Kinh nghiệm viết bài báo khoa học và hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành hóa học tại trường Đại học Thủ Dầu Một
Phạm Văn Thế, Phạm Đình Dũ, Phạm Ngọc Hoài
Phòng Quản Lý Phát triển khoa học và công nghệ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Viện Phát triển Ứng dụng, Trường Đại học Thủ Dầu Một
Tóm tắt
Bài viết này trình bày sơ lược về cấu trúc thông thường của một bài báo khoa học, và một số kinh nghiệm trong quá trình viết và công bố một bài báo khoa học. Các hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Hóa học tại trường Đại học Thủ Dầu Một giai đoạn 2016 - 2020 cũng được thống kê và phân tích nhằm đánh giá chất lượng đào tạo của Nhà trường đối với ngành Hóa học.
1. Đặt vấn đề
Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong trường đại học. Để đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học của một trường đại học, một tiêu chí rất quan trọng là số lượng và chất lượng các bài báo quốc tế (BBQT) của các giảng viên được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Tuy nhiên, các nhà khoa học, nghiên cứu, đặc biệt là giáo viên các trường Đại học, gặp rất nhiều khó khăn trong việc viết và công bố bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế.
NCKH cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng Giáo dục - Đào tạo. Việc giáo viên, sinh viên Nhà trường tích cực tham gia các hoạt động NCKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ phần trăm hoạt động khoa học và công nghệ chiếm khá lớn trong tiêu chí xếp hạng các trường đại học.
Trong phạm vi bài viết này, các tác giả đưa ra một số kinh nghiệm để viết và công bố bài báo khoa học nói chung, và bài báo khoa học quốc tế nói riêng. Đồng thời, phân tích và đánh giá một số hoạt động NCKH đối với giáo và sinh viên ngành Hóa học tại trường Đại học Thủ Dầu Một giai đoạn 2016 - 2020.
2. Kinh nghiệm viết và công bố một bài báo khoa học
2. 1. Cấu trúc thông thường một bài báo khoa học
Theo Nhà xuất bản Nature [1] thì một bài báo khoa học thường có cấu trúc như sau: phần đầu là phần Giới thiệu, tiếp đến là phần Vật liệu và Phương pháp, tiếp nữa là phần Kết quả và
Thảo luận, và cuối cùng là phần “Kết luận”. Trong đó phần chính của bài báo bao gồm là hai mục giữa, tạo thành thân của bài báo (Sơ đồ 1).
Trong một số tạp chí, phần “Vật liệu và Phương pháp” được đặt trong phần phụ lục, vì nhiều độc giả không muốn xem phần này đầu tiên do nó nhàm chán. Phần “Kết quả và Thảo luận” đôi cũng được đặt thành các mục riêng, tuy nhiên nó thường kết hợp với nhau thành một mục thống nhất, bởi vì người đọc ít khi có thể hiểu kết quả mà không có giải thích kèm theo - họ cần được biết ý nghĩa của kết quả đó [1].
2.2. Viết phần Giới thiệu như thế nào
Phần Giới thiệu là một phần rất quan trọng của một bài báo khoa học. Tính mới, tính sáng tạo và ý nghĩa của nghiên cứu sẽ được thể hiện trong phần này. Do đó, nếu viết không tốt thì bài báo có thể bị loại ngay khi mà biên tập, hoặc phản biện chỉ đọc đến đây. Theo Nature [1] thì phần Giới thiệu nên đưa ra được 4 ý trong 4 đoạn văn như sau:
- Đoạn đầu cung cấp một số ngữ cảnh để kể cả người không chuyên về lĩnh vực của mình làm quen với chủ đề của bài báo và thấy được tầm quan trọng của công việc nghiên cứu này.
- Đoạn hai nêu ra vấn đề cần phải giải quyết nhằm làm hài lòng cộng đồng khoa học về vấn đề đang tranh cãi đó.
- Đoạn thứ ba cho biết bạn đã làm gì trong nỗ lực giải quyết vấn đề đó.
- Đoạn cuối cùng chuẩn bị tinh thần cho người đọc về cấu trúc và các mục tiêu của bài báo.
Đoạn đầu tiên cần phải giới thiệu một ngữ cảnh rộng, sau đó thu hẹp lại đến đối tượng nghiên cứu của mình. Vì vậy, phải đưa một thực tế rằng hiện tượng/nội dung đó chưa có ai nghiên cứu và cần thiết phải nghiên cứu. Trong phần này có thể đưa ra các dấu mốc lịch sử nhằm khơi gợi sự quan tâm của người đọc như “trong 50 năm qua”, hay “kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước”. Tiếp theo là đưa ra vấn đề mà cộng đồng khoa học quan tâm và những tương phản thực tế đó bằng việc sử dụng các cụm từ như “tuy nhiên” hoặc “không may là”. Cuối cùng là đưa ra mục tiêu nghiên cứu của mình và những nỗ lực để hoàn thành nó. Các cụm từ mang tính khẳng định, và động từ trong quá khứ sẽ tạo được ấn tượng cho độc giả. Ví dụ có thể dùng các cụm từ “Để xác nhận vấn đề đó”, “Để có cái nhìn chính xác hơn”, “Để đánh giá xem liệu … có đúng như vậy không”, “Chúng tôi đã nghiên cứu”, “đã thử nghiệm”, “đã điều tra”, “đã phát triển”.
Sơ đồ 1. Cấu trúc thông thường của một bài báo khoa học
2.3. Viết phần chính của bài báo khoa học như thế nào
Phần Vật liệu và Phương pháp cần phải áp dụng theo quy trình chuẩn, nếu có sự sáng tạo thì nên đề cập ngay trong đoạn đầu. Ngoài ra có thể sử dụng bảng hay sơ đồ nhằm tạo thêm hứng thú cho độc giả [1]. Việc thiếu sót hoặc kém về thiết kế nghiên cứu cũng là một lỗi thông thường trong bản thảo bị loại.
Phần Kết quả và Thảo luận thường được gộp chung thành một mục thống nhất vì người đọc cần được giải thích kết quả nghiên cứu đó có ý nghĩa gì [1]. Các kết quả nghiên cứu và thảo luận đi kèm nên diễn giải theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng. Đồng thời so sánh kết quả nghiên cứu của mình với các các nghiên cứu khác để xem chúng có nhất quán hay không, nếu không thì thảo luận về lý do cho sự khác biệt đó [2].
2.4. Phần Kết luận viết như thế nào
Phần Kết luận với mục đích diễn giải những phát hiện của mình ở mức độ trừu tượng cao hơn, ý nghĩa của chúng và liệu có đáp ứng được những vấn đề đã đưa ra trong phần Giới thiệu hay không [1]. Vì vậy cần phải làm nổi bật kết quả để không chỉ những người nghiên cứu cùng ngành thấy ý nghĩa, mà nó còn ý nghĩa cả với những nhà nghiên cứu khác ngành hoặc công chúng.
Trong phần này cũng nên đề cập đến những kết quả nào không thể kết luận và giải thích chúng tốt nhất có thể. Bên cạnh đó tác giả nên đưa ra những hạn chế của nghiên cứu, mặc dù nhiều tác giả thấy khó khăn khi viết chúng ra. Tuy nhiên, điều này lại cho độc giả thấy rằng tác giả thực sự hiểu rõ nghiên cứu của mình và có một cái nhìn khách quan về nó [2]. Thêm vào đó có thể đề xuất các thử nghiệm bổ sung để làm rõ hơn các kết quả đó, hoặc đề xuất các hướng nghiên cứu mở rộng trong tương lai.
Nếu phần Kết luận cực kỳ súc tích thì cũng không nên kéo dài, vì Kết luận ngắn sẽ gây được ấn tượng hơn cho độc giả. Ngoài ra cũng có thể đưa ra những định hướng cho nghiên cứu tiếp theo của bản thân nhằm tiếp tục hoặc mở rộng chủ đề, hoặc mời gọi như sử dụng các cụm từ “Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ làm …” hoặc “Một câu hỏi còn lại là …” [1].
2.5. Cách viết Tiêu đề, và Tóm tắt của bài báo khoa học ấn tượng
Thông thường thì Tiêu đề của bài báo khoa học được viết đầu tiên, vì vậy hãy chọn một tiêu đề đơn giản nói về nội dung nghiên cứu của mình muốn trình bày, sau khi hoàn thiện bản thảo thì hãy sửa lại tiêu đề để cho nó thực sự ấn tượng với người đọc. Theo Helen Eassom (2017) [3] thì tiêu đề nên bao gồm trong khoảng 10-20 từ, không nên quá dài cũng không nên quá ngắn. Ví dụ tiêu đề “Biến đổi khí hậu ở tỉnh Thái Bình” là quá rộng và không nói lên được nội dung nghiên cứu của bài báo. Còn tiêu đề “Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến một số hệ sinh thái ven biển tỉnh Thái Bình và khả năng ứng phó” lại quá dài và mang những từ thừa. Không nên sử dụng các từ không đóng góp được gì cho bối cảnh, nội dung bài báo như “Một nghiên cứu về”, hay “Một cuộc điều tra, khảo sát về”. Do đó, ví dụ về 2 tiêu đề trên có thể sửa thành “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến một số hệ sinh thái ven biển tỉnh Thái Bình”. Tiêu đề sau chứa nhiều nội dung, từ khóa hơn và đủ để thu hút độc giả. Tiêu đề bài báo nghiên cứu giống như một đoạn tóm tắt ngắn nhằm cung cấp, giải thích ngắn gọn về nội dung trước khi đi sâu vào chi tiết, cụ thể.
Một phần rất quan trọng của bài báo khoa học đó là phần Tóm tắt. Theo Từ điển Học thuật Cambridge thì “Tóm tắt” (Abstract) là “một vài câu đưa ra các ý chính trong một bài báo hoặc một bài báo khoa học”. Theo Nhà xuất bản Taylor & Francis [4] thì phần Tóm tắt nên bao gồm 3 nội dung chính: Nghiên cứu của bạn là gì; Những phương pháp nào đã được sử dụng; và Những gì bạn đã tìm ra. Đây là một mục rất quan trọng, thường bao gồm từ 100 đến 200 từ, vì vậy cần phải viết trau chuốt để người đọc nhanh chóng quyết định có xem tiếp nội dung hoặc trích dẫn bài báo của mình hay không. Từ ngữ trong mục này phải hoàn toàn chính xác với nội dung, không nên đưa giới thiệu hoặc thảo luận vào đây, cũng không nên dùng các từ viết tắt, thuật ngữ chuyên sâu hay tài liệu tham khảo. Vì vậy cần phải viết một bản tóm tắt ngắn gọn và có ý nghĩa, bao gồm các từ khóa (keywords) xuyên suốt nhưng dòng văn vẫn trôi chảy, mạch lạc.
2.6. Những lỗi thường gặp khi một bài báo khoa học bị loại
Theo Editage Insights [5] thống kê thì có 8 lỗi thông thường mà các bản thảo mắc phải dẫn đến bị loại bởi tạp chí (Bảng 1). Đây là những lỗi thông thường nhất mà có thể khắc phục nhanh được. Vì vậy trước khi gửi một bản thảo lên tạp chí, tác giả nên kiểm tra lại các lỗi này để bản thảo có cơ hội được xuất bản.
Bảng 1. Tám lỗi thông thường của một bản thảo bị loại
Các lỗi thông thường
|
|
Việc cần làm
|
Bản thảo không đáp ứng mục tiêu của tạp chí
|
1
|
Tìm một tạp chí phù hợp với nội dung của bản thảo
|
Kém về tính sáng tạo, tính mới, và ý nghĩa
|
2
|
Cần chắc chắn kết quả nghiên cứu có thể khái quát hóa và/hoặc có ý nghĩa thực tế, lâm sàng hoặc lý thuyết
|
Thiếu sót về thiết kế nghiên cứu, hoặc đưa ra câu hỏi nghiên cứu kém
|
3
|
Xem lại tổng quan các tài liệu tham khảo để lựa chon phương pháp tốt nhất
|
Viết và bố cục kém
|
4
|
Theo hướng dẫn về định dạng và cấu trúc của tạp chí
|
Vấn đề ngôn ngữ và chính tả
|
5
|
Tránh dùng biệt ngữ, viết đơn giản, rõ ràng và kiểm tra lỗi chính tả
|
Minh họa yếu
|
6
|
Cần chắc chắn đã mô tả và cung cấp chính xác các bảng biểu, sơ đồ, đồ thị và hình ảnh minh họa
|
Trùng lặp, đạo văn
|
7
|
Tránh đạo văn, tuân theo hướng dẫn về đạo đức công bố
|
Mẫu văn bản không theo hướng dẫn của tạp chí
|
8
|
Cần phải đọc, hiểu và làm theo tất cả các hướng dẫn của tạp chí
|
3. Hoạt động NCKH của ngành Hóa học tại trường Đại học Thủ Dầu Một giai đoạn 2016-2020
Trong những năm qua, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã thực hiện đồng bộ các quy chế, quy định trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động NCKH với cơ chế chính sách phù hợp (thể hiện qua các văn bản chính sách đã được ban hành [6-9]), và sự đầu tư cơ sở vật chất, cũng như sự nỗ lực của các giáo viên, giai đoạn 2016 - 2020 hoạt động NCKH của giáo viên chương trình Hóa học (CTHH) đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, kết quả thống kê số lượng bài báo đã được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín được thể hiện trong Hình 1. Qua Hình 1 ta thấy, số lượng BBQT tăng rất nhanh trong giai đoạn từ 2016 (không có bài nào) đến 2019 (hơn 0,8 bài/ giáo viên), và có sự giảm nhẹ đến năm 2020 (0,75 bài/ giáo viên). Trong giai đoạn 2018-2020, đã có một số BBQT mà giáo viên thuộc CTHH là tác giả chính. Điều đó đã chứng minh được chất lượng của giáo viên trong hoạt động NCKH.
Hình 1. Thống kê số lượng bài báo quốc tế của các giáo viên thuộc CTHH
Song song với hoạt động NCKH của giáo viên thì hoạt động NCKH của sinh viên cũng có nhiều biến đổi. Số lượng đề tài NCKH sinh viên, cũng như số lượng sinh viên tham gia NCKH, thuộc CTHH được thống kê và trình bày ở Hình 2. Ta thấy, tỷ lệ số đề tài NCKH sinh viên/ giáo viên (Hình 2a) giai đoạn 2016-2020 biến đổi tương tự như đồ thị thống kê tỷ lệ số BBQT/ giáo viên (Hình 1), tỷ lệ số lượng đề tài NCKH sinh viên/ giáo viên tăng rất nhanh trong giai đoạn từ 2016 (khoảng 0,5 đề tài/ giáo viên) đến 2019 (hơn 1,6 đề tài/ giáo viên), và có sự giảm nhẹ đến năm 2020 (khoảng 1,3 đề tài/ giáo viên). Điều này chỉ ra rằng có một mối quan hệ nào đó giữa hoạt động NCKH của giáo viên và sinh viên. Tức là, nếu giáo viên công bố nhiều bài báo khoa học, trong đó có BBQT, thì những hoạt động NCKH của giáo viên phải được tăng cường, điều đó đã kéo theo sự tăng cường hoạt động NCKH của sinh viên (dưới sự hướng dẫn của giáo viên). Và chính các hoạt động NCKH này đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo trong Nhà trường.
Hình 2b cho thấy tỷ lệ số đề tài NCKH sinh viên/ tổng số sinh viên có sự tăng mạnh từ ~2,5% (giai đoạn 2016-2017) đến ~5,1% và ổn định trong những năm gần đây (giai đoạn 2018-2020). Tuy nhiên, số lượng sinh viên tham gia NCKH có nhiều biến động, tỷ lệ sinh viên tham gia NCKH/ tổng số sinh viên chỉ đạt được 7,1-7,4% (giai đoạn 2016 - 2017), năm 2018 tỷ lệ này tăng mạnh và đạt được 19,6%, sau đó giảm xuống còn 17,1-15,1% (giai đoạn 2019-2020). Nguyên nhân của sự giảm nhẹ số lượng sinh viên tham gia NCKH trong những năm gần đây có lẽ là do sự giảm số lượng sinh viên đầu vào của ngành.
Tóm lại, các số liệu về hoạt động NCKH của giáo viên và sinh viên ở trên đã phần nào chứng minh được mối tương quan giữa NCKH đối với chất lượng đào tạo ngành Hóa học tại trường Đại học Thủ Dầu Một nói riêng và trong các cơ sở đào tạo nói chung. Và có thể nói rằng hoạt động NCKH không thể tách rời khỏi hoạt động đào tạo.
(a)
(b)
Hình 2. Thống kê số lượng đề tài NCKH sinh viên thuộc CTHH: a) Tỉ lệ số đề tài NCKH SV/ GV; b) Tỉ lệ đề tài NCKH SV (hoặc số SV tham gia NCKH)/ tổng số SV
4. Kết luận
Hoạt động NCKH là một lĩnh vực rất tốt để giáo viên tự khẳng định mình. Thông qua đó giáo viên có thể thấy được những hạn chế trong tri thức để kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh kiến thức phục vụ tốt nhiệm vụ giảng dạy gắn liền với NCKH. Để nâng cao số lượng và chất lượng các công bố khoa học quốc tế, cũng như các hoạt động NCKH khác, mỗi giáo viên phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động NCKH, phải gắn kết giữa công tác giảng dạy với NCKH. Trên cơ sở đó, đề ra kế hoạch nghiên cứu kết hợp với công tác hướng dẫn NCKH cho sinh viên, học viên sau đại học, tham gia đóng góp ý kiến để hoạt động NCKH ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn nữa.
Tài liệu tham khảo
2. Discussion and Conclusions < https://www.springer.com/gp/authors-editors/authorandreviewertutorials/writing-a-journal-manuscript/discussion-and-conclusions/10285528>
3. Helen Eassom, 2017. What Makes a Good Research Article Title? <https://www.wiley.com/network/researchers/preparing-your-article/what-makes-a-good-research-article-title>
4. Using keywords to write your title and abstract <https://authorservices.taylorandfrancis.com/publishing-your-research/writing-your-paper/using-keywords-to-write-title-and-abstract/>
5. Editage Insights. Eight reasons why journals reject manuscripts <https://www.editage.com/insights/8-reasons-why-journals-reject-manuscripts>
6. Quyết định số 03/QĐ-HĐTr về việc “Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ Dầu Một đến năm 2030 - Lĩnh vực: Khoa học và Công nghệ”, Trường Đại học Thủ Dầu Một ban hành ngày 22 tháng 01 năm 2019.
7. Quyết định số 767/QĐ-ĐHTDM về việc “Quy định định mức kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở của Trường Đại học Thủ Dầu Một”, Trường Đại học Thủ Dầu Một ban hành ngày 10 tháng 5 năm 2019.
8. Quyết định số 13/QĐ-HĐTr về việc “Ban hành mức chi cho một số hoạt động khoa học và công nghệ”, Trường Đại học Thủ Dầu Một ban hành ngày 11 tháng 6 năm 2020.
9. Văn bản số 72/ĐHTDM-HĐTr(KH) về việc “Quy định về đặt hàng, giao nhiệm vụ, mua sản phẩm khoa học công nghệ”, Trường Đại học Thủ Dầu Một ban hành ngày 11 tháng 9 năm 2020.