Kinh tế trang trại huyện Phú Giáo tỉnh Bình Dương từ năm 2005 đến năm 2015
Trang trại là một loại hình sản xuất nông nghiệp xuất hiện sớm trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới. Ở Việt Nam, kinh tế trang trại cũng được hình thành và trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng kinh tế trang trại chỉ thật sự trở thành loại hình sản xuất chủ chốt và có vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam từ khi Đảng ta chủ trương thực hiện đường lối đổi mới đất nước sau năm 1986.
Kinh tế trang trại có vai trò rất quan trọng trong khai thác có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời tạo thêm việc làm tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân công lại lao động ở nông thôn, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực tế đó khẳng định tính ưu việt vượt trội của kinh tế trang trại - một hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu của nền nông nghiệp hàng hóa nước ta.
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của Tỉnh Bình Dương nói chung và huyện Phú Giáo nói riêng có sự phát triển khởi sắc, trong đó, kinh tế trang trại đã và đang từng bước khẳng định vai trò vị trí của nó trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Các loại hình trang trại ở Phú Giáo chủ yếu là các trang trại trồng cây lâu năm (Cao su, điều, cây ăn trái,…), trồng rừng, chăn nuôi, trồng trọt và trang trại kinh doanh tổng hợp. Tuy nhiên, kinh tế trang trại ở Phú Giáo phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Bên cạnh một số trang trại đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, còn một bộ phận rất lớn các trang trại còn lúng túng trong việc tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, định hướng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường,… Do đó, tác giả Bùi Phú Hoạt, trường THPT Nguyễn Trãi đã lựa chọn vấn đề “Kinh tế trang trại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương từ năm 2005 đến năm 2015” làm đề tài luận văn thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cho mình.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2005-2010, phát huy những lợi thế sẳn có từ chính sách của địa phương đến thổ nhưỡng cũng như kinh nghiệm sản xuất của người nông dân, kinh tế trang trại Phú giáo không những đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn mà còn đem lại những thay đổi lớn ở nông thôn huyện Phú Giáo. Trong giai đoạn này, Phú Giáo có nhiều loại hình như: trang trại trồng cây lâu năm, trang trại trồng cây hàng năm, trang trại trồng cây lâu năm chiếm ưu thế vượt trội, sau đó là trang trại chăn nuôi và trang trại nông, lâm, thủy sản kết hợp.
Trong gia đoạn 2010-2015, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung triển khai các dự án xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất cây, con giống năng suất cao với các kỹ thuật canh tác mới… đã tạo ra những vùng cung cấp sản phẩm cây trồng, vật nuôi đặc sản phù hợp với thị hiếu và giá trị kinh tế cao. Đặc biệt giai đoạn 2010 - 2015 chứng kiến sự phát triển của các mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với nông nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn này, chỉ tiêu đóng góp của ngành nông, lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện là 38%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng từ 5,5% - 6,5% so với nhiệm kỳ 2005 - 2010.
Kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Phú Giáo thực chất là kinh tế hộ, phát triển với quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng đã huy động được nguồn nội lực trong dân rất lớn về vốn, lao động, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn của huyện.
Kinh tế trang trại đã thu hút và góp phần thúc đẩy công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư ở các địa phương phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Công tác khuyến nông nói chung đã dần đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng ngày càng gần sát với thực tế phát triển kinh tế trang trại của tỉnh. Nhiều chương trình khuyến nông được triển khai nhằm hướng dẫn người dân và các chủ trang trại sử dụng, khai thác hợp lý quỹ đất đai, phòng chống dịch bệnh và tác động bất lợi do thiên tai gây ra,… Bên cạnh đó, với phương châm “đi tắt đón đầu”, hội khuyến nông của tỉnh và các địa phương đã chuyển giao nhiều “công nghệ” trực tiếp cho các chủ trang trại và người dân; vừa triển khai, vừa nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất, kinh doanh trong kinh tế trang trại.
Có thể nói, sự phát triển của kinh tế trang trại huyện Phú Giáo giai đoạn 2005 - 2015 đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Với những điều kiện về thổ nhưỡng, lao động, kinh tế trang trại Phú Giáo đã dần dần khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Nông dân Phú Giáo cũng rất nhạy bén, ham học hỏi, do vậy trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình kinh tế trang trại hiện đại, cho ra đời các sản phẩm có chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Với những chính sách mở và tiềm năng sẵn có, Phú Giáo đã thu hút nhiều nông dân từ Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đến đầu tư vào loại hình kinh tế này. Phát triển kinh tế trang trại không những đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn mà còn đem lại những thay đổi lớn ở nông thôn Phú Giáo.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình phát triển kinh tế trang trại ở Phú Giáo, Bình Dương giai đoạn 2005 - 2015 phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Bên cạnh một số trang trại đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, còn một bộ phận rất lớn các trang trại còn lúng túng trong việc tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, định hướng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường,… Đặc biệt là chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; trình độ quản lý kinh doanh của các chủ trang trại; đầu vào và đầu ra của sản phẩm, đặc biệt là đầu ra,… là loạt vấn đề đã đặt ra và là câu hỏi cần được trả lời thấu đáo, để kinh tế trang trại của huyện Phú Giáo không phải chỉ từ khởi sắc đến phát triển, mà là phát triển hơn nữa và phát triển bền vững.
Ngọc Loan