Khoa học và công nghệ góp phần tăng cường nguồn lực, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo
Tận dụng lợi thế của công nghệ, sáng tạo trong sản xuất, phát triển kinh tế giúp người dân nâng cao trình độ, nâng cao số lượng và chất lượng hàng hóa, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững
Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Thành tựu xóa đói giảm nghèo trong những năm qua đã góp phần tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương, giữa năm 2018 toàn tỉnh thực hiện điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều cho thấy, tổng số hội nghèo là 4.707 hộ trên tổng số 290.652 hộ nhân nhân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,62%. Trong đó, số hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là 2.819 hộ trên tổng số hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,97%. Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 1.888 hộ trên tổng số hộ nhân khẩu của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,65%. Số hộ cận nghèo là 2.883 hộ, chiếm tỷ lệ 0,99%.
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh còn 3.806 hộ nghèo trên 290.652 hộ nhân dân, tỷ lệ 1,31%. Trong đó, số hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là 1.893 hộ, chiếm 0,65%. Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ là 1.913, chiếm tỷ lệ 0,66%. Số hộ cận nghèo là 2.899 hộ, chiếm 1%.
Từ số liệu cho thấy, các chính sách an sinh xã hội đã có nhiều hiệu quả tích cực, các chương trình, dự án, mô hình giảm nghèo đã được nhân rộng trong nhân dân giúp người dân có điều kiện thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo được giảm qua từng năm. Trong đó, không thể không kể đến vai trò của ngành khoa học và công nghệ trong chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Bình Dương trong những năm qua.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bình Dương đã ký Quyết định số 2542/QĐ-UBND vào ngày 28/9/2016 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, theo đó cần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện các dự án khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm và hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ; tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Nghiên cứu và có hình thức phù hợp để nhân rộng các mô hình sản xuất, nuôi trồng có hiệu quả, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, quy hoạch phát triển của địa phương.
Thực hiện nội dung này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 17 mô hình với 104 điểm trình diễn khuyến nông, khuyến ngư gồm 4 nhóm chương trình: Phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển thủy sản và chương trình nông nghiệp và ven đô.
Tỉnh Đoàn Bình Dương đã tổ chức được 15 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 1.500 thanh niên về các mô hình làm kinh tế hiệu quả trong thanh niên. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn còn phối hợp với các sở, ngành tổ chức được 32 lớp các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ, các lớp tập huấn về mô hình kinh tế cho thanh niên… cho hơn 2.000 thanh niên tham gia.
Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức xét duyệt và chuyển Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh thẩm định 70 phương án, ký hợp đồng được 58 phương án với tổng số tiền duyệt vay là 336 tỷ đồng. Đồng thời, Sở cũng đã có quyết định hỗ trợ cho 07 tổ chức/cá nhân đăng ký áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt 06 tổ chức/cá nhân; lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thủy sản 01 tổ chức với tổng kinh phí hỗ trợ là 185 triệu đồng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh cũng đã tổ chức 325 lớp tuyên truyền pháp luật về giống cây lâm nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng rau an toàn, phòng bệnh trên rau màu và cao su, hướng dẫn trồng rau sạch, nuôi cá kiểng, phòng nấm và bệnh vàng lá trên cây cao su… cho hơn 10.000 lượt nông dân và hội viên.
Triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hàng năm tổ chức Lễ phát động “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”, các lớp tập huấn nhằm giới thiệu, tuyên truyền Đề án, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ; tổ chức “Triển lãm gian hàng ngày phụ nữ khởi nghiệp” vào năm 2018 giữa các huyện, thị, thành phố với sự tham gia của 36 doanh nghiệp và Hội Liên hiệp Phụ nữ 9 huyện, thị, thành phố trực tiếp giới thiệu, trưng bày sản phẩm; lựa chọn 16 ý tưởng tham gia cuộc thi “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội tổ chức…
Về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong giai đoạn này đã triển khai nhiều nhiệm vụ hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất, nuôi trồng có hiệu quả như: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất vườn hiệu quả và phù hợp theo hướng nông nghiệp đô thị tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng xây dựng mô hình thâm canh các loại cây có múi (bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường) đạt tiêu chuẩn VietGap và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở xã Minh Hòa và Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương; Nghiên cứu, đánh giá chất lượng đất và đề xuất phát triển các loại hình nông nghiệp, nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện tại xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, Bình Dương; Sinh kế dân nghèo và công cuộc giảm nghèo của tỉnh Bình Dương; Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề theo thị trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn 2030…
Ông Nguyễn Thành Sang, nông dân xã Minh Thạnh huyện Dầu Tiếng cho biết, bản thân ông bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ, sống với cha mẹ trong gia đình đông anh em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sống bằng nghề làm thuê. Năm 2011, ông lập gia đình, cuộc sống bấp bênh, không ổn định, hoàn cảnh càng khó khăn hơn khi vợ có con nhỏ, bản thân ông thất nghiệp, gia đình sống trong căn nhà tạm… Năm 2016, khi được xét vào diện hộ nghèo, ông được nhà nước quan tâm xây dựng cho căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng và được nhận các chính sách về bảo hiểm y tế, chính sách người khuyết tật, chính sách đào tạo nghề, chính sách cho con nhỏ đến trường… Đến năm 2018, gia đình ông đã thoát nghèo nhờ chịu khó học hỏi và kinh doanh buôn bán. Thu nhập trung bình của hai vợ chồng ông hiện này khoảng 8triệu/tháng và ông đã có một căn nhà khang trang và kinh tế ổn định. Hiện nay, ngoài việc tích cực lao động, phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia các hoạt động khác khi địa phương phát động.
Có thể nói, công tác giảm nghèo tỉnh Bình Dương đã gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giúp cho đối tượng yếu thế trong xã hội có điều kiện thoát nghèo bền vững, từ đó đời sống của họ được ổn định, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể tham gia hoạt động của các hội đoàn thể cũng như tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần làm giảm các tệ nạn xã hộic, góp phần giữ vững an ninh trật tự cho địa phương.
Thu Trang