Thanh tra tỉnh Bình Dương là cơ quan chủ quản về mọi hoạt động thanh tra trên phạm vi toàn tỉnh. Do đó, yêu cầu về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong các yêu cầu quan trọng nhất của đơn vị. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 711-QĐ/TU ngày 11/5/2018 của Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Thanh tra tỉnh phải sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế và không tuyển thêm nhân sự mới mà vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Xuất phát từ những yêu cầu đó, trong chương trình sau đại học của mình, tác giả Nguyễn Thế Phong, thanh tra tỉnh Bình Dương đã chọn đề tài: “Nâng cao hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại Thanh tra tỉnh Bình Dương” để nghiên cứu nhằm đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại đơn vị trong thời gian tới.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu và phân tích thực trạng nguồn nhân lực tại Thanh tra tỉnh Bình Dương, đánh giá tồn tại và vấn đề khó khăn của hoạt động quản trị nguồn nhân lực. Đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại đơn vị. Cụ thể:
- Hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại Thanh tra tỉnh Bình Dương;
- Phân tích thực trạng hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại Thanh tra tỉnh Bình Dương; từ đó đánh giá khó khăn, tồn tại của hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại Thanh tra tỉnh Bình Dương trong các năm qua;
- Đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hoạt động quản trị nguồn nhân lực đến năm 2024 nhằm giúp cho đơn vị có được đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng cao trong thời gian tới.
Quản trị nguồn nhân lực nhằm hướng đến việc sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất lao động và nâng cao tính hiệu quả của tổ chức. Nhà quản trị phải có kế hoạch thu hút, tuyển dụng đúng người, phân công bố trí công việc hợp lý, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, động viên khuyến khích cán bộ công chức tạo điều kiện cho họ phát huy tối đa năng lực hoạt động, lòng say mê, nâng cao năng suất công việc; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân viên, tạo điều kiện cho họ phát huy tối đa năng lực cá nhân, trung thành, tận tâm với tổ chức.
Trong đề tài này, tác giả đã trình bày cơ sở lý thuyết về quản trị nguồn nhân lực, chức năng quản trị nguồn nhân lực và các công trình nghiêu cứu trước liên quan. Tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản trị nguồn nhân lực. Lựa chọn phương pháp nghiên cứu, thiết kế thang đo, đưa ra kết cấu luận văn gồm 3 chương.
Từ phương pháp nghiên cứu, Tác giả đã phân tích thực trạng hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại Thanh tra tỉnh Bình Dương qua các hoạt động cụ thể như: hoạch định nguồn nhân lực, phân tích công việc, tuyển dụng; đào tạo và phát triển; đánh giá kết quả thực hiện công việc, phân công bố trí công việc, luân chuyển, điều động, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức; môi trường làm việc, chế độ trả công và các chính sách động viên khác.
Việc đánh giá năng lực cán bộ, công chức được Thanh tra tỉnh Bình Dương thực hiện định kỳ hàng năm và khi thực hiện các thủ tục để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Trình tự và thủ tục đánh giá năng lực công chức được thực hiện theo quy định, hướng dẫn chung của Nhà nước và của ngành. Việc đánh giá năng lực công chức hàng năm được thực hiện đồng thời với đánh giá phân loại cán bộ, công chức hàng năm. Đối tượng đánh giá là tất cả cán bộ, công chức trong đơn vị. Việc đánh giá năng lực để thực hiện hoạt động quy hoạch, bổ nhiệm được thực hiện đối với những công chức thuộc đối tượng được quy hoạch, bổ nhiệm.
Từ các số liệu được khảo sát và kết quả phân tích cho thấy, lực lượng lao động của Thanh tra tỉnh Bình Dương được phân bổ ở cả ba độ là tuổi trẻ, trung niên và chuẩn bị nghỉ hưu, trong đó tập trung chủ yếu là tuổi trẻ và trung niên. Cơ cấu lao động nữ giới và nam giới gần tương đương nhau. Hầu hết cán bộ, công chức của đơn vị được đào tạo bài bản. Công chức giữ các chức vụ lãnh đạo chủ yếu là người trẻ và trung niên. Cơ cấu, chất lượng lao động như trên tạo ra những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động quản trị nguồn nhân lực của đơn vị…
Dựa trên định hướng, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, đề xuất các giải pháp nâng cao hoạt động quản trị nguồn nhân lực. Qua đó luận văn khuyến nghị thực hiện các nhóm giải pháp theo mức độ ưu tiên, đó là nhóm giải pháp về: (1) Thu hút nguồn nhân lực, (2) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, (3) Duy trì nguồn nhân lực nhằm nâng cao hoạt động quản trị nguồn nhân lực Thanh tra tỉnh Bình Dương.
Phát triển nguồn nhân lực là vấn đề có nội hàm rộng và liên quan đến nhiều lĩnh vực, đến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành Thanh tra. Vì vậy, những ý kiến nhận xét và giải pháp kiến nghị trong đề tài chắc chắn không tránh khỏi hạn chế, thiếu sót. Tuy nhiên, với mong muốn xây dựng và phát triển nguồn nhân lực tại Thanh tra tỉnh Bình Dương có tâm trong, trí sáng. Đề tài đã mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến nhằm góp phần phát triển bền vững Thanh tra tỉnh Bình Dương.
Ngà Nguyễn
(Đọc toàn văn Báo cáo tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Bình Dương)