Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương phiên bản 1.0
Kiến trúc Chính quyền điện tử là cơ sở khoa học giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả khi triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở giúp đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Việc xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương phiên bản 1.0 được thiết kế dựa trên nguyên tắc sau: Phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và các văn bản hướng dẫn liên quan; phù hợp với định hướng, mục tiêu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của quốc gia, tỉnh; phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; các ứng dụng công nghệ thông tin cần được xây dựng hướng đến dùng chung, có tính sử dụng cao, chung một nền tảng tích hợp; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên triển khai trước các dịch vụ công có tính đơn giản, mức độ sử dụng cao…
Theo đó, kiến trúc Chính quyền điện tử Bình Dương được mô hình hóa dựa trên thiết kế kiến trúc phân lớp với nguyên tắc lớp sau cung cấp dịch vụ cho lớp trước, nhằm phân tích kiến trúc phức tạp của chính quyền điện tử thành các lớp với chức năng, nhiệm vụ xác định, từ đó đưa ra thông tin đơn giản và dễ hiểu hơn, bao gồm: Người dùng/Hệ thống ngoài (Actors); kênh truy cập; nhóm dịch vụ; ứng dụng; dữ liệu; ứng dụng nền tảng; hạ tầng; cơ sở vật chất; quản lý chỉ đạo.
Lộ trình triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh Bình Dương được phân kỳ theo 02 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (2019 - 2020): Với nhiệm vụ nâng cấp, triển khai rộng Cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử của tỉnh; đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tích hợp, liên thông giữa các hệ thống, hướng đến hình thành kênh giao tiếp hành chính duy nhất của Chính quyền với Người dân và Doanh nghiệp; kiểm tra, rà soát và đánh giá, hoàn thiện việc cung cấp thông tin về thủ tục hành chính trên các cổng, trang thông tin điện tử thành phần của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh; nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành đảm bảo liên thông với hệ thống một cửa điện tử;…
- Giai đoạn 2 (từ năm 2021): Phát triển, tăng cường việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ phục vụ công tác quản lý và điều hành trên thiết bị di động, thiết bị thông minh; nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện hệ thống nền tảng tích hợp LGSP của tỉnh đảm bảo cho phép lưu trữ, xử lý và chia sẻ thông tin, dữ liệu phi cấu trúc, bán cấu trúc hoặc nguồn dữ liệu khác; thuê dịch vụ CNTT hoặc phát triển hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ giám sát quy trình nghiệp vụ, luồng nghiệp vụ hoặc giám sát an ninh, vận hành hệ thống của Trung tâm NOC/SOC cho tỉnh Bình Dương….
Kiến trúc chính quyền điện tử được áp dụng cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương gồm: Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, tổ chức khác có thể tham khảo để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Minh Thanh