Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển nền kinh tế đất nước
Nhiệt huyết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yêu nước - Đây là lời nói đầy tâm huyết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020 diễn ra tại Hà Nội vào chiều ngày 27/11.
Mở đầu cuộc đối thoại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiệt huyết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là thể hiện lòng yêu nước, làm cho quốc phú, dân cường. Khởi nghiệp sẽ là một con đường biến ước mơ của bản thân thành hiện thực, đồng thời góp phần hiện thực hóa khát vọng lớn hơn của toàn dân tộc. Ông mong các bạn trẻ sẽ luôn khiêm tốn, học hỏi, liên lục mày mò, không ngừng đổi mới sáng tạo và đó chính là chìa khóa giúp các bạn thành công.
Chính phủ luôn tạo môi trường thuận lợi cho bạn trẻ khởi nghiệp
Để giúp các bạn trẻ ươm mầm cho giấc mơ và hiện thực hiện hóa khát vọng khởi nghiệp sáng tạo, trong Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hỏi các bạn trẻ rằng: “Các bạn có sợ thất bại khi khởi nghiệp không? Tôi tin có những bạn trả lời là có”, đó là lẽ tự nhiên. Chúng ta hiểu rằng, hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một sự trải nghiệm mạo hiểm thú vị, đó là quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và khám phá khả năng của bản thân. Nhưng “Tôi tin rằng mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là con đường kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống, khẳng định mình, thử thách bản thân, kiểm tra giới hạn tiềm tàng của chúng ta”. Thủ tướng cũng mong muốn nghe các thanh niên chia sẻ để tháo gỡ vướng mắc, từ thể chế, cơ chế, sở hữu trí tuệ và những vấn đề liên quan, làm sao tạo môi trường tốt nhất cho khởi nghiệp sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp một cách tốt nhất.
Tại Diễn đàn năm nay, các bạn đã mạnh dạn trao đổi về những điểm hạn chế của Nghị định 38 chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các start-up; vấn đề "chảy máu" start-up khi cơ chế gọi vốn còn gặp nhiều khó khăn; cơ chế, chính sách hoặc hỗ trợ để các bộ ngành, doanh nghiệp lớn sẵn sàng tham gia vào liên kết start-up để phát triển những sản phẩm công nghệ và thực hiện mục tiêu chuyển đổi số? trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, doanh nghiệp nằm ở vị trí nào trong chính sách của Chính phủ?...
Ngoài những nội nội giải đáp của các bộ ngành (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… ), Thủ tướng nhận định hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn thiện và còn nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tăng lên nhưng so với các nước trong ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại, đặc biệt là nguồn vốn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Xem xét kỹ từng kiến nghị và đề xuất các phương án xử lý phù hợp. Các bộ, các địa phương thường xuyên đối thoại, chủ động thiết lập các kênh chia sẻ thông tin, cung cấp các định hướng, quy hoạch cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận.
Thủ tướng khẳng định, “Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ cao nhất quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp của các bạn vì đây là tài sản vô cùng lớn, thậm chí là vô giá hoặc duy nhất của các bạn”.
“Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Các bạn không chỉ là tiềm năng của tương lai, là nguồn lực và tài nguyên hiện tại, mà sẽ là chủ nhân của đất nước. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thuận lợi nhất. Nhưng khởi nghiệp có thành công được hay không phụ thuộc vào chính bản thân các bạn”, Thủ tướng khẳng định. Nhiệt huyết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là thể hiện lòng yêu nước, làm cho quốc phú, dân cường.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dần khẳng định vị thế
Theo thông tin từ Văn phòng Đề án 844, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam từ đầu năm đến nay là 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư là 56; trong đó, 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị. Cụ thể, các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư (xếp theo thứ tự tổng số thương vụ giảm dần): Công nghệ tài chính: 12 thương vụ, tổng cộng 61,2 triệu USD; thương mại điện tử: 8 thương vụ, tổng cộng 143,85 triệu USD; HR (Quản trị nguồn nhân lực): 6 thương vụ, tổng cộng 36,88 triệu USD.
Trong đó, 3 thương vụ có giá trị cao nhất là Tiki thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, nhận được khoản đầu tư 130 triệu USD; Siêu Việt thuộc lĩnh vực HR, giá trị thương vụ là 34 triệu USD; Fvndit thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính, giá trị khoản đầu tư là 30 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá 1 tỷ USD và nhiều doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.
Ngoài những số liệu đầu tư vào startup Việt Nam, số liệu về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu - GII của Việt Nam cũng là một trong những minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế khi đổi mới sáng tạo được chú trọng. Có thể nhìn lại một số chỉ tiêu trong GII năm 2020 của Việt Nam ta thấy, nhiều chỉ số được các chuyên gia trong WIPO đánh giá cao, điển hình nhóm cải thiện về Trình độ phát triển của kinh doanh có chỉ số về trình độ phát triển của thị trường xếp vị trí 39, tăng 30 bậc so với năm trước (từ 69 lên 39); chỉ số Hợp tác Viện trường - doanh nghiệp tăng 10 bậc (từ vị trí 75 lên 65); chỉ số Quy mô phát triển của cụm công nghiệp tăng 32 bậc (từ vị trí 74 lên 42); năng lực Hấp thụ tri thức tăng 13 bậc, đứng ở vị trí thứ 10 - là thế mạnh của Việt Nam nhờ sự dẫn đầu về Nhập khẩu công nghệ cao (hạng 4) và Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (hạng 19).
Nhóm chỉ số về Hạ tầng ICT, tăng 6 bậc so với 2019 với tiến bộ rõ rệt về Tiếp cận ICT (tăng 4 bậc từ vị trí 90 lên 86) và Sử dụng ICT (tăng 27 bậc, từ vị trí 92 lên 65). Về cải thiện về đầu ra đổi mới sáng tạo, nhóm chỉ số Lan truyền tri thức xếp hạng 14 được coi là thế mạnh của Việt Nam, nhờ sự dẫn đầu về xuất khẩu công nghệ cao (hạng 2; chỉ số Số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật đã tăng từ vị trí 74 lên 61…
Sự tăng trưởng này cũng không phải ngẫu nhiên, khi Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nâng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 ra đời, Chính phủ đã sử dụng chỉ số GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này. Theo đó, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ.
Bên cạnh đó, chúng ta đã khai thác được những cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời chủ động tham gia các hiệp định thương mại tư do song phương và đa phương, chủ động hội nhập với nền kinh tế thế giới, có những hoạt động ngoại giao đa dạng giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hướng đi này đã được WIPO ghi nhận trong Báo cáo GII 2020, Việt Nam được nêu như một trong những ví dụ điển hình của việc hưởng lợi từ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và mạng lưới đổi mới sáng tạo.
Tài liệu tham khảo:
2. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/18350/gioi-thieu-bao-cao-chi-so-gii-nam-2020-va-ket-qua-cua-viet-nam.aspx.
Ngọc Trang