Khoa học và công nghệ góp phần bảo vệ môi trường, phát triển khu vực kinh tế xanh
Trong năm 2021, dịch bệnh covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng toàn diện mọi mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội và hoạt động của ngành nôi trường nói riêng. Theo đó, ngành tài nguyên và môi trường đã kịp thời xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình dịch; nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, rút ngắn thủ tục phục vụ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, chú trọng triển khai các quy định bảo vệ môi trường, các giải pháp nâng cao công tác quản lý môi trường, tài nguyên khoáng sản; tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải trên địa bàn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý được ngành rất chú trọng, thể hiện qua Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường năm 2021; hệ thống máy chủ vận hành dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển thành phố thông minh tỉnh Bình Dương đã được xây dựng triển khai; tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực chuyên môn và quản lý ngành, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh covid-19; thực hiện tốt công tác bảo mật hệ thống công nghệ thông tin tại các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Cung cấp thông tin, dữ liệu quy định, biên mục được 25.152 hồ sơ đăng ký biến động đất đai…
Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên hệ thống kênh, rách, sông, suối như: Tất cả việc tạo lập và phê duyệt các quy hoạch đều được chú trọng lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường; hạn chế thu hút bên ngoài khu, cụm công nghiệp, các khu vực không còn khả năng chịu tải về môi trường; các dự án đầu tư có ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, các ngành nghề gia công sử dụng nhiều lao động. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng.
Tập trung đầu tư 16/21 dự án liên quan công tác phòng ngừ, kiểm soát ô nhiễm kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần giải quyết yêu cầu tiêu thoát nước và xử lý nước thải phát sinh từ dân cư trên địa bàn.
Tập trung giám sát thông qua hệ thống quan trắc tự động trong thời gian dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp; đồng thời tiếp tục mở rộng hệ thống quan trắc nước thải tự động để giám sát chặt chẽ các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 500m3/ngày, đến nay đã có 104 nguồn thải được lặp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, giúp kiểm soát được 85% lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường các cơ quan mặt trận, đoàn thể tỉnh ký kết về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao công tác bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; đặc biệt là tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ đối nối nước thải vào Nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên.
Kế hoạch thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2018-2020 đã hoàn thành, Sở TN&MT đang xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025, dự kiến hoàn thành vào Quý I/2022. Tiếp tục tăng cường quản lý và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch covid-19…
Cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cũng đã có chủ trương giao cho các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức hướng dẫn cho các hộ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm của cây ăn trái có múi… từng bước chuyển đổi dần thành nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm của nước thải đô thị, Bình Dương đẩy mạnh hoàn chỉnh hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải; đã và đang triển khai xây dựng và đưa vào vận hành 04 nhà máy xử lý nước thải đô thị: Nhà máy xử lý nước thải thành phố Thủ Dầu Một có công suất xử lý 17.500 m3/ngày, đang triển khai nâng công suất từ 17.500 m3/ngày lên 32.000 m3/ngày (hiện đang thu gom, xử lý khoảng 14.500 m3/ngày); nhà máy xử lý nước thải Thuận An có công suất xử lý từ 17.000 m3/ngày (hiện đang thu gom, xử lý khoảng 9.866 m3/ngày); nhà máy xử lý nước thải Dĩ An có công suất xử lý 20.000 m3/ngày (hiện đang thu gom, xử lý khoảng 8.500 m3/ngày); nhà máy xử lý nước thải Dĩ An - Thuận An - Tân Uyên (khu vực miễu ông Cù) đã hoàn thành và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2019, hiện đang thu gom, xử lý khoảng 3.000 m3/ngày. Riêng nhà máy xử lý nước thải thị xã Bến Cát đang triển khai xây dựng và dự kiến năm 2024 sẽ đưa vào hoạt động. Các khu dân cư, khu đô thị mới đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đến nay, nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Song song với việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị thì trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng mới các hệ thống thoát nước cho các khu vực chưa có hệ thống thoát nước, góp phần tiêu thoát nước mưa, nước thải sau xử lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường…
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường trên đã góp phần khống chế gia tăng ô nhiễm, các nguồn thải công nghiệp cơ bản đã được kiểm soát, chất lượng nước đã được cải thiện, nồng độ chất ô nhiễm giảm thừ 1,4 lần đến 4,4 lần; số lượng phản ánh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước giảm khoảng 10% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát được môi trường ngày hôm nay không thể không kể đến các chương trình, kế hoạch, đề tài dự án khoa học và công nghệ đã được triển khai trước đây như: Thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM) trong ngành chăn nuôi, xử lý rác, chế biến mủ cao su, thực phẩm nhằm giảm phát thải khí nhà kính; Nghiên cứu đề xuất công cụ phục vụ kiểm toán nhanh năng lượng, lồng ghép đánh giá tiềm năng sản xuất sạch hơn cho một số ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh Bình Dương; Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện mở rộng sử dụng các nguồn nguyên liệu thay thế, nhiên liệu sinh học áp dụng cho các lĩnh vực kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vật liệu nhẹ để từng bước thay thế gạch, ngói nung trên địa bàn tỉnh…
Tiếp nối những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ xây dựng quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, nước mặt trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tổ chức, điều tra công bố Sách xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022. Tăng cường thẩm định, cho vay vốn bảo vệ môi trường đối với các dự án thuộc đối tượng; đôn đốc doanh nghiệp có liên quan thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Tiếp tục vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống các trạm quan trắc tự động nước thải, nước dưới đất, nước mặt tự động và trạm thủy văn Tân Uyên, trạm thủy văn Lái Thiêu; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống quan trắc nước thải tự động. Thực hiện công tác lấy mẫu chương trình quan trắc không khí, nước mặt, nước ngầm, trầm tích đáy, quan trắc đất năm 2022. Thực hiện tốt công tác lấy mẫu giám định; giám sát, phân tích và kiểm định, hiệu chuẩn theo yêu cầu.
Tuyết Mai