Kinh tế số: Chính sách và thành tựu mang lại
Nền kinh tế số đang ngày càng khẳng định vai trò là một động lực cốt lõi của tăng trưởng toàn cầu. Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển.
Theo nhóm cộng tác kinh tế số Oxford, Kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng.
Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngày những biểu hiện của công nghệ số xuất hiện ở bất cứ đâu trong đời sống như các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển, giao nhận… cũng tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho khách hàng. Nhưng ở tầm vĩ mô hơn, kinh tế số cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu.
Chính sách hướng tới phát triển nền kinh tế số
Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” với quan điểm: “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp...”. Nghị quyết này được ban hành, tiếp tục khẳng định sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng đối với công tác ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, khẳng định vị trí, vai trò của công nghệ thông tin trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Những định hướng, tư tưởng, giải pháp lớn trong Nghiệ quyết là tiền đề quan trọng để công nghệ thông tin Việt Nam phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn. Có thể nói, Nghị quyết số 36-NQ/TW là văn bản mang tầm chiến lược, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển công nghệ thông tin của nước ta cho đến hôm nay.
Luật Công nghệ cao được ban hành năm 2019 làm khung pháp lý cho huy động các nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về đất đai, thuế và ưu đãi khác cho hoạt động công nghệ cao; đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong hệ thống cung ứng toàn cầu; tập trung đầu tư phát triển nhân lực công nghệ cao đạt trình độ khu vực và quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước; khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 với 3 chương trình thành phần, gồm Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; sản xuất sản phẩm, hình thành doanh nghiệp và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về vấn đề này: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế số; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0; khơi thông nguồn lực, phát triển bứt phá hạ tầng viễn thông, Internet băng thông rộng và mạng di động 5G; xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia…
Trong Chỉ thị số 01/CT-TTg tháng 1/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nêu rõ dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy sâu, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật,....), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử… các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam” với hàm ý “Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới”. Những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045...
Trong Chỉ thị số 01/CT-BTTTT, ngày 11/01/2021 về định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận định, trong giai đoạn vừa qua, đã xuất hiện một không gian sống mới trong xã hội loài người - không gian số. Sự dịch chuyển các hoạt động của con người từ thế giới thực sang thế giới ảo là một trong những sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Sự dịch chuyển này sẽ làm xuất hiện nhiều thách thức và tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới, sẽ mang đến sứ mệnh mới, không gian phát triển mới, tạo ra năng lượng mới, cách tiếp cận mới. Trong sự chuyển đổi này, Công nghệ số, Chuyển đổi số, Báo chí, Truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng và là sứ mệnh to lớn của ngành TTTT để hỗ trợ tạo nên niềm tin, thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội. Năm 2021 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, toàn dân và toàn diện, với phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, với quyết tâm việc 5 năm làm trong 1 năm, để góp phần làm cho Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Thành tựu một số ngành nghề nổi bật
Theo Báo cáo kinh tế số của Diễn dàn thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), năm 2019 kinh tế số ICT/VT đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số internet/nền tảng đóng góp 15,5% GDP toàn cầu. Con số tương ứng tại nước Mỹ là 6,9% và 21,6% GDP và tại Trung Quốc là 6% và 30% GDP. Một nghiên cứu của Microsoft cũng chỉ ra rằng kinh tế số đóng góp cho GDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 khoảng 6%, năm 2019 khoảng 25% và năm 2021 là khoảng 60% GDP.
Nền kinh tế số Việt nam đang trên đà bùng nổ và trở thành thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai tại Đông Nam Á sau Indonesia. Năm 2019, giá trị nền kinh tế số đạt 12 tỷ dô la Mỹ với mức tăng trưởng trung bình đạt 38% một năm kể từ năm 2015 và dự kiến sẽ đạt 43 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 (e-Economy Southeast Asia Report 2019 by Google). Năm 2019, ước tính khoảng 62 triệu người Việt online và thời gian sử dụng internet trên thiết bị thông minh trung bình khoảng 3 tiếng 12 phút mỗi ngày. Việt Nam hướng tới mở rộng nền kinh tế sosos, đạt khoảng 20% giá trị GDP vào năm 2025. Giãn cách xã hội và phong tỏa trong thời kỳ covid-19 đã thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số để giảm thiểu tác động gián đoạn tiêu cực của đại dịch tới kinh doanh và đời sống xã hội.
Theo báo váo của “e-Conomy SEA 2019”, Việt Nam là một trong những nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ 38% một năm. Theo đó, khu vực số được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 30% GDP vào năm 2030. Kinh tế số Việt Nam năm 2019đạt giá trị 12 tỷ đo la Mỹ, đóng góp 5% GDP của đất nước, cao gấp 4 lần năm 2015.
Theo số liệu báo cáo qua các năm của Bộ Thông tin truyền thông cho thấy, tổng doanh thu ngành công nghệ thông tin và truyền thông năm 2019 ước tính đạt 112.350 tỷ đo la Mỹ, bao gồm 81,5% cho xuất khẩu công nghệ thông tin và truyền thông; năm 2020, tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT cũng có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm, đạt hơn 120 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần sau 5 năm. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp công nghệ số cũng đạt được sự tăng trưởng tương tự, tăng gấp 2 lần, với 58 nghìn doanh nghiệp năm 2020 trong khi năm 2016 chỉ có 24.500 doanh nghiệp. Trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, chỉ riêng trong năm 2020, số cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn an ninh mạng theo mô hình 4 lớp tăng từ 0 lên 100%. Tỷ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa tăng gần 7 lần, đạt gần 91% so với mức 13,6% năm 2016.
Và trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 66,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ Internet di động có sự cải thiện tương đối rõ rệt, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 65 tỷ USD tăng trưởng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số doanh nghiệp công nghệ số là 61.359. Số lượng DNCNS 6 tháng đầu năm 2021 so với 6 tháng đầu năm 2020 tăng 20,11%.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, là một trong những ngành phát triển nhất của nền kinh tế số Việt Nam. Theo Cơ quan Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin Việt Nam (VECITA), thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng trưởng 35% mỗi năm - nhanh hơn 2,5 lần so với Nhật Bản. Doanh thu bán lẻ trực tuyến của Việt Nam đạt 6,2 tỷ đo la Mỹ năm 2017, cao cấp đôi so với năm 2014.
Doanh thu thương mại điện điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016, đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.
Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm 2020 khoảng 49,3 triệu người với giá trị mua sắm mỗi người trung bình khoảng 240 USD. Tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến năm 2020 ở Việt Nam chiếm 88%, trong khi đó năm 2019 là 77%.
Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, doanh thu các ngành khác cũng được tăng lên nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, giới thiệu sản phẩm như giao thông vận tải, du lịch, y tế… đặc biệt, với sự tác động của covid-19, nhiều cuộc họp và hội nghị bắt buộc chuyển từ phương pháp trực tiếp sang sử dụng các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến như Zoom, Skype, Google Hangout… đại dịch cũng tác động đến xu hướng người tiêu dùng chuyển từ giao dịch trực tiếp sang mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử… Với sự hỗ trợ của công nghệ, doanh thu thương mại điện tử tang mạnh trong giai đoạn đại dịch. Để đối phó với tác động của đại dịch, các doanh nghiệp Việt Nam đang ứng dụng công nghệ cao để giao tiếp hiệu quả với khác hàng và người lao động. Theo khảo sáy của Tổng cục Thống kê trên 126.565 doanh nghiệp, một trong những biện pháp được họ thực hiện để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch covid-19 là thúc đẩy thương mại điện tử.
Ngọc Trang