài nghiên cứu - phát triển công nghệ bám sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu bức thiết của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Từ thực tiễn các đề tài, dự án
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D), áp dụng các kết quả đề tài, dự án vào thực tiễn cũng như các dự án phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, từ năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực triển khai các đề tài, dự án trọng điểm đúng với tiến độ đã đề ra.
Các nhiệm vụ KHCN được triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có bước đổi mới. Nếu như trước đây, việc triển khai nhiệm vụ KHCN thực hiện đại trà, thì từ năm 2016 nhiệm vụ KHCN đã được thực hiện theo đơn đặt hàng của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và triển khai một số nhiệm vụ mang tính cấp thiết, gắn với thực tiễn theo đề xuất của các sở, ngành, doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, việc nghiệm thu và bàn giao kết quả đề tài cho các đơn vị thụ hưởng được triển khai chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Một điểm mới trong triển khai nhiệm vụ KHCN của tỉnh là sau khi nghiệm thu, bàn giao nhiệm vụ KHCN sẽ được đơn vị tiếp nhận tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng phù hợp với tình hình thực tiễn hoặc đề xuất các nhiệm vụ KHCN mới cùng lĩnh vực. Tiêu biểu như đề tài nghiên cứu sấy năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Kỹ nghệ Nhiệt và Môi trường CAXE, sau khi được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu, công ty đã tiếp tục cải tiến và áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất các thiết bị sấy, áp dụng cho việc sấy đa dạng sản phẩm và nhiều dung tích lò sấy khác nhau theo từng quy mô sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, với mục tiêu tăng 10% tỷ lệ hàm lượng tri thức trong sản phẩm xuất khẩu và 20% tỷ trọng hàm lượng công nghệ đối với những sản phẩm, dịch vụ chủ yếu của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu - phát triển, ngành KHCN cũng chú trọng đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KHCN, trong đó quan tâm đến các đối tượng chính là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ trì các nhiệm vụ KHCN, các nhà khoa học trẻ… Và tăng cường liên kết từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học và các doanh nghiệp để phát huy nguồn nhân lực có trình độ để triển khai các đề án, chuyển giao công nghệ…
Ngoài việc triển khai các dự án, đề tài KHCN cấp tỉnh thì Sở Khoa học và Công nghệ cũng chú trọng triển khai các dự án, đề tài ở cơ sở theo đề xuất của địa phương cũng như phê duyệt các dự án áp dụng KHCN vào sản xuất của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Theo Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá, từ năm 2016, số lượng nhiệm vụ KHCN và phát triển công nghệ được các địa phương đề xuất đặt hàng đều tăng hàng năm. Các nhiệm vụ được đặt hàng chủ yếu gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Các địa phương có hoạt động nghiên cứu KHCN nổi bật trong thời gian qua như Thị xã Thuận An, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo… Trong đó có nhiều đề tài, dự án phát huy hiệu quả như dự án “Phát triển cây ăn quả đặc sản gắn với quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” ở Thuận An; đề án "Phát triển công nghệ thông tin và đột phá cải cách hành chính thị xã Thuận An giai đoạn 2016 - 2020”; dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây ăn trái có múi (cam, quýt, bưởi) theo định hướng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên”…”, ông Nguyễn Quốc Cường đánh giá.
Để đẩy mạnh KHCN ở cơ sở, ngoài việc cung cấp các thông tin các kết quả nghiên cứu KHCN cấp tỉnh phù hợp với địa phương để nhân rộng các mô hình thì cũng đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức KHCN nhằm đảm bảo các kết quả nghiên cứu xong sẽ có địa chỉ ứng dụng ngay. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ chú trọng triển khai các nhiệm vụ KHCN theo đề xuất của địa phương, nhất là các nhiệm vụ có tính thực tiễn cao.
Hiệu quả từ đổi mới sáng tạo
Với sự phát triển thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0), doanh nghiệp đã đặt ra câu hỏi mình phải làm gì, phải chuẩn bị gì để đảm bảo có đủ năng lực cạnh tranh? Và nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) của tỉnh đã mạnh dạn đổi mới sáng tạo để tận dụng “cơ hội” của cuộc CMCN4.0 và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Là một trong những doanh nghiệp của tỉnh được công nhận là doanh nghiệp KHCN từ năm 2015, công ty TNHH Kỹ nghệ Nhiệt và Môi trường CAXE đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong sản xuất theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Bà Hứa Thị Huần - Giám đốc công ty TNHH Kỹ nghệ Nhiệt và Môi trường CAXE chia sẻ, là một trong những doanh nghiệp tiên phong của tỉnh trong việc ứng dụng năng lượng mặt trời trong lĩnh vực sấy và bảo quản nông sản, công ty không ngừng cải tiến đổi mới thiết bị và đổi mới công nghệ và cho ra đời nhiều kiểu lò sấy phù hợp với tình hình thực tế của từng doanh nghiệp và giúp các doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Với lợi thế của CMCN4.0, trong năm 2018, CAXE đã thành công trong việc đổi mới công nghệ từ sấy bằng hơi nước sang công nghệ sấy kết hợp, với công nghệ sấy mới này đã nâng cao chất lượng sấy và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Riêng công ty TNHH Minh Long I (gọi tắt là Minh Long I) lại có bước đi riêng, ngoài việc sản xuất các sản phẩm gốm sứ truyền thống thì Minh Long I đã nghiên cứu và cho ra các sản phẩm sứ dưỡng sinh với công nghệ xử lý nguyên liệu hiện đại, vừa tăng độ bền cho sản phẩm vừa thân thiện với người dùng.
Ông Lý Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Minh Long I cho biết, với kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ và với sự tâm huyết, Minh Long đã dành khoảng thời gian hơn 10 năm cho việc nghiên cứu sâu về kỹ thuật và chế tạo ra dòng sứ dưỡng sinh, với những thành tựu của CMCN4.0 thì quy trình này càng thuận lợi hơn. Sứ dưỡng sinh hội tụ những tính năng khác biệt bởi vì được làm từ chất liệu đất hiếm từ thiên nhiên, lành tính, không chứa chất độc hại thường gặp như chì, cadmium... Đặc biệt, sản phẩm có độ sốc nhiệt lên đến 8000C.
Với việc thực hiện nghiên cứu thành công công nghệ và bước đầu chế tạo thiết bị xử lý gỗ bằng công nghệ Nano đã có nhiều doanh nghiệp đặt hàng, ký kết biên bản ghi nhớ đặt hàng với CAXE trong việc sản xuất thiết bị sấy theo công nghệ nano titan như công ty TNHH Sài Gòn Wood (trị giá hợp đồng 4,5 tỷ đồng), công ty Cổ phần Him Lam Mộc Dũng Quế Bắc Ninh (trị giá hợp đồng 3 tỷ đồng)…
Đối với sản phẩm sứ dưỡng sinh mặc dù mới ra mắt hơn 7 tháng nhưng đã được người tiêu dùng chấp nhận và tin dùng. Ông Lý Ngọc Minh chia sẻ: “Tôi và cộng sự đã làm hàng nghìn thử nghiệm tại phòng thí nghiệm và nhà máy, để theo đuổi một loại chất liệu gồm đất nguyên liệu và men có được những đặc tính hữu dụng như mình mong muốn: nhẹ, an toàn cho sức khỏe con người, không sinh ra chất độc, truyền dẫn nhiệt tốt.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển KHCN
Nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN và khuyến khích thành lập doanh nghiệp KHCN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Có thể nói Nghị định số 13/2019/NĐ-CP này đã giải quyết cơ bản những bất cập trong thời gian qua khi thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tiềm năng nghiên cứu khoa học để trở thành doanh nghiệp KHCN cũng như khuyến khích hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST).
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, so với Nghị định số 80/2007/NĐ-CP thì Nghị định số 13/2019/NĐ-CP có nhiều điểm mới. Thực hiện việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp KHCN thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với mức miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Ngoài ra, doanh nghiệp KHCN còn được hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KHCN theo quy định của phát luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả KHCN. Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả KHCN của các doanh nghiệp KHCN tự đầu tư nghiên cứu sau khi chuyển giao có kết quả tốt, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.
Đối với tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển KHCN như Quyết định số 2177/QĐ-UBND về quy định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KHCN có sử dụng nguồn ngân sách trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; thành lập Quỹ phát triển KHCN tỉnh… “Sở Khoa học và Công nghệ được UBND tỉnh giao tham mưu để ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các nội dung của chính sách này đều có các vấn đề liên quan đến đổi mới KHCN và sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh trong kỳ họp thường kỳ cuối năm 2019”, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết thêm.
Trong thời gian qua nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KHCN của doanh nghiệp có hiệu lực, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, doanh nghiệp khó tiếp cận với các nguồn hỗ trợ. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để đưa ra biện pháp giải quyết hiệu quả, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp.
Ông Lê Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, Quỹ phát triển KHCN của tỉnh được thành lập nhằm tạo nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ. Việc giải ngân nguồn vốn đòi hỏi tổ chức, cá nhân có đề án cụ thể, có tính khả thi cao, sau khi tiếp nhận, thẩm định hồ sơ sẽ thông qua Hội đồng khoa học để đánh giá để Quỹ có cơ sở để ký hợp đồng và tiến hành giải ngân vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xây dựng nền tảng cho thành phố thông minh
Cùng với các chương trình đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư vào KHCN thì tỉnh cũng tập trung hoạt động đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là một trong những “chiến lược” trong việc xây dựng thành phố thông minh của tỉnh với mục tiêu chính là xây dựng mô hình liên kết ba nhà (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp) để chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất kỹ thuật tiên tiến.
Theo các chuyên gia, cho dù công nghệ có tiên tiến, hiện đại đến đâu mà thiếu các yếu tố “sáng tạo”, không sát với thực tiễn thì công nghệ đó không thể triển khai, áp dụng được. Các chuyên gia tham dự các Phiên đối thoại về thành phố thông minh tại Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á (Horasis) - 2018 tại Bình Dương đều nhấn mạnh, việc xây dựng thành phố thông minh ngoài công nghệ thì cũng cần phải chú trọng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Bình Dương xây dựng thành phố thông minh cũng phải thực hiện tốt các hoạt động này.
Ông Matteo Vezzosi, Giám đốc Kinh doanh cao cấp Công ty NXP Semiconductors (Hà Lan) nhận định, với hệ thống IoT chúng ta có thể áp dụng vào các lĩnh vực. Hãy lấy thiết bị thu hình giám sát làm ví dụ, nó có thể tự động truyền tải thông tin về tình trạng giao thông sang một hệ thống khác có khả năng đưa ra gợi ý ngay lập tức cho các tài xế trong khu vực cần chuyển sang tuyến đường khác. Các hệ thống giao thông khác như đường sắt, tàu điện ngầm hay đường hàng không… được kết nối sẵn trong một thành phố hay một khu vực, thậm chí trong một quốc gia cũng có thể điều chỉnh và nâng cao hiệu quả của chúng một cách phù hợp. Do đó việc đổi mới sáng tạo “công nghệ” cho phù hợp thực tiễn là hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, để đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, Sở chuẩn bị đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp. Trung tâm này ngoài việc tạo không gian cho sáng tạo đổi mới, hỗ trợ khởi nghiệp thì còn là nơi để tiếp nhận các giải pháp, sáng kiến cộng đồng cho việc xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Ngoài ra, còn đẩy mạnh hoạt động của các phòng thí nghiệm thực nghiệm (Fablab) ở trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh và tại Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời sẽ triển khai các giải pháp đạt giải từ cuộc thi Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh, cuộc thi Hackathon để có các điều chỉnh phù hợp trong việc áp dụng vào thực tiễn.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, không gian dùng chung (coworking space) tại Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương không chỉ cung cấp không gian miễn phí mà còn cung cấp các dịch vụ, tiện ích kèm theo như việc sử dụng máy in, photocopy, máy scan, phòng họp, không gian thảo luận riêng tư cho toàn bộ các cá nhân, nhóm khởi nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ hỗ trợ các nhóm startup kết nối với mạng lưới các nhà cố vấn, nhà đầu tư và quỹ đầu tư, phát triển sản phẩm thử nghiệm, hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm, đồng thời, các cá nhân và nhóm khởi nghiệp cũng sẽ được tham gia vào các chương trình đào tạo khởi nghiệp kiến thức căn bản và cần thiết cho startups trong quá trình phát triển.
Khánh Linh