Kinh tế tập thể tỉnh Bình Dương: Áp dụng khoa học và công nghệ, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
Trong thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực kinh tế tập thể vẫn duy trì và phát triển, nhiều tổ hợp tác (THT), HTX làm ăn có hiệu quả, các HTX đều bảo đảm đầy đủ các nguyên tắc theo Luật HTX, huy động được nguồn lực, đa dạng hóa ngành nghề, chủ động góp vốn đầu tư đổi mới công nghệ, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, mở rộng quy mô tạo thêm sản phẩm mới, liên kết với các thành phần kinh tế, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để phát triển sản xuất - kinh doanh đem lại hiệu quả cho HTX, xã viên, giải quyết thêm việc làm cho người lao động...
Giai đoạn 2016 - 2020, KTTT, HTX phát triển về số lượng, phương thức hoạt động, quy mô của HTX và phạm vi hoạt động của HTX; góp phần tăng khả năng cạnh tranh, chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, hầu hết HTX làm ăn đều có lãi, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; thu nhập, đời sống thành viên, người lao động hàng năm đều tăng lên.
Tính đến 30/6/2020, toàn tỉnh hiện có 130 THT với 1.258 thành viên, vốn hoạt động 40,2 tỷ đồng; có 187 HTX (đều hoạt động theo Luật HTX năm 2012) với 30.380 thành viên, vốn điều lệ hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, số HTX ở từng lĩnh vực như sau: Vận tải: 50 HTX, Nông nghiệp: 54 HTX, TTCN: 13 HTX, Xây dựng: 11 HTX, Thương mại - dịch vụ: 28 HTX, Môi trường: 21 HTX và 10 quỹ tín dụng nhân dân.
Trong giai đoạn này, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho HTX như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiến thức quản lý, điều hành HTX; nghiệp vụ kiểm soát, nghiệp vụ kế toán, thuế; hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX; chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chính sách ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới; Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; Chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội...
Về chính sách ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới, trong giai đoạn này Tỉnh đã xây dựng các đề tài cấp Quốc gia, cấp tỉnh nhằm hỗ trợ KTTT phát triển bền vững như: đề tài Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Sơn mài Bình Dương”; đề tài Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”, “Măng cụt Lái Thiêu”; đề tài Phát triển du lịch sinh thái và làng nghề Bình Dương... Hỗ trợ triển khai xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015 cho 05 HTX; Mã số - Mã vạch hàng hóa cho 05 HTX; Hướng dẫn đăng ký lập quyền về nhãn hiệu hàng hóa cho 03 HTX.
Phối hợp cùng với Sở Khoa học và Công nghệ xét duyệt dự án ứng dụng khoa học và công nghệ, giải quyết cho 02 HTX (HTX Chăn nuôi Tâm Phát, HTX Cao su Nhật Hưng) được vay vốn ưu đãi 6 tỷ 900 triệu đồng để đầu tư ứng dụng dây chuyền sản xuất; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm kinh doanh VNPT - Bình Dương đã hỗ trợ 50% kinh phí in 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm QR-Code cho 04 HTX.
Có thể nói, trong giai đoạn 2016-2020, Kinh tế tập thể tỉnh Bình Dương đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, quy mô của HTX được thể hiện qua số lượng thành viên và phạm vi hoạt động của HTX; số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều, đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh cũng như chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu…
Khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các địa phương đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy thành lập và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX.
Môi trường đầu tư kinh doanh của khu vực HTX được cải thiện rõ rệt; chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX được trung ương và địa phương quan tâm và dành nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả như: chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho HTX; chính sách tiếp cận vốn và ưu đãi về tín dụng; hỗ trợ thành lập mới; về hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ chế biến sản phẩm...
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Khu vực KTTT chưa thật sự hấp dẫn đối với người lao động và nhân dân; việc phát triển các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng như các tổ, nhóm liên kết, các câu lạc bộ còn hạn chế…; năng lực nội tại ở một số HTX còn yếu kém, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều; trong quá trình chuyển đổi và phát triển cũng còn một số HTX chưa đảm bảo đầy đủ các tính chất và nguyên tắc hoạt động theo Luật HTX; Ðội ngũ cán bộ của nhiều hợp tác xã còn yếu, ngại đi bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức quản lý kinh tế thị trường...
Từ những khó khăn, hạn chế trong giai đoạn vừa qua, KTTT đã tìm được những kinh nghiệm quý báu và đưa những định hướng cụ thể cho giai đoạn tiếp theo: Phải có sự thống nhất trong triển khai, quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ từ trong Đảng đến chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp và quần chúng nhân dân; từ đó tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân về tính tất yếu, vai trò vị trí của việc đổi mới phát triển KTTT là hết sức cần thiết trong những năm trước mắt và cả về lâu dài.
Triển khai phải quyết liệt; đội ngũ cán bộ làm công tác KTTT phải có năng lực chỉ đạo, điều hành, nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc; tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm kinh tế tập thể, nhất là cán bộ chủ chốt HTX, THT cho cả hiện tại và tương lai; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hàng năm để có sự điều chỉnh, bổ sung, uốn nắn phù hợp tình hình thực tế theo từng thời kỳ...
Trong giai đoạn tiếp theo (2021-2025), với bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khu vực KTTT, HTX sẽ có nhiều cơ hội phát triển, song cũng đối diện với nhiều thách thức đòi hỏi Nhà nước, cũng như cộng đồng HTX phải có một tư duy mới, cách nhìn mới và có các giải pháp nhằm phát triển HTX một cách bền vững. Thực tiễn phát triển, cũng như nhiều nghiên cứu gần đây trên thế giới về HTX cho thấy, khu vực HTX trong thời đại công nghiệp 4.0 và trong thời đại toàn cầu hoá không những không giảm đi, ngược lại còn tăng lên. Khu vực này một mặt cần phải tự thay đổi thích nghi với điều kiện mới, mặt khác cần đảm nhận thêm các chức năng mới trong một nền kinh tế và một xã hội được toàn cầu hoá không chỉ có cơ hội mà còn có nhiều thách thức mới, to lớn, nhất là về mặt xã hội và môi trường.
Cùng với định hướng khuyến khích phát triển KTTT với các ngành nghề, lĩnh vực, trong phạm vi toàn tỉnh cùng các hình thức mở rộng quy mô thành viên, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên... thực sự là một tổ chức tự nguyện của thành viên, dựa trên nền tảng thành viên, kinh tế thành viên, một mặt khuyến khích hợp tác giữa thành viên theo tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển, mặt khác tôn trọng cá nhân thành viên, phát huy cao vai trò cá nhân của thành viên, kinh tế thành viên HTX.
KTTT sẽ là cầu nối hiệu quả giữa nông dân và thị trường, giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, giữa sản xuất quy mô nhỏ và quy mô lớn, giữa truyền thống và hiện đại, giúp người nông dân cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tạo công ăn việc làm ở khu vực nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách thành thị - nông thôn. Đồng thời, HTX góp phần giúp doanh nghiệp và các tổ chức thành viên của mình nâng cao sức cạnh tranh, không chỉ đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội một cách hiệu quả mà luôn cả từng thành viên riêng lẻ và người lao động.
Ngọc Trang