Kinh tế trang trại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Phú Giáo là một huyện thuần nông nghiệp còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng chính quyền và nhân dân đã đoàn kết và tìm ra các giải pháp đưa Phú Giáo từng bước đi lên.
Từ đó, nền kinh tế trang trại Phú Giáo đã phát triển mạnh mẽ. Đối với lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, hàng trăm trang trại tư nhân ra đời, bắt đầu chuyển sang nền kinh tế hàng hóa theo hướng sản xuất lớn. Đó là một trong những thành tựu to lớn của địa phương trên bước đường xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh, đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Đến nay, toàn huyện Phú Giáo có hơn 500 trang trại chăn nuôi, trồng trọt, tạo lợi thế đưa nền nông nghiệp của huyện đi theo hướng sản xuất lớn với các loại hình trang trại chủ yếu như: Trang trại trồng cây lâu năm (cao su, cây ăn trái,…), trồng rừng, chăn nuôi, trồng trọt và trang trại kinh doanh tổng hợp. Bên cạnh một số trang trại đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thì vẫn còn một bộ phận khá lớn trang trại còn lúng túng trong việc tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, định hướng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường,…
Với mong muốn nghiên cứu và làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về phát triển kinh tế trang trại và làm căn cứ để xác định các quan điểm và giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại ở Phú Giáo, tác giả Bùi Phú Hoạt đã lựa chọn đề tài “Kinh tế trang trại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương từ năm 2005 đến năm 2015” làm cơ sở cho luận văn nghiên cứu thạc sỹ.
Trang trại là một hình thức tổ chức sản xuất cơ sở trong nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp) mà tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của một người chủ độc lập; sản xuất được tiến hành với quy mô ruộng đất và các yếu tố sản xuất tập trung đủ lớn cùng phương thức tổ chức quản lý sản xuất tiến bộ và trình độ kỹ thuật cao hoạt động tự chủ để sản xuất ra các loại sản phẩm hàng hóa phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường.
Kinh tế trang trại là một loại hình kinh tế phổ biến trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, hình thành và phát triển ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Và loại hình này đã và đang hình thành ở nông nghiệp nông thôn Việt Nam trong những năm gần đây. Đây là hình thức tổ chức kinh tế khơi dậy và phát huy những tiềm năng sẵn có, thích hợp trong việc cơ giới hóa, công nghiệp hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp.
Mục tiêu của đề tài là làm rõ quan niệm, nội dung và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trang trại; Phân tích, đánh giá đúng thực trạng phát triển kinh tế trang trại ở huyện Phú Giáo, Bình Dương (2005 – 2015); đề xuất một số quan điểm cơ bản và những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế trang trại huyện Phú Giáo trong thời gian tới.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tác giả đã tiến hành tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế trang trại huyện Phú Giáo, Bình Dương; Quá trình phát triển kinh tế trang trại huyện Phú Giáo từ năm 2005 - 2015; Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại huyện Phú Giáo, Bình Dương.
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế trang trại nói chung và kinh tế trang trại tại huyện Phú Giáo nói riêng. Qua đó, cung cấp thêm cứ liệu khoa học có ý nghĩa tham khảo và khuyến nghị đối với Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành huyện Phú Giáo trong việc xác định chủ trương, chính sách và các giải pháp phát triển kinh tế trang trại.
Thảo Nguyên