Khoa học và công nghệ Bình Dương từng bước khẳng định vị thế trên các lĩnh vực
Trong năm vừa qua, mặc dù tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; nhất là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội nói chung và hoạt động ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đã tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt nhiều chuyển biến tích cực. Các nhiệm vụ KH&CN của ngành, địa phương cũng như các nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu đều xuất phát từ yêu cầu thực tế của các đơn vị… đều được triển khai kịp thời, đảm bảo đúng theo tiến độ và đạt chất lượng.
Những thành tựu nổi bật năm 2020
Trong năm 2020 Sở đã tham mưu Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025; Trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1068 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2021- 2025 tầm nhìn đến 2030…
Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đăng ký hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và qua Cổng thông tin dịch vụ công mức độ 4 của tỉnh. Đến nay số lượng hồ sơ được giải quyết qua Công thông tin một cửa Quốc gia đạt 88,89% và số lượng doanh nghiệp tham gia đạt 142/149 doanh nghiệp đạt tỷ lệ 95%, tiếp nhận 29 thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy qua Cổng thông tin dịch vụ công mức độ 4 của tỉnh https://dichvucong.binhduong.gov.vn/, đạt 145% so với mục tiêu năm 2020.
Thành lập và tổ chức họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên ngành năm 2020 các lĩnh vực và trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cấp tỉnh năm 2020; tổ chức triển khai nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN và bàn giao cho các đơn vị để triển khai ứng dụng.
Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường, năng suất và chất lượng được thường xuyên, liên tục góp phần nâng cao nhận thức cho các tổ chức sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Hướng dẫn thủ tục đăng ký và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 131 tổ chức, cá nhân về nhãn hiệu, sáng chế, thủ tục gia hạn, sửa đổi và cấp phó bản giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, thủ tục chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Thẩm định và hỗ trợ kinh phí xác lập quyền cho các tổ chức, cá nhân có đơn đề nghị hỗ trợ thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh.
Hướng dẫn cho hàng chục đơn vị, tổ chức cá nhân lập hồ sơ cấp phép tiến hành công việc bức xạ. Tổ chức thẩm định và cấp gần 60 giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho hơn 50 đơn vị và cấp gần 20 chứng chỉ cho các cá nhân làm công tác đảm bảo an toàn bức xạ tại các đơn vị y tế. Tổ chức thẩm định và phê duyệt 15 kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cho 13 cơ sở có sử dụng thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế. Phối hợp với Viện Ứng dụng Công nghệ thông tin và Bức xạ tiến hành đo đạc phông phóng xạ môi trường tại các cơ sở, địa bàn trọng điểm trong tỉnh và thu thập thông tin liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh nguồn phóng xạ tại các đơn vị.
Trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN đã xây dựng quy chế quản lý, vận hành và hình ảnh quảng bá cho Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức công bố, phát động Cuộc thi Khởi nghiệp từ nghề truyền thống tỉnh Bình Dương trong dịp lễ công bố Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp do UBND Tp. TDM tổ chức và tại Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Hàng tuần tổ chức các hoạt động giới thiệu về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp như: hoạt động kết nối, sự kiện chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, mô hình khởi nghiệp, các khóa đào tạo theo chuyên đề giúp nâng cao năng lực các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp xây dựng và phát triển dự án.
Tổ chức Chương trình đào tạo nâng cao năng lực xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; chương trình đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy theo định hướng giáo dục STEM/STEAM; tổ chức chương trình đào tạo hỗ trợ các kỹ năng xây dựng và phát triển dự án khởi nghiệp theo hình thức chuyên đề…
Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp; triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Đề án thành phố Thông minh tỉnh Bình Dương; tăng cường gắn kết các Viện nghiên cứu, Trường Đại học với các doanh nghiệp, sở ngành trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ.
Thực hiện đầu tư và đưa vào hoạt động hệ thống các phòng thí nghiệm, chế tạo tại một số trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn tỉnh và Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh. Ngoài ra, hiện nay Bình Dương còn có 2 Fablab đã gia nhập và tham gia vào mạng lưới Fablab của thế giới gồm: Fablab đa ngành tại Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh và Fablab tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, nhằm giúp nâng cao khả năng kết nối, tận dụng trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong hoạt động Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng đã hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp xây dựng mã số mã vạch. Triển khai thực hiện Dự án đầu tư nâng cao năng lực kiểm định, thử nghiệm thuộc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn gần 36 ngàn phương tiện đo, đạt 92% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 75% kế hoạch năm 2020; Tổng mẫu thử nghiệm hơn 760 mẫu, đạt 109% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 127% so với kế hoạch năm 2020. Doanh thu đạt 10,182 tỷ đồng, đạt 108% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 102% kế hoạch năm 2020.
Công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện thông qua các bản tin KH&CN, website KH&CN, cổng thông tin điện tử KH&CN; xây dựng phóng sự kỷ niệm 40 năm ngành khoa học và công nghệ; tổ chức treo băng rôn tuyên truyền chào mừng ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4; tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Đo lường Việt Nam 20/01 và kỷ niệm ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10… Tổ chức tốt công tác thống kê KH&CN, công tác thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN theo quy định.
Góp phần phát triển thành phố thông minh
Đầu năm 2021, nhằm tạo ra một nền tảng đối thoại giữa các nhà phát triển công nghệ và người dùng từ Châu Âu, Việt Nam và các Quốc gia thành viên ASEAN khác, đẩy mạnh tính kết nối, hợp tác và chuyển giao các Công nghệ Sản xuất Xanh và phát triển năng lực địa phương để có thể áp dụng chúng thành công. Sở KH&CN tỉnh Bình Dương cũng đã phối hợp cùng các Sở, ngành và Trung tâm Thương mại thế giới WTC - Becamex tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất và cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Châu Âu”.
Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số bộ ngành trung ương và địa phương; các đại sứ một số nước châu Âu, châu Á, các tổ chức quốc tế đế từ các nước Đông Nam Á như: Nhật Bản, Singapore; các tổ chức và trường đại học có ngành kinh tế, ngành phát triển sản xuất bền vững và các Doanh nghiệp được đánh giá là có liên quan và quan tâm đến vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu; công nghệ cho sản xuất bền vững; chế biến thực phẩm và gỗ…
Qua đó tạo nhận thức và nền tảng đối thoại về thị trường công nghệ mang tính đổi mới, thúc đẩy tính hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa EU-ASEAN trong các lĩnh vực: Quản lý Chất thải Nhựa, Sản xuất Bền vững và hợp tác nghiên cứu Covid-19; nâng cao nhận thức và thúc đẩy chuyển giao Công nghệ Xanh…
Khoa học và công nghệ cũng đã góp phần quan trọng trong với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, điển hình là sự đóng góp cho việc phát triển thành phố thông minh Bình Dương và một trong những thành tựu nổi bật của Bình Dương mới đây là Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới ICF được tổ chức tại thành phố New York, Mỹ ngày 25/2 vừa qua đã công bố danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Trong đó, Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh trong danh sách này. Điều này khẳng định hướng phát triển thành phố thông minh Bình Dương là đúng đắn, phù hợp với xu hướng thế giới.
Đề án thành phố thông minh Bình Dương được khởi động từ năm 2016 và lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa "ba nhà" gồm: nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp với sự phối hợp, hỗ trợ của thành phố Eindhoven, Hà Lan. Ngoài ra, Bình Dương cũng mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và các thành phố phát triển khác của thế giới như Hiệp hội Đô thị khoa học công nghệ thế giới, thành phố Daejeon, Hàn Quốc.
Sau 04 năm triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh, Bình Dương được công nhận là một trong 21 nước có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới trong ba năm liền 2019, 2020 và 2021. Để tiếp nối và mở rộng hơn nữa Đề án, Bình Dương tiếp tục triển khai Đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region" với kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững. Đây được xem là "bàn đạp" giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới… Từ đó sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số…
Cùng với đó, hiện nay Bình Dương còn được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với trên 3 ngàn 900 dự án, có tổng vốn đầu tư hơn 35,2 tỷ đô la Mĩ. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có trên 47 ngàn 580 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 424 nghìn tỷ đồng. Với kết quả đó, Bình Dương trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển năng động và có nhiều đột phá; công nghiệp - dịch vụ chiếm 89,31% cơ cấu kinh tế; thu ngân sách hàng năm tăng bình quân 11,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 155 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, Bình Dương còn được tổ chức thế giới đánh giá cao về việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với Dự án Trung tâm thương mại thế giới đồ sộ được quy hoạch xây dựng nằm ngay Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh có tổng diện tích gần 24 héc ta…
Để đạt được những thành tựu nổi bật như trên, ngoài các cơ quan ban ngành có liên quan, Tổng công ty Becamex IDC cũng có vai trò và sự đóng góp rất tích cực trên các lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, thiết bị khoa học, kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực…
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021
Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2021, Sở KH&CN tỉnh Bình Dương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề án thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp; các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020; Xây dựng và triển khai kế hoạch thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng thông qua giáo dục STEM, cuộc thi sáng tạo, sân chơi công nghệ, …với sự kết nối với các fablab trên địa bàn tỉnh; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa BIIC và các đối tác trong và ngoài nước.
- Phát triển tiềm lực KH&CN, nhân lực KH&CN, chú trọng giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thông qua triển khai các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tăng cường gắn kết các Viện nghiên cứu, Trường Đại học với các doanh nghiệp, sở ngành để đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy hoạt động KHCN huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, dịch vụ KH&CN. Triển khai các giải pháp để đẩy mạnh việc phát triển Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị.
- Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”; Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, Sở cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật hành chính, xây dựng chính phủ điện tử và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Từ những thành tựu đạt được và những định hướng đặt ra, ngành khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương từng bước thể hiện rõ nét sự tác động của mình trên các lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, xây dựng thành phố thông minh hướng đến phát triển xanh, bền vững.
Thy Diễm