Khoa học và công nghệ Bình Dương: Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà
Tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong những năm qua tiếp tục gặp nhiều khó khăn, gần đây là đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhưng ngành khoa học và công nghệ Bình Dương đã chủ động ứng dụng KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên địa bàn trong việc duy trì sản xuất, kinh doanh, nhằm đạt được mục tiêu vào năm 2025, đóng góp của khoa học công nghệ thông qua TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trên 45%.
Nhiều chính sách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được ban hành
Khoa học và công nghệ được xem là mũi nhọn đột phá, luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm đầu tư và phát triển. Trong những năm qua, chiều chính sách trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được ban hành.
Lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có Quyết định số 2513/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh Bình Dương về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương giao Quỹ đầu tư phát triển tỉnh thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương về ban hành “Quy định chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”; Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương về ban hành Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”; Quyết định số 826/QĐ-UBND, ngày 27/3/2020 của HĐND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh Bình Dương về việc “Khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”…
Trong lĩnh vực Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm: Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 06/12/2019 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 2943/QĐ-UBND ngày 25/10/2017 của UBND tỉnh Bình Dương về triển khai thực hiện dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020”; Kế hoạch số 248/KH-UBND, ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh Bình Dương về “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Dương”; Kế hoạch số 2109/KH-UBND ngày 01/9/2021 của UBND tỉnh Bình Dương về “Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030”…
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Kế hoạch 4363/KH-UBND ngày 07/9/2020 của UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến 2030….
Tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương đạt được một số kết quả quan trọng. Việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai đăng ký thực hiện trong mọi thời điểm, kết quả nhiệm vụ phải có địa chỉ ứng dụng cụ thể và được các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cam kết sử dụng, nhân rộng khi nhiệm vụ hoàn thành; tổ chức cấp phát kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thông qua Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh; từ năm 2016 đến nay, trình tự, thủ tục triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cải tiến, đơn giản hoá, đã thu hút và tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ triển khai và nghiệm thu hơn 40 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, giải quyết các vấn đề bức xúc được đặt ra từ thực tế sản xuất và đời sống.
KH&CN là động lực phát triển kinh tế xã hội
Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển KH&CN. Lãnh đạo tỉnh luôn nhất quán xác định khoa học và công nghệ là mũi nhọn, là động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội. Do đó, lĩnh vực KH&CN luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược, thay đổi nhận thức của người dân về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực đời sống, hướng đến nền kinh tế số, kinh tế bền vững, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Trong giai đoạn 2016-2020, một số đề án, chương trình khoa học và công nghệ đã phát huy tác dụng, góp phần phất triển kinh tế xã hội của tỉnh: Hỗ trợ 45 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, 23 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, chứng nhận và công bố hợp chuẩn hợp quy cho 264 sản phẩm; tỉnh có 01 doanh nghiệp đạt giải vàng, 06 doanh nghiệp đạt giải bạc chất lượng quốc gia và 01 doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương…dần dần Phong trào năng suất chất lượng trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển.
Hỗ trợ cho gần 100 hồ sơ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, hiện có nhiều nhãn hiệu tập thể được xây dựng: măng cụt Lái Thiêu, măng cụt Dầu Tiếng, cam Bắc Tân Uyên, bưởi Bắc Tân Uyên, quýt Bắc Tân Uyên và Hoa lan Đất Thủ…; đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ được chú trọng tăng cường hàng năm, nhiều dự án được triển khai trên tất cả lĩnh vực KH&CN, nội dung thiết thực đúng định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hệ thống cơ sở dữ liệu về KH&CN được tạo lập lưu trữ nguồn tin nội sinh của tỉnh, nguồn tin tra cứu cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt cơ sở dữ liệu này lưu trữ gần 200 nhiệm vụ KH&CN các cấp được triển khai trên địa bàn tỉnh và gần 300 luận văn luận án trên địa bàn.
Duy trì và phát triển hoạt động của Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến Bình Dương để triển khai các dịch vụ, cơ chế và hành lang pháp lý trong việc liên kết sàn trên địa bàn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh áp dụng Cổng thông tin một cửa quốc gia, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đối với Thủ tục đăng ký công bố hợp chuẩn và thủ tục đăng ký công bố hợp quy từ 05 ngày theo quy định còn 03 ngày; áp dụng cơ chế quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 tổ chức KH&CN, 04 doanh nghiệp KH&CN, có 03 doanh nghiệp thành lập Quỹ phát tiển KH&CN của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đầu tư cải tiến phát triển sản phẩm mới tại doanh nghiệp với tổng số tiền trích Quỹ hơn 100 tỷ đồng.
Để hỗ trợ sự phát triển các tài nhân trẻ khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng ra thế giới, Bình Dương cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp với nhiều không gian mở, không gian hội họp trực tuyến với các thiết bị hiện đại, không gian thiết kế, thử nghiệm sáng tạo trong lĩnh vực điện tử, cơ khí, gỗ, thiết kế… Theo thống kê, Fablab đa ngành tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp đi vào hoạt động, thì trên địa bàn tỉnh hiện có 07 phòng thí nghiệm, thực nghiệm được xây dựng dựa trên những lĩnh vực thuộc thế mạnh của địa phương. Trong đó, 02 Fablab đã tham gia vào mạng lưới Fablab của thế giới gồm: Fablab tại Trung tâm sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh và Fablab tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo gắn liền với vai trò trung tâm là doanh nghiệp, hình thành cơ sở vật chất hiện đại và tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phối hợp với các viện trường, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện quốc tế như: triễn lãm, cuộc thi, diễn đàn, hội thảo, hội nghị khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực của các nước trong khu vực.
Trong những năm gần đây, ngành khoa học và công nghệ Bình Dương đã phối hợp với Ban Điều hành thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương đạt được hiệu quả cao như: hoàn thành tốt công tác tổ chức và đảm bảo nội dung Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 trong khuôn khổ sự kiện Kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA), góp phần quan trọng vào thành công sự kiện này của tỉnh; phối hợp điền đơn, tham gia Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ICF, từ kết quả các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, STEM đã góp phần trong việc đáp ứng các tiêu chí của ICF, qua đó Vùng thông minh Bình Dương được bình chọn là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới; tích cực tham gia phối hợp thực thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á Horasis - Bình Dương 2019…
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Ngành khoa học và công nghệ Bình Dương đặt ra nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số và tăng cường đầu tư tiềm lực lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tương xứng với sự phát triển công nghiệp của tỉnh, đảm bảo, đáp ứng phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh kết.
Hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ chế đặc thù để thu hút các ngành công nghệ cao, công nghệ phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh. Hoàn thiện cơ chế chính sách để triển khai thử nghiệm khu công nghiệp khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình quản lý và vận hành phù hợp nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ; tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện, trường theo định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghiệp cao. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu phát triển trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác đầu tư, quản lý sở hữu trí tuệ, công tác tiêu chuẩn đo lường năng suất và chất lượng; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hội nhập và sự hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài cho tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển bền vững vùng, liên kết vùng, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khả năng liên kết các ngành, vùng trọng điểm lân cận; mô hình phát triển các ngành dịch vụ chủ lực có hàm lượng chất xám cao, có lợi thế và tầm ảnh hưởng cao trong nước.
Thơ Mộng