Khoa học và công nghệ: Đồng hành cùng nông nghiệp phát triển kinh tế khu vực nông thôn
Ngành khoa học và công nghệ nước ta đang nỗ lực trở thành động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để tạo được bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo định hướng phát triển nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020, khoa học và công nghệ nông nghiệp phải góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về nông nghiệp, một trung tâm của thế giới về lúa gạo và sản phẩm của nông nghiệp nhiệt đới.
Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghiệp tiên tiến phục vụ quy hoạch phát triển nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nông nghiệp tập trung vào các đối tượng cây trồng, vật nuôi có khả năng tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, có tính cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Nghiên cứu rộng rãi công nghệ sinh học để tạo cây giống, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Ứng dụng các giải pháp công nghệ sinh học để xác định và phòng chống các loại bệnh nguy hiểm mới phát sinh, tạo các chế phẩm sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến và giải pháp phù hợp để chế biến, bảo quản và đa dạng hóa các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, góp phần xây dựng các thương hiệu mạnh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; nghiên cứu kết hợp công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm truyền thống để chế biến, bảo quản một số đặc sản truyền thống ở quy mô công nghiệp, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một số kết quả của khoa học và công nghệ nông nghiệp
Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Bình Dương rất quan tâm phát triển khoa học và công nghệ nông nghiệp, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho ngành nông nghiệp cũng như việc triển khai các nhiệm vụ của ngành khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Điển hình một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp như:
Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng rau theo hướng công nghệ cao tại tỉnh Bình Dương: Nhiệm vị này triển khai vào năm 2011, nghiên cứu khả năng trồng một số loại rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt, rau muống, xà lách, cải cúc) và rau ăn quả (cà chua, dưa leo) bằng phương pháp thủy canh trong nhà màng tại vùng khí hậu nóng ẩm của tỉnh Bình Dương góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn và có được thị trường tiêu thụ.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap ở xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương: Nhiệm vụ này ước đầu đã triển trồng cây hành lá, dưa leo, cải ngọt và ớt cay với mô hình sản xuất rau VietGap có quy mô diện tích canh tác là 4 ha tương ứng với 25,7ha diện tích gieo trồng (Hành lá: Quy mô 3ha/vụ x 3 vụ x 2 năm; cải ngọt: Quy mô 0,5ha/vụ x 5 vụ/năm x 2 năm; dưa leo: 0,4 ha/vụ x 3vụ/năm x 2 năm; ớt cay: 0,1ha/vụ x 01 vụ/năm x 2 năm). Tại thời điểm này, mô hình trồng rau VietGap tạo được sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phối trộn bèo lục bình và vỏ đậu phộng làm nguyên liệu trong sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương: Dự án đã triển khai tại 6 hộ nông dân trên địa bàn với diện tích là 5,3 ha. Kết quả dự án đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, hình thành tập quán sản xuất ổi chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho nông dân vùng dự án; góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo diện mạo nông thôn mới trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa tỉnh nhà.
Phân lập và nghiên cứu tạo chế phẩm nấm Trichoderma có khả năng đối kháng với nấm Corticium salmonicolor gây bệnh nấm hồng trên cây cao su (Hevea brasiliensis): Nhiệm vụ này triển khai đạt mục tiêu đề ra, kết quả thực hiện nhiệm vụ được khuyến nghị tiếp tục chuyển giao trực tiếp cho nông dân, nông trường cao su hay những công ty cao su trên địa bàn tỉnh Bình Dương hoặc các tỉnh khác trong cả nước.
Xây dựng quy trình phân tích và áp dụng để đánh giá dư lượng nitrat, nitrit trong các loại rau ở thành phố Thủ Dầu Một: Nhiệm vụ đã xây dựng quy trình xác định nitrat và nitrit trong mẫu rau bằng phương pháp quang phổ hập thụ phân tử (UV-VIS); đánh giá dư lượng nitrat và nitrit trong một số loại rau đang cung ứng và tiêu thụ trên thị trường thành phố Thủ Dầu Một. Bên cạnh đó, có thể áp dụng xác định nitrat và nitrit trong mẫu rau và sản phẩm rau nhằm thay thế phương pháp có chi phí cao như HPLC hay IC của các cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm.
Ảnh hưởng của hợp chất ly trích từ cây Neem sử dụng trong điều trị bệnh trên thủy sản đến chất lượng môi trường nước của ao nuôi: Nhiệm vụ đã khảo sát, đánh giá ảnh hưởng đến các thông số chất lượng nước của việc sử dụng hợp chất trích ly từ cây Neem để trị bệnh cá da trơn; khảo sát tác động đến hệ sinh vật trong ao nuôi và đánh giá hiệu quả trị bệnh cá da trơn khi sử dụng hợp chất ly trích từ cây Neem.
Phân lập và khảo sát môi trường nhân giống nấm mối (Termitomyces sp.): Nhiệm vụ đã phân lập và định danh được một số chủng nấm mối mọc ngoài tự nhiên; khảo sát một số thành phần chính của môi trường nhân giống nấm mối nhằm tìm ra môi trường thích hợp làm cơ sở để sản xuất sinh khối trên quy mô lớn.
Nghiên cứu tạo chế phẩm đạm hòa tan từ trùn quế (Perionyx excavatus): Nhiệm vụ xây dựng được quy trình thu nhận dịch đạm từ trùn quế trên quy mô thí nghiệm và thử nghiệm trên quy mô pilot và nghiên cứu thành công tạo chế phẩm dịch đạm từ trùn quế.
Nghiên cứu tạo chế phẩm từ một số chủng Trichoderma kiểm soát bệnh thán thư do Collectotrichum gây ra trên cây ớt (Capsicum frutescens): Công trình tạo được chế phẩm từ các chủng nấm Trichoderma sp. có khả năng phòng bệnh thán thư do Colletotrichum gây ra trên cây ớt ở quy mô vườn thực nghiệm
Xác định sự hiện diện của gen quy định Protein điều chỉnh miễn dịch trong nấm hoàng chi (Ganoderma Colossum Donk) ở Việt Nam: Đánh giá điều kiện nhiệt độ, độ Ph ảnh hưởng lên sự sinh trưởng của hệ sợi nấm Hoàng chi trong môi trường dịch thể; xác định gen quy định Protein FIP từ nấm Hoàng chi và thu nhận protein FIP từ nấm Hoàng chi, thử nghiệm hoạt tính khử máu.
Nghiên cứu điều chế polymer sinh học từ hạt cây Muồng Hoàng Yến (Cassia Fistula L.) tại Bình Dương dùng làm chất trợ keo tụ trong công nghệ xử lý nước thải công nghiệp: Nhiệm vụ đã nghiên cứu được thực hiện trên nước thải ngành công nghiệp dệt nhuộm và xi mạ góp phần cải thiện chất lượng môi trường nước, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đề xuất một quy trình công nghệ cải thiện chất lượng nước thải công nghiệp, tập trung vào hai dạng ô nhiễm kim loại nặng và màu.
Đánh giá tác động hợp lực của cao chiết từ các bộ phận khác nhau của cây khế Averrhoa carambola L. với nano Vàng (Gold nanoparticles) trên khuẩn Staphylococcus aureus: Tổng hợp thành công hạt nano vàng từ dịch chiết thực vật có khả năng làm tăng hoạt tính kháng khuẩn Staphylococcus aureus so với khi chỉ sử dụng dịch chiết thực vật.
Nghiên cứu hoạt tính kháng Sâu khoang (Spodoptera litura) hại rau lang của tinh dầu từ một số loài thực vật ở Bình Dương: Đánh giá hoạt tính gây kháng ăn, tiêu diệt, ức chế phát triển và độc tính của tinh dầu từ một số loài thực vật ở Bình Dương đối với sâu khoang hại khoai lang trong điều kiện phòng thí nghiệm. Đánh giá hiệu lực kháng sâu khoang của tinh dầu có hoạt tính mạnh nhất trong điều kiện vườn ươm…
Vai trò của KH&CN nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2012 đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng đều qua các năm từ 3,6-4%/năm, ngành nông nghiệp đã tổ chức thực hiện trên 1.800 lớp tập huấn cho trên 79.000 lượt nông dân tham dự và triển khai thực hiện trên 1.300 điểm mô hình. Nhiều mô hình, dự án áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được chuyển giao đến người sản xuất như sản xuất rau, quả an toàn, theo hướng VietGAP, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình sản xuất hoa, cá cảnh,… Kết quả chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật, đến nay trên địa bàn tỉnh tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt trên 90%, trong đó giống cao su cao sản 100%, rau màu hạt lai F1 đạt > 90%. Về chăn nuôi như: bò lai sind đạt >80%, heo ngoại và lai từ 2 - 4 máu ngoại đạt 100%, gia cầm đạt >90%, bò sữa lai HF với tỷ lệ F1 chiếm 16,38%, F2 chiếm 69,33%, F3 chiếm 12,74%; 100% diện tích canh tác cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc; gần 88% đàn gia cầm và trên 93% đàn heo được nuôi tập trung (hầu hết các trại sản xuất tập trung đều ứng dụng công nghệ cao quy trình kỹ thuật hiện đại). Nhìn chung những tiến bộ kỹ thuật đã áp dụng góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh tiên tiến và đảm bảo bền vững.
Trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện tỉnh có hơn 2.754 ha diện tích đất ứng dụng công nghệ cao vào vào trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích gần 1.000 ha; 95 trang trại, cơ sở sản xuất nông nghiệp chứng nhận VietGAP (trong đó lĩnh vực trồng trọt là 62 cơ sở; lĩnh vực chăn nuôi 33 cơ sở); Đối với sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã được chứng nhận trên quy mô 60 ha diện tích trồng chuối. Các mô hình nông nghiệp công ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế và tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân.
Trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngành khoa học và công nghệ đã triển khai với nhiều hình thức đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, tổ chức khảo sát nhu cầu làm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc với các loại hoa quả” cho cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh liên quan đến các loại nông sản có nhu cầu hoặc gặp khó khăn liên quan đến yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.
Vừa qua, trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm; tổng hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ các địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch…
Có thể nói, Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này. Qua đó cho ta thấy, khoa học và công nghệ luôn luôn đồng hành cùng nông nghiệp để phát triển nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà bền vững.
Huỳnh Nhi