Khoa học và công nghệ với phát triển kinh tế xã hội, khởi nghiệp
Năm 2019, là năm đánh dấu một chặng đường phát triển và hội nhập của Bình Dương sau 22 năm hình thành và phát triển. 22 năm, một khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng những gì mà địa phương đạt được trong sốt thời gian qua là sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp; và đặc biệt là sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Đây là niềm tự hào và là niềm tin về một thành phố thông minh, thành phố đáng sống.
22 năm một chặng đường
Bình Dương là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tổng diện tích tự nhiên trên 2 ngàn 649 km2, bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 91 đơn vị hành chính cấp xã, với dân số trên 2,1 triệu người, chiếm 2,3% dân số cả nước. Ngay sau khi tái lập vào năm 1997, Bình Dương đã mạnh dạng và chuyển dịch thành công nền kinh tế từ nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm vai trò chủ đạo. Nếu như năm 1997, tỷ trọng công nghiệp của tỉnh chỉ chiếm 50%, thì hiện nay đã chiếm 63,87% trong GDP, dịch vụ chiếm 23,94%, nông nghiệp chiếm 3,08,%, thuế sản phẩm chiếm 9,11%. Với những thành tự đó, Bình Dương hiện được coi là một trong những tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động nhất của cả nước.
Để đạt được kết quả trên, cùng với việc thực hiện chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ đón nhân tài”. Trong 22 năm qua, Bình Dương cũng đã đầu tư và đưa vào sử dụng hơn 10 ngàn công trình cơ sở hạ tầng, phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, đặc biệt là có sự đóng góp tích cực của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC Corp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông, hệ thống các khu công nghiệp, khu đô thị… trên địa bàn tỉnh, cũng như phát triển trong lĩnh vực y tế, khoa học, giáo dục và các hoạt động súc tiến, mời gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Khoa học công nghệ với phát triển kinh tế xã hội, khởi nghiệp
Có thể nói, khoa học và công nghệ luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất và hiển nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa, lĩnh vực này cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ, nhất là ở địa phương đang phát triển mạnh mẽ như Bình Dương hiện nay. Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương đã xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế xã hội cũng như xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh.
Với chủ đề công nghiệp và dịch vụ thông minh, Bình Dương đã và đang tiếp tục hoàn thiện hơn nữa mô hình hợp tác 3 nhà, đẩy mạnh kết nối trao đổi quốc tế, phát huy tối đa cơ hội hợp tác với các mạng lưới, tổ chức quốc tế của các thành phố thông minh, khoa học công nghệ trên thế giới nhằm hỗ trợ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; góp phần xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Bình Dương ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là hỗ trợ các dự án kinh doanh nhiều tiềm năng, có sản phẩm, dịch vụ thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh và phục vụ lợi ích cộng đồng, xã hội; cũng như thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, trong các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, gắn nghiên cứu với thực tiễn.
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết “Việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là một trong những nội dung trong đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Mô hình liên kết ba nhà là mô hình khá đặc trưng trên thế giới hiện nay, việc liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước sẽ hỗ trợ thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh, thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp ở Bình Dương ngày càng phát triển”.
Ngoài việc hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển các sáng kiến phục vụ thành phố thông minh, do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý và vận hành. Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp còn cung cấp các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực khoa học công nghệ; phát triển sáng kiến cộng đồng, các thử nghiệm thực tế gắn liền với phát triển thành phố thông minh và nhiều không gian, tiện ích miễn phí khác dành cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp…
Một số hoạt động thúc đẩy phát triển khoa học và khởi nghiệp
Từ năm 2000, Bình Dương phát triển mạnh về công nghiệp và đô thị, cũng thời điểm này, đất nước bắt đầu giai đoạn hội nhập quốc tế. Với những yêu cầu mới đặt ra, đội ngũ những người làm khoa học ở Bình Dương đã bắt tay vào những nhiệm vụ mới để bắt kịp nhịp độ phát triển của tỉnh và của cả nước. Từ đó đến nay, ngành khoa học và công nghệ tỉnh nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ và có nhiều đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, các sở, ban, ngành cùng với các đơn vị trong và ngoài tỉnh đã triển khai được 176 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó, lĩnh vực khoa học tự nhiên có 37 nhiệm vụ; lĩnh vực khoa học xã hội có 43 nhiệm vụ; khoa học kỹ thuật 53 nhiệm vụ; khoa học nhân văn: 20 nhiệm vụ; khoa học nông nghiệp: 15 nhiệm vụ và khoa học y dược là 8 nhiệm vụ. Hầu hết các đề tài trên đều được ứng dụng vào thực tế trong công tác quản lý nhà nước, sản xuất và đời sống cũng như giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ngoài những nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các giáo viên, giảng viên, cán bộ công chức viên chức trên địa bàn tỉnh cũng chọn những vấn đề bức xúc của xã hội làm đề tài luận văn luận án sau đại học cho mình. Tính từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 100 luận văn luận án thuộc các lĩnh vực giải quyết những vấn đề nảy sinh thực tế trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào nghiên cứu báo cáo.
Mô hình trải nghiệm sáng tạo và sân chơi công nghệ
Nằm trong chương trình Khởi nghiệp sáng tạo, ngày 25/7/2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các đơn vị xã hội, giáo dục trong và ngoài Tỉnh tổ chức ngày hội “Giới thiệu các mô hình trải nghiệm sáng tạo và sân chơi công nghệ” cho các em thiếu nhi, học sinh và sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Ngày hội được diễn ra với 3 nội dung chính như: Khai trương sân chơi công nghệ cho thiếu nhi tại Nhà thiếu nhi tỉnh; Giới thiệu những mô hình giáo dục trải nghiệm sáng tạo thông qua việc tổ chức trải nghiệm thực tế; Hội thảo khoa học “Vai trò của đổi mới sáng tạo và giáo dục STEM trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” .
Vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ cũng sẽ nhân rộng mô hình này đến các điểm trường tại ba huyện, thị: Thị xã Dĩ An, Thị xã Bến Cát và huyện Dầu Tiếng. Và trong thời gian tới, Sở Khoa học và công nghệ sẽ xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình này nhiều hơn nữa đến các điểm trường trên địa bàn tỉnh.
Với những thành tựu trên các lĩnh vực mà tỉnh nói chung và ngành khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương nói riêng đã đạt được như hôm nay, sẽ mở ra một triển vọng mới về mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, thành phố đáng sống của Bình Dương trong tương lai./.
Minh Hải