Một số nội dung khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2021 - 2030
Trong những năm gần đây, vai trò, vị thế ngành KH&CN không ngừng được nâng cao những qua đó cũng đòi hỏi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải thể hiện là lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo bức phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, do đó một số địa phương đang gặp lúng túng trong việc cụ thể hóa vai trò, nhiệm vụ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào các văn bản vào các chương trình hành động cụ thể.
Tại Hội nghị Giám đốc các Sở Khoa học và Công nghệ năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào hồi tháng 5, Học viện Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) cho biết trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 của một số địa phương cho thấy các văn bản của Đảng và Nhà nước về KHCN&ĐMST chưa đảm bảo tính thống nhất, chưa có tính xuyên suốt và đồng bộ giữa các thành phần nội dung trong báo cáo chính trị; chưa thể hiện rõ nét về vai trò, vị thế của KHCN&ĐMST với phát triển kinh tế xã hội của địa phương; chưa thể hiện nội hàm KHCN&ĐMST trong các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế của các địa phương…
Bài viết này khái quát lại một số nội dung mà Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã nêu tại Hội nghị Giám đốc các Sở Khoa học và Công nghệ năm 2020 nhằm hỗ các cán bộ quản lý KH&CN, các nhà khoa học và các tổ chức, cá nhân có cái nhìn rộng hơn và có phương án tốt hơn để phát triển ngành khoa học và công nghệ của địa phương.
Theo Học viện KHCN&ĐMST, trong thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất, góp ý các nội dung KHCN&ĐMST đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2026, trong đó có các định hướng quan trọng về phát triển KHCN&ĐMST gắn với phát triển kinh tế xã hội như sau:
- Khẳng định vai trò của KHCN&ĐMST như một đột phá chiến lược, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
- Tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động KHCN&ĐMST; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới.
- Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%.
- Gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
- Xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển KHCN&ĐMST trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành và các địa phương.
Đó là những nội dung mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Sở KH&CN các tỉnh, thành nghiên cứu, sử dụng một số chủ trương, định hướng phát triển KHCN&ĐMST gắn với phát triển KT-XH để làm căn cứ khi đề xuất quan điểm, định hướng phát triển KHCN&ĐMST trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 tới đây.
Trong khi đó, kết cấu của báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 mỗi tỉnh, thành mỗi khác nhau, tùy theo đặc điểm của từng địa phương nhưng về cơ bản sẽ bao gồm các nội dung chính là: chủ đề, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ trước, dự báo bối cảnh sắp tới, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển của giai đoạn 5 năm tới.
Về nội dung, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ của các Tỉnh, Thành phố được xây dựng dựa trên cơ sở: (i) bám sát các quan điểm, chủ trương, định hướng trong các văn bản của Đảng, Nhà nước - trong đó đặc biệt quan trọng là đồng bộ và cụ thể hóa theo các nội dung nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển KT - XH giai đoạn 10 năm 2021-2030 và Dự thảo Kế hoạch 5 năm phát triển KT - XH 2021 - 2026; và (ii) Bối cảnh, đặc điểm, quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, định hướng và giải pháp phát triển của từng địa phương.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030, nội dung KHCN&ĐMST được đề nghị đưa vào gồm có: Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phải chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, đổi mới tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh;...”; “Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới, kinh tế số, xã hội số….”; “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế…”.
Trong phần mục tiêu, gồm có: (i) Mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế;...”; (ii) Mục tiêu cụ thể: “Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm”.
Nội dung KHCN&ĐMST được đề nghị đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030 trong phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, gồm có: (i) Phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; (ii) Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam; (iii) phát triển mạnh KHCN&ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số, trong đó chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động KH,CN&ĐMST; (iv) Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới; (v) Chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động KHCN&ĐMST.
Ngọc Trang