Khoa học và công nghệ Bình Dương: 5 năm tích cực phát triển góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành, làm cơ sở triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương đạt được một số kết quả như: Tổ chức và đảm bảo nội dung Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2018 trong khuôn khổ Sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA); chủ trì, phối hợp với WTA, thành phố Daejeon tổ chức thành công Cuộc thi sáng kiến thành phố thông minh - Bình Dương 2018; tham gia Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ICF, từ kết quả các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, STEM đã góp phần trong việc đáp ứng các tiêu chí của ICF, qua đó Vùng thông minh Bình Dương được bình chọn là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới; tích cực tham gia phối hợp thực hiện thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á Horasis - Bình Dương 2019.
Việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai đăng ký thực hiện trong mọi thời điểm, kết quả nhiệm vụ phải có địa chỉ ứng dụng cụ thể và được các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cam kết sử dụng, nhân rộng khi nhiệm vụ hoàn thành; tổ chức cấp phát kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thông qua Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh; trình tự, thủ tục triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cải tiến, đơn giản hoá, thu hút và tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ triển khai và nghiệm thu 39 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, giải quyết các vấn đề bức xúc được đặt ra từ thực tế sản xuất và đời sống.
Thực hiện các nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thuộc ngành, lĩnh vực quản lý
Một số đề án, chương trình khoa học và công nghệ đã phát huy tác dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: Hỗ trợ 45 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng; 23 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy cho 264 sản phẩm. Các doanh nghiệp tham gia dự án đều đạt được các kết quả đáng khích lệ, tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm tỷ lệ phế phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện, Tỉnh có 01 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Quyết định tặng Giải vàng chất lượng quốc gia trên tổng số 37 doanh nghiệp đạt giải vàng trên toàn quốc, 06 doanh nghiệp đạt giải bạc chất lượng Quốc gia trên tổng số 111 doanh nghiệp đạt giải bạc trên toàn quốc, đặc biệt có Công ty cổ phần Tôn Đông Á được Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương xét tặng giải thưởng chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương trên tổng số 09 doanh nghiệp Việt Nam đạt giải và trên tổng số 24 doanh nghiệp được đề cử từ các nước Châu Á - Thái Bình Dương.
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ cho 97 hồ sơ với kinh phí gần 300 triệu đồng, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ cấp 05 nhãn hiệu tập thể (măng cụt Dầu Tiếng, cam Bắc Tân Uyên, bưởi Bắc Tân Uyên, quýt Bắc Tân Uyên và hoa lan Đất Thủ); xây dựng 02 mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp; toàn tỉnh có 157 cơ quan, đơn vị đã xây dựng, áp dụng và thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001; Đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ được chú trọng tăng cường hàng năm, nội dung thiết thực, đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bước đầu được hình thành, đến nay Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh được khánh thành và đi vào hoạt động.
Công tác quản lý an toàn bức xạ hạt nhân có chuyển biến tích cực: Thẩm định và cấp 215 giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho 174 cơ sở có sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế. Thẩm định và cấp 125 giấy chứng nhận người phụ trách an toàn bức xạ cho 156 đơn vị và xác nhận khai báo cho 01 đơn vị về khai báo thiết bị bức xạ. Thẩm định và phê duyệt 102 Bản kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ của 19 đơn vị 19 cơ sở có sử dụng thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế. Kịp thời phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và các cơ quan, đơn vị có liên quan phát hiện nguồn phóng xạ vô chủ, thu hồi và vận chuyển đến Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt lưu giữ an toàn.
Thực hiện thanh tra 352 lượt đơn vị xản xuất, kinh doanh về các lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa và hàng đóng gói sẵn; cơ sở kinh doanh xăng, dầu; an toàn bức xạ với tổng số tiền phạt 850 triệu đồng; kiểm tra 1.338 phương tiện đo, 49 lô hàng đóng gói sẵn và 76 mẫu hàng hóa của 1.038 cơ sở sản xuất, kinh doanh; đã phát hiện 138 vụ vi phạm, đề xuất xử lý số tiền phạt hơn 4,689 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác thông tin tuyên truyền đã xuất bản 60 bản tin khoa học và công nghệ, trong đó có 32 bản in và 18 bản điện tử; xây dựng 09 phim khoa học và công nghệ; tiếp nhận hồ sơ và cấp 132 giấy chứng nhận đăng ký nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đã cấp 154 giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện luận văn, luận án sau đại học. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở về khoa học và công nghệ tại 21 đơn vị và nộp báo cáo về điều tra tiềm lực khoa học và công nghệ của 20 đơn vị gửi về Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Duy trì và phát triển hoạt động của Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến Bình Dương để triển khai các dịch vụ, cơ chế và hành lang pháp lý trong việc liên kết sàn tại Bình Dương với các doanh nghiệp nhỏ và vừa do có nhu cầu về nguồn cung - cầu công nghệ thiết bị là rất lớn, đồng thời là một kênh thông tin hữu ích trong việc quảng bá nhu cầu về cung - cầu công nghệ thiết bị; đã xây dựng cơ chế, cách thức để các Sàn liên kết, chia sẻ công nghệ và thiết bị một cách tự động đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên Sàn.
Hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn lao động, cung cấp liều kế và đọc liều chiếu xạ cá nhân có bước tăng trưởng khá nhanh: kiểm định, hiệu chuẩn đạt 232.076 phương tiện đo. Thử nghiệm 2.569 mẫu vật liệu xây dựng, thép cốt bê tông. Doanh thu đạt 43,599 tỷ đồng; thực hiện cung cấp và đọc liều chiếu xạ cá nhân 25.138 cái; kiểm tra 789 thiết bị X quang chẩn đoán y tế; lập 203 báo cáo đánh giá an toàn, kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ; Kiểm xạ thiết bị bức xạ 1.666 phòng; Kiểm toán năng lượng và thực hiện các giải pháp cho 26 đơn vị; Lắp đặt 30 hầm biogas xử lý môi trường; kiểm định, thử nghiệm 1.507 thiết bị kỹ thuật an toàn lao động. Huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động 16 cơ sở. Doanh thu 23,565 tỷ đồng.
Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ cho 05 đơn vị vay vốn: Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và môi trường CAXE, Cơ sở trại gà Hoàng Lan, Hợp tác xã cao su Nhật Hưng, Hợp tác xã chăn nuôi Tâm Phát và Hợp tác xã Nhân Đức.
Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ
Trong giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã thực hiện 02 dự án đầu tư công trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, việc đăng ký, giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, việc phân bổ và điều chỉnh vốn hằng năm cho các dự án đảm bảo tính công khai, minh bạch và hợp lý. Các dự án đầu tư bố trí phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và có đủ thủ tục đầu tư theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, vốn đầu tư được bố trí tập trung, hiệu quả.
- Dự án “Đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm Tin học và Thông tin khoa học công nghệ” được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1327/QĐ-UBND ngày 31/5/2013, thời gian thực hiện năm 2016-2017 với tổng mức đầu tư 6.083 triệu đồng. Dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2017, kết quả:
+ Hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin được trang bị, đặc biệt là phòng máy chủ giúp triển khai hệ thống phần mềm như: phần mềm quản lý văn bản, cổng thông tin và các phần mềm nghiệp vụ khác... được vận hành tốt; các trang thiết bị phục vụ cho bộ phận văn phòng hoạt động nhanh, hiệu quả giúp cán bộ, viên chức làm việc tiết kiệm được thời gian và công sức. Bên cạnh đó, hệ thống máy phát điện giúp cho quá trình làm việc của đơn vị được liên tục, không bị gián đoạn.
+ Cổng thông tin khoa học và công nghệ là phương tiện tuyên truyền và kết nối các nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao vào sản xuất, các văn bản pháp luật ... đến với doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
+ Hệ thống cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ được tạo lập rất phong phú, là nguồn tài liệu hữu ích trong công tác thẩm định nội dung các đề tài, dự án về khoa học và công nghệ khi đăng ký thực hiện, tránh bị nghiên cứu trùng lắp.
- Dự án “Đầu tư tăng cường năng lực kiểm định, hiệu chuẩn và thử nghiệm thuộc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng” được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2941/QĐ-UBND ngày 28/10/2016, thời gian thực hiện năm 2017-2019 với tổng mức đầu tư 3.314 triệu đồng. Dự án hoàn thành vào năm 2019 và đã bàn giao đưa vào sử dụng, kết quả:
+ Đã mở rộng khả năng kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo thêm 07 lĩnh mới, cụ thể: Kiểm định, hiệu chuẩn Quả cân chuẩn E2 từ 1mg-2kg; kiểm định đồng hồ đo nước lạnh có cơ cấu điện tử đường kính (15-150) mm; hiệu chuẩn Áp kế chuẩn kiểu chỉ thị hiện số và tương tự; kiểm định Nhiệt kế y học điện tử tiếp xúc có cơ cấu cực đại; Kiểm định phương tiện đo điện trở cách điện; kiểm định phương tiện đo điện trở tiếp đất; kiểm định công tơ điện xoay chiều kiểu cảm ứng 3 pha, công tơ điện xoay chiều kiểu điện tử 3 pha.
+ Đến nay, năng lực kiểm định đạt được 32 loại phương tiện đo các loại; hiệu chuẩn được 33 phương tiện đo các loại và kiểm định; hiệu chuẩn 04 chuẩn đo lường; thử nghiệm 10 sản phẩm vật liệu xây dựng; 07 sản phẩm điện, điện tử và thép. Với năng lực đo lường và thử nghiệm được mở rộng qua từng giai đoạn, đã từng bước đáp ứng cơ bản nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phục vụ nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, góp phần thu hút đầu tư của tỉnh.
Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh thông qua đầu tư hệ thống các Fablab gồm: Phòng thí nghiệm chế tạo cơ điện Bình Dương tại Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore; Phòng thí nghiệm chế tạo công nghệ sinh học ứng dụng Bình Dương tại Trường Đại học Thủ Dầu Một; Phòng thí nghiệm chế tạo tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
Đổi mới sáng tạo
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bước đầu được hình thành với hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo từ các viện trường trên địa bàn tỉnh và Trung tâm Sáng kiến cộng đồng - Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
Ở cấp độ địa phương, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, cơ chế hỗ trợ đối với các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2513/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 phê duyệt Đề án “Thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương”; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 về việc giao Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương để cụ thể hóa Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ; Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025; Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chủ trương ban hành Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”. Trên cơ sở chính sách được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”. Các văn bản này được xem là nền tảng ban đầu để phát triển cho các hoạt động hỗ trợ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở đối tượng doanh nghiệp cũng được quan tâm triển khai. Đến nay, toàn tỉnh có 29 tổ chức khoa học và công nghệ, 04 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Có 02 doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (Công ty Cổ phần xe lửa Dĩ An và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) và có sử dụng quỹ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại doanh nghiệp.
Phối hợp Cục Công tác phía Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc thi Sáng tạo trong tầm tay trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Đông Nam bộ đã tạo được sân chơi sáng tạo trong việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Loan