Kỷ nguyên 4.0: Cơ hội phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Trong thời gian qua, thị trường khoa học công nghệ (KHCN) cả nước nói chung và thị trường KHCN tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển đáng kể, công tác phát triển hệ thống các tổ chức trung gian của thị trường KHCN đã đạt được những kết quả nhất định. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 (CMCN4) đang diễn ra và với vai trò trung tâm, KHCN sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn, đặc biệt là chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.
Cần xây dựng các tổ chức trung gian
Theo đánh giá của Bộ KHCN, để góp phần phát triển thị trường KHCN, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, các Bộ ngành đã tăng cường các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KHCN để thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ. Ngoài ra, môi trường pháp lý cho thị trường KHCN đã đầy đủ.
Theo Bộ KHCN, công nghệ có thể chuyển giao trực tiếp từ bên cung sang bên cầu mà không cần có sự can thiệp của tổ chức trung gian. Tuy nhiên sẽ rất rủi ro cho cả bên cung và cầu công nghệ nếu giao dịch không có bên thứ ba đảm bảo. Với vai trò của tổ chức trung gian là sử dụng uy tín của bên thứ ba (có thể là tổ chức của Nhà nước) để hỗ trợ tạo thuận lợi và đảm bảo cho giao dịch công nghệ hoặc tài sản trí tuệ một cách công khai minh bạch, khách quan. Đồng thời, tổ chức trung gian còn có những chức năng khác như: hỗ trợ định giá công nghệ, tư vấn kỹ thuật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên cung và bên cầu công nghệ.
Ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KHCN) nhấn mạnh, với ý nghĩa quan trong trong việc hình thành và phát triển thi trường KHCN, những mô hình về tổ chức trung gian trên đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trên các lĩnh vực. Một lợi ích khác của tổ chức trung gian là giúp cho cơ quan quản lý nắm bắt được các số liệu về giao dịch công nghệ thông qua sàn, kiểm soát, chọn lọc được công nghệ tốt, loại bỏ các công nghệ lạc hậu không có lợi.
Cũng thông qua số liệu của tổ chức trung gian, có thể đánh giá được xu thế của công nghệ để từ đó có định hướng cho nghiên cứu và phát triển sản xuất. Đặc biệt cuộc CMCN4 đang diễn ra thì cơ hội phát triển thị trường KHCN là rất lớn, không chỉ tiếp nhận các công nghệ tiên tiến mà còn là “kênh” để giới thiệu, đưa các công nghệ do các doanh nghiệp Việt Nam triển khai, đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn ra thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN cũng cho biết, thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh đã được hình thành, các doanh nghiệp (DN) đã tham gia tạo lập thị trường KHCN thông qua việc giới thiệu, chào bán các sản phẩm công nghệ do DN nghiên cứu, triển khai. Về vài trò trung gian, Sở KHCN là đầu mối xác nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào các DN đang hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh. Để đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN, Sở KHCN sẽ tiếp tục là đầu mối xác nhận chuyển giao công nghệ của các DN, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, hỗ trợ cung cấp thông tin về chợ công nghệ và thiết bị (techmart), trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (techdemo), tổ chức ngày hội đầu tư thương mại hoá công nghệ…
Khắc phục vướng mắc
Hiện nay, các các văn bản pháp lý cho phát triển thị trường KHCN đã được ban hành và có hiệu lực thi hành. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ từ các “nguồn” khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Bộ KHCN cho rằng, về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KHCN đã đầy đủ nhưng chưa thực sự hoàn thiện xuất phát từ một số nguyên nhân như một số chủ trương, chính sách, biện pháp thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ đang trong giai đoạn sửa đổi, bổ sung vì vậy cần thêm thời gian để có thể phát huy hiệu quả trên thực tế.
Nhằm phát triển thị trường KHCN của tỉnh phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KHCN, DN KHCN phát triển thì tỉnh Bình Dương cũng tăng cường hỗ trợ chính sách ưu đãi để tăng tiềm lực KHCN trong DN. Hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ trên cơ sở các sáng chế hữu ích, giải pháp kỹ thuật hiện đại; khuyến khích, hỗ trợ các vườn ươm công nghệ, vườn ươm DN tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn tỉnh.
Ông Nam cũng cho rằng, với ý nghĩa quan trong trong việc hình thành và phát triển thi trường KHCN, những mô hình về tổ chức trung gian trên đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong lĩnh vực nông nghiệp để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, nhân rộng những mô hình hiệu quả tại các địa phương và trong khu vực tư nhân sẽ thành công lớn trong quá trình kết hợp các hoạt động xúc tiến giao dịch điện tử với hoạt động truyền thông.
Tuy nhiên trong bối cảnh các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật... phát triển mạnh, cách tiếp cận và phát triển thị trường cũng cần thay đổi. Từ cách thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu, năng lực tiếp thu, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới cũng cần được đặt ra. Đồng thời, cần hình thành mạng lưới tư vấn viên chuyên nghiệp về thương mại hóa, đổi mới công nghệ, đánh giá, định giá, chuyển giao công nghệ. Mạng lưới này có nhiệm vụ giúp bên mua - bán công nghệ hiểu rõ và thực hiện cách thức để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ thuận lợi hơn.
Theo Bộ KHCN, từ năm 2017 - 2018 các cơ quan xây dựng chính sách, tổ chức KHCN, DN, tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học... đã nỗ lực trong hoàn thiện thể chế phát triển thị trường KHCN. Nhờ có Luật Chuyển giao công nghệ, cơ chế hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được xác định. Việc phân chia lợi ích từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hỗ trợ giải mã công nghệ, tạo thuận lợi cho DN trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp cũng có cơ sở để thực hiện.
|
Thái Nhân