Một số ứng dụng của hệ thống thông tin địa lý hiện nay
Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là một hệ thống các thông tin được sử dụng để thu thập, lưu trữ, xây dựng lại, thao tác, phân tích, biểu diễn các dữ liệu địa lý phục vụ cho công tác quy hoạch hoặc ra quyết định về sử dụng đất, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, giao thông, đô thị và nhiều thủ tục hành chính khác.
Có nhiều cách tiếp cận từ định nghĩa về GIS: Về góc độ công cụ, GIS dùng để thu thập, lưu trữ, biến đổi, hiển thị các thông tin không gian nhằm thực hiện các mục đích cụ thể; về góc độ phần mềm, GIS làm việc với các thông tin không gian, phi không gian, thiết lập quan hệ không gian giữa các đối tượng; về quản lý, GIS có thể được hiểu là công nghệ sử lý các dữ liệu có tọa độ để biến chúng thành các thông tin trợ giúp quyết định và góc độ hệ thống thì GIS là hệ thống gồm các hợp phần: Phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và cơ sở tri thức chuyên gia.
Trong xã hội thông tin ngày nay, GIS đã được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực nhằm giảm thiểu các chi phí quản lý và bộ máy hành chính, nhưng vẫn đảm bảo kết quả tối ưu một cách nhanh chóng và chính xác như:
Trong nông lâm nghiệp, một trong những ứng dụng quan trọng của GIS trong sản xuất nông lâm nghiệp là quy hoạch sử dụng đất; ứng dụng trong quy hoạch và quản lý sản xuất; quản lý bảo vệ thực vật; phòng cháy và bảo vệ rừng; quản lý và hoạch định chính sách; kế hoạch tưới tiêu; kiểm tra nguồn nước…
Trong thủy lợi, quản lý và qui hoạch lưu vực sông; dự báo xói lở, biến đổi lòng dẫn trong sông; phòng chống bảo; cảnh báo lũ; phòng chống hạn và phục vụ quản lý.
Giao thông, GIS có khả năng ứng dụng đáng kể trong lĩnh vực vận tải. Việc lập kế hoạch và duy trì cở sở hạ tầng giao thông rõ ràng là một ứng dụng thiết thực, nhưng giờ đây có sự quan tâm đến một lĩnh vực mới là ứng dụng định vị trong vận tải hàng hải và hải đồ điện tử. Loại hình đặc trưng này đòi hỏi sự hỗ trợ của GIS.
Viễn thông, hỗ trợ tích cực trong việc đảm bảo cảnh quan đô thị, tránh chồng chéo trong xây dựng hạ tầng và ảnh hưởng đến các hạ tâng kỹ thuật khác (giao thông, cấp nước, thoát nước, điện…), phát triển đúng quy hoạch.
Đường ống chuyên ngành, GIS tạo thuận lợi trong tổ chức và quản lý dữ liệu với các thành phần địa lý. Cung cấp khả năng nang cấp quản lý toàn vẹn đường ống, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền tải, tạo thuận lợi cho các cơ hội phát triển kinh doanh.
Thư viện và bảo tàng, GIS giúp cho thư viện, bảo tàng cung cấp cầu nối tới mọi dạng dữ liệu từ dân số, phân vùng, các bản đồ đánh giá thuế tới các ảnh hàng không, vệ tinh, cung cấp truy nhập cộng đồng…
Đo đạc chuyên ngành, GIS cung cấp công cụ cho người đo đạc tích hợp các nguồn, kiểu dữ liệu khác nhau, bảo trì, quản lý, thống kê và mô phỏng dữ liệu, các thông tin liên quan sử dụng bản đồ số linh hoạt…
Ngân hàng, hiện nay việc sử dụng GIS đang tăng lên trong lĩnh vực này, nó là một công cụ đánh giá rủi ro và mục đích bảo hiểm, xác định với độ chính xác cao hơn những khu vực có độ rủi ro lớn nhất hay thấp nhất. Lĩnh vực này đòi hỏi những dữ liệu cơ sở khác nhau như là hình thức vi phạm luật pháp, địa chất học, thời tiết và giá trị tài sản.…
Ngoài ra, GIS còn được ứng dụng trong quản lý chất thải rắn; GIS còn có thể áp dụng trong lĩnh vực y tế; giáo dục; quân sự; GIS cũng được dùng cho việc quản lý tài sản và tìm đường phân phối hàng ngắn nhất.
Nguyễn Nhi