Làm giàu từ mô hình nuôi cá dĩa thương phẩm
Hiện nay ở những khu vực đô thị đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp mới tận dụng được diện tích đất nhỏ bé nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nghề nuôi cá Dĩa thương phẩm đang được nhiều hộ gia đình quan tâm phát triển. Đây là mô hình tận dụng được lao động nhàn rỗi và không ô nhiễm môi trường như những ngành chăn nuôi khác.
Chỉ khoảng 400m2 nhưng cơ sở nuôi cá dĩa Tuấn Tú có đến 500 hồ nuôi cá với hàng ngàn con cá dĩa thương phẩm. Những con cá dĩa ở đây có nhiều chủng loại và màu sắc, được chủ nhân lai tạo và chăm sóc cẩn thận. Để có được những dãy hồ cá cảnh thương phẩm này ít ai nghĩ rằng chủ cơ sở - ông Võ Tuấn Kiệt khởi đầu công việc chỉ với 3 hồ cá nhỏ và 1 cặp cá giống vào năm 2003. Bằng sự đam mê, chịu khó học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm từ sách vở, từ những người nuôi cá và các tài liệu trên mạng, Ông đã dần dần tự hoàn thiện quy trình chăm sóc, lai tạo cá Dĩa cho riêng mình.
Mô hình nuôi cá dĩa của cơ sở cá cảnh Tuấn Tú
Ở mỗi hồ cá hiện nay đều được lắp hệ thống thay nước tự động. Nguồn nước sử dụng nuôi cá được kiểm soát chặt chẽ độ PH, còn thức ăn thì chỉ sử dụng tim bò xay nhuyễn và trùn quế. Đây là hai loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng tốt, đồng thời là nguồn thức ăn khoái khẩu của loại cá này. Đến nay cá thương phẩm ở cơ sở Tuấn Tú đã có mặt ở thị trường phía bắc và một số nước châu Á như Singapore, Nhật Bản.
Không như những loại cá cảnh khác, cá Dĩa trong quá trình sinh trưởng chúng có thể sinh sản và cho ra một số lượng lớn cá con. Chính vì vậy, chỉ cần nuôi thành công thì vài cặp cá Dĩa sẽ được nhân giống trở thành nhiều đàn cá. Những loại cá Dĩa thương phẩm hay cá con hiện nay đều có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Võ Tuấn Kiệt - chủ cơ sở Cá cảnh Tuấn Tú - Thủ Dầu Một, mỗi con cá Dĩa khoảng 4 - 7 tháng tuổi là có thể trở thành cá thương phẩm với giá giao động từ 90 ngàn đến vài trăm ngàn một con. Lợi nhuận cao nhưng cũng đòi hỏi quá trình chăm sóc cá phải hết sức cẩn thận tỉ mỉ. Quan trọng hơn là rủi ro do dịch bệnh cũng luôn tiềm ẩn. Chính vì vậy những người nuôi cá dĩa thương phẩm phải là người chịu khó và kiên nhẫn, luôn không ngừng học hỏi thì mới có khả năng thành công.
Cũng ở phường Chánh Nghĩa cơ sở nuôi cá Dĩa của ông Võ Văn Thương có diện tích chỉ 70m2. Với diện tích này Ông thiết kế khoảng 80 hồ để nuôi cá dĩa. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung Tâm Khuyến Nông tỉnh và hội Cá Cảnh Bình Dương, đến nay, những loại cá thương phẩm của ông cũng đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước. Gần 60 tuổi, ông Thương chỉ ở nhà làm công việc gia đình, từ khi đầu tư mô hình nuôi cá dĩa thương phẩm, nó không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình mà còn trở thành một thú vui tao nhã giúp ông khuây khỏa lúc tuổi già.
Hiện tại tỉnh Bình Dương có khoảng 20 cơ sở nuôi cá dĩa thương phẩm. Lượng cá trưởng thành vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy việc nhân rộng mô hình nuôi cá cảnh trong khu vực đô thị đang được các địa phương quan tâm. Trung Tâm khuyến nông tỉnh Bình Dương đang cử các cán bộ kỹ thuật hỗ trợ các phương pháp kiểm soát dịch bệnh, nhân giống.... Bên cạnh đó, Trung Tâm cũng đang xúc tiến giới thiệu các loại cá thương phẩm ra nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.
Mong rằng,những người lao động đô thị nhàn rỗi ở Bình Dương sẽ cải thiện đời sống và hướng đến làm giàu thông qua mô hình nuôi cá dĩa thương phẩm này.
Huỳnh Thanh BTV