Một số giải pháp nạo vét lòng cống
Tiêu thoát nước kém là một trong những nguyên nhân gây nên ngập lụt sau mưa tại các thành phố lớn. Hệ thống thoát nước ở nhiều đô thị hiện nay có chức năng hai trong một, có nghĩa là hệ thống thoát nước chung cho nước mưa và nước thải. Các vấn đề về thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường hiện tồn tại ở tất cả các đô thị của Việt Nam.
Không những vậy, hệ thống thoát nước được xây dựng qua nhiều giai đoạn, chắp vá do xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu thoát nước mưa chống ngập úng cho các đô thị. Từ thực trạng này, ngoài các biện pháp tiêu thoát nước như khơi thông kênh rạch, lắp đặt van ngăn triều tại các miệng cống, cửa xả kết hợp với các trạm bơm thoát nước, thực hiện nạo vét cống rãnh thường xuyên thì trong những năm vừa qua, các tác giả cũng đã nghiên cứu, tìm tòi ra một số giải pháp như:
Tác giả Lưu Hải Thống sáng chế ra “Máy nạo vét cống ngầm và thoát ngập đường phố” nhằm đẩy trôi chất thải tích đọng trong lòng cống ngầm và tiêu nhanh nước ngập đường phố bằng máy bơm xoáy có vận tốc và lưu lượng lớn, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền số 1-0007021, ngày 25/06/2008. Máy hoạt động theo nguyên lý: khi máy bơm cao tốc vận hành sẽ tạo ra trong lòng cống một dòng chảy xoáy, có vận tốc vòng ban đầu đạt từ 30-35 m/giây, lưu lượng từ 300-500 m3/giờ. Với vận tốc và lưu lượng này, các lắng đọng bùn, cát, sạn, sỏi, mảnh đá bị dòng nước chảy xoáy cuốn trôi một cách dễ dàng dọc theo chiều dài của cống. Đồng thời, dòng chảy mạnh cũng là giải pháp tốt để chống ngập.
Tác giả Hoàng Đức Thảo với giải pháp “Cụm tời máy nạo vét hệ thống thoát nước” với công suất lên tới 500-600kg, thao tác đơn giản và an toàn cho người sử dụng, có thể vận hành cả trong điều kiện lòng cống bị ngập nước hoàn toàn. Giá thành một cụm tời chỉ 18 triệu đồng (xe chuyên dụng có giá thành lên tới 3-5 tỷ đồng), rẻ gấp hàng trăm lần so với thiết bị chuyên dùng nhập từ nước ngoài. Có được thiết bị chuyên dụng, năm 2004, Công ty thoát nước đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xóa toàn bộ 45 điểm ngập úng nặng còn sót lại từ những năm trước và bảo đảm thông suốt cho 291 km cống ngầm, 5.000 hố thu nước. Công trình này đã giúp anh đoạt ba Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2004.
Tác giả Ngô Tuấn Cường với sáng chế “máy nạo vét lòng cống” (mã số 2 - 0001415). Sáng chế đề cập đến máy nạo vét lòng cống để nạo vét bùn trong lòng cống thoát nước, bao gồm khung máy (10) có dạng hình thang làm bằng thép hình chữ L 50.50.5, trên khung có gắn động cơ xe gắn (1) máy có dung tích xi lanh từ 100cc đến 110cc, thông qua bộ bánh răng xích đã (2) động cơ kéo cụm bánh răng (3, 4) làm cho tang trống (5) quay và kéo sợi cáp φ10 và làm quả cầu kéo bùn di chuyển qua lại trong lòng cống, đồng thời cũng sẽ kéo bùn ra hầm gas, sau đó dùng ky xúc lên bờ và vận chuyển đi đổ.
Tác giả Ngô Tuấn Cường với sáng chế “quạt hút khí lòng cống” (mã số 2 - 0001416). Sáng chế đề cập đến quạt hút khí lòng cống dùng để hút các chất khí độc hại và làm tươi không khí trong lòng cống thoát nước, tạo môi trường làm việc an toàn, thoải mái cho người lao động trong lòng cống; khác biệt ở chỗ, quạt hút khí lòng cống gồm: khung quạt hút khí hình vuông làm bằng sắt hộp vuông 40 x 40 x 1,5 mm (7) được hàn bít bằng tôn tấm 1,2 mm (8), trên khung có gắn động cơ nổ hiệu Honda công suất 5,5 HP (1), thông qua cốt trục nối dài (6) động cơ kéo cánh quạt nhựa (4) làm cho cách quạt quay thổi gió về phía lưới bảo vệ (5) như vậy sẽ tạo áp suất thấp trong hộp gió (3) làm cho không khí ở phía dưới quạt bị hút lên trên, tức là đồng thời sẽ hút không khí dưới lòng cống thổi lên trên.
Minh Thanh (Internet)