Khoa học và công nghệ trong Đề án thành phố thông minh Bình Dương
Để thực hiện mục tiêu của Đề án Thành phố Thông minh Bình Dương, Ban điều hành thành phố thông minh đưa ra kế hoạch năm 2021, trong đó khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong các dự án trọng điểm:
- Hoàn thành việc xây dựng Đề án thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2026, trong đó đặc biệt chú trọng cập nhật các chương trình mới và qui hoạch Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương.
- Tiếp tục phát triển mô hình Ba, xem đây là mô hình nền tảng trong quá trình phát triển thành phố thông minh trong giai đoạn mới.
- Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước xây dựng và kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn. Đây là nền tảng tiên quyết, tạo tiềm lực để đột phá, là chìa khóa thu hút đầu tư trong tương lai.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt, đồng thời nhanh chóng đưa các giải pháp nâng cấp hệ thống hạ tầng đường bộ, giảm áp lực kẹt xe, tăng cường liên kết vùng, giảm thời gian và giá thành vận chuyển, kịp thời đón làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới.
- Tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông tin địa lý (GIS) trên địa bàn tỉnh Bình Dương với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu không gian và hệ thống phần mềm ứng dụng hỗ trợ khai thác dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị trong tỉnh.
- Truyền thông và định vị thương hiệu Bình Dương thông qua Đề án Thành phố thông minh và các dự án cụ thể, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư thời kì mới. Các hoạt động tuyên truyền cần có thông điệp cụ thể, rõ ràng, có chiều sâu, phù hợp với thời kì 4.0 và bối cảnh COVID-19, kịp thời và được truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đến được với đối tượng người dân.
- Phát triển Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương với các chiến lược cụ thể đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt chú trọng dự án Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ Bình Dương. Với tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Khu công nghiệp KH&CN cần được qui hoạch như một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động thâm dụng công nghệ và tri thức như: giáo dục và đào tạo, nghiên cứu phát triển, thương mại hóa công nghệ, sản xuất tiên tiến, đồng thời có môi trường sống thân thiện.
- Tiếp tục xây dựng và phát triển Làng thông minh - là một xu hướng chung trên thế giới, nhằm đưa khu vực nông thôn vươn lên không thua kém đô thị về sức sản xuất, tính cạnh tranh, an sinh xã hội... sử dụng các giải pháp sáng tạo dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương; trong đó cộng đồng tham gia, chia sẻ để phát triển và thực hiện mục tiêu cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường, đặc biệt trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số.
- Tiếp tục đăng kí và giữ vững danh hiệu Smart 21 của ICF (top 21 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu), đồng thời tiến hành đăng kí thử nghiệm danh hiệu Top 7. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, cùng Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP và các Sở, ngành liên quan hợp tác chặt chẽ với đối tác Eindhoven, triển khai công tác với ICF.
Trong Kế hoạch thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ có vai trò Phối hợp Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP, các đối tác Eindhoven sớm triển khai các công tác của Văn phòng Thành phố thông minh. Tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy và kết nối hệ thống các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab) trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động ổn định. Tiếp tục triển khai các nội dung liên quan đến việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như:
- Triển khai chiến lược truyền thông, quản bá Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp (BIIC) đến rộng khắp cộng đồng và người dân trên địa bàn tình
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh
- Tham mưu Đề án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025"
- Phối hợp với ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, kết nối mạng lưới Fablab, xây dựng chương trình và tổ chức các buổi học ngoại khóa, các lớp học trải nghiệm sáng tạo cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức về giáo dục STEM cho các giáo viên thuộc các trường.
- Hỗ trợ phát triển các ý tưởng sáng tạo làm ra các sản phẩm, mô hình, dịch vụ mới, đặc biệt phục vụ cho việc phát triển thành phố thông minh thông qua Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh.
- Hỗ trợ và thúc đẩy các dự án, các mô hình thí điểm về việc ứng dụng công nghệ tại các địa phương.
Ngà Nguyễn