Nâng cao nhận thức và bồi dưỡng phương pháp dạy trẻ khó học cho giáo viên tiểu học tại thị xã Thuận An tỉnh Bình Dương
TS. Huỳnh Mai Trang –
Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
Chứng khó học là một thuật ngữ thông thường dùng để nói về các dạng khuyết tật học tập (Learning Disabilities), hay các rối loạn học tập mang tính chuyên biệt (Specific Learning Disorders). Đó là một nhóm phức hợp những rối loạn gây cản trở nghiêm trọng đến việc học tập của một người và các hoạt động của người đó trong suốt cuộc đời. Chứng khó học là tên gọi chung cho nhiều dạng khó khăn dai dẳng, kéo dài mà học sinh gặp phải trong quá trình học tập, như là khó khăn về đọc, viết, tính toán, suy luận,... Những trẻ mắc phải dạng khó khăn này có thành tích học tập rất thấp mà nguyên nhân không phải do đần độn hay do khiếm khuyết về giác quan; cũng không phải do những rối nhiễu tâm lý hay do môi trường giáo dục không thuận lợi.
Nếu không được giúp đỡ hoặc can thiệp phù hợp, sự thiếu hụt kỹ năng học tập sẽ ngày càng trầm trọng và có thể những trẻ bình thường này trở thành những học sinh cá biệt, thậm chí bị rối loạn hành vi, chúng phải ở lại lớp nhiều năm và thậm chí không thể tiếp tục học trong nhà trường phổ thông. Bên cạnh đó, giáo viên tiểu học cũng là những người gặp nhiều áp lực nhất trước thành tích học tập thấp kém của học sinh. Vậy làm sao để trẻ khó học vẫn được học tốt theo khả năng của chúng? Làm sao giảm bớt mối lo của gia đình đối với việc học và tương lai trẻ? Làm sao giảm áp lực cho giáo viên đứng lớp khi có trẻ khó học trong lớp mình dạy? Đó là những vấn đề mà người làm giáo dục nào cũng luôn băn khoăn.
Đề tài “Nâng cao nhận thức và bồi dưỡng phương pháp dạy trẻ khó học cho giáo viên tiểu học tại Thị xã Thuận An” hướng tới việc tạo một nguồn hỗ trợ thiết thực cho cả giáo viên và học sinh, bằng cách cung cấp cho giáo viên kiến thức về lĩnh vực khó học và sau đó là hướng dẫn thực hành dạy cho sinh khó học.
2. Mục tiêu dự án
- Đào tạo đội ngũ giáo viên (khoảng 30 người) của Thị xã Thuận An có kỹ năng phát hiện và can thiệp-hỗ trợ học sinh bị khó học.
- Hướng dẫn giáo viên thực hành các phương pháp can thiệp-hỗ trợ học sinh bị khó học tại một số trường tiểu học trên địa bàn Thuận An.
- Đánh giá hiệu quả của các phương pháp trên.
3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Nhận thức về chứng khó học của giáo viên tiểu học tại thị xã Thuận An. Khách thể nghiên cứu: Giáo viên tiểu học và học sinh tiểu học tại Thị xã Thuận An.
Với cách tiếp cận hoạt động, hệ thống - cấu trúc và thực tiễn, tổ hợp các phương pháp để giải quyết các nhiệm vụ của dự án, như: Phương pháp nghiên cứu lý luận; Phương pháp nghiên cứu thực tiễn (điều tra, trắc nghiệm, quan sát, nghiên cứu sản phẩm, hội thảo, nghiên cứu trường hợp) và Phương pháp toán thống kê.
Hình 1. Quy trình xác định chứng khó học ở học sinh
4. Kết quả
Sau hai năm thực hiện, dự án đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ và đạt được 3 mục tiêu đặt ra:
1. Số lượng giáo viên được đào tạo là 43, trong đó, 41 người đã tham dự đầy đủ các khoá tập huấn cũng như thời gian thực hành và được Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh cấp chứng chỉ "Hoàn thành khoá tập huấn Nâng cao nhận thức và bồi dưỡng phương pháp dạy trẻ khó học". Với số lượng dự kiến ban đầu là từ 30-40, số lượng giáo viên được đào tạo đã vượt chỉ tiêu đặt ra ban đầu.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn của đề tài, hầu hết giáo viên đã tường minh các nguyên nhân gây ra chứng khó học và có những thay đổi rõ rệt trong việc nhận dạng chứng tật này ở học sinh. Họ hiểu và giải thích được một số đặc điểm tâm lý và biểu hiện khó khăn của trẻ khó học. Ngoài ra, giáo viên cũng đã tiếp nhận các chiến lược đặc hiệu cần vận dụng khi dạy trẻ khó học. Điều căn bản nhìn thấy được là nhận thức mới đã tạo sự biến chuyển rõ rệt thái độ của giáo viên khi nhìn về trẻ khó học. Kết quả này cho thấy nội dung và thời lượng của chương trình tập huấn này có thể triển khai cho giáo viên ở nhiều địa phương hơn.
2. Trong khuôn khổ triển khai thực hành cho giáo viên, 20 học sinh khó học được sàng lọc từ 485 học sinh của 5 trường tiểu học tại Thuận An đã nhận được chương trình hỗ trợ của Dự án. Sau 2 đợt hỗ trợ, ghi nhận từ đánh giá của giáo viên, từ kết quả kiểm tra tại trường và từ đánh giá khách quan bằng trắc nghiệm cho thấy:
* Các dạng khó học
- Về ngôn ngữ nói, các học sinh trong mẫu khảo sát gặp khó khăn nghiêm trọng ở vốn từ chủ động, các em bị thiếu từ để diễn đạt và khả năng thao tác trên lời nói, nhận thức về cấu trúc ngữ âm còn hạn chế. Số lượng các em gặp khó ở khả năng nghe hiểu câu ít hơn. Riêng về sự lưu loát của lời nói thì không có em nào bị xếp vào loại nghiêm trọng cả.
- Về ngôn ngữ viết, các học sinh trong mẫu khảo sát không gặp khó khăn với việc đọc âm vần, nhưng gặp khó khăn nghiêm trọng với việc đọc từ mà cụ thể là từ hiếm và từ giả; khả năng đọc hiểu câu của các em cũng rất thấp và viết chính tả sai rất nhiều.
- Về khả năng số học, các học sinh trong mẫu khảo sát xử lý tốt các bài tập về đếm số và số lượng. Tuy nhiên ở kiến thức về số, các em gặp khó khăn nghiêm trọng ở bài tập xử lý số thập phân và phân biệt hàng chục, hàng đơn vị. Ở bài tập logic, các em đều gặp khó khăn trên các thao tác xếp hạng, phân nhóm, tách số hoặc lồng số. Ở các phép tính, các em lúng túng ở phép trừ và giải quyết các bài toán có lời. Và cuối cùng, khả năng ước lượng độ lớn con số còn rất hạn chế.
Tóm lại, kết quả từ trắc nghiệm Đánh giá khả năng ngôn ngữ và toán học của học sinh cho thấy các khiếm khuyết trong kỹ năng học đường của học sinh: nghe, nói, đọc, viết, tính toán và suy luận. Mức độ phân ly hoặc kết hợp của các khiếm khuyết này cũng khác nhau, có học sinh chỉ gặp khó khăn nghiêm trọng ở một kỹ năng, có em nhiều hơn một kỹ năng và cũng có em đều thiếu hụt tất cả các kỹ năng.
* Trong nhóm 14 học sinh được hỗ trợ cá nhân ngoài giờ lên lớp, có 2 em thành tích học tập được cải thiện rõ rệt, 10 em cải thiện nhẹ, 1 em kết quả không ổn định và 1 em chưa thấy tiến bộ. Trong nhóm 6 học sinh chỉ được theo dõi tại lớp, 3 em có cải thiện nhẹ thành tích học và 3 em chưa thấy tiến bộ.
Kết quả trên cho thấy hiệu quả vượt trội của mô hình hỗ trợ cá nhân cho học sinh, ở đó, các em được học theo chương trình phù hợp với phong cách học của mình. Các em không nhận được chương trình hỗ trợ cá nhân thì sự chuyển biến chậm hơn. Tuy nhiên các em vẫn có thể tạo ra sự chuyển biến trong việc học nếu như bản thân các em nỗ lực lớn cũng như được sự quan tâm nhiều hơn từ phía gia đình trong việc hợp tác với giáo viên để dạy con.
3. Công tác đào tạo và thực hành cũng đã được đánh giá tích cực bởi những người tham gia. Tuy nhiên việc triển khai dạy cá nhân cho học sinh do giáo viên thực hiện gặp nhiều cản trở do mọi người luôn bị áp lực công việc, không đủ thời gian để đảm đương thêm việc mới. Cần phải có bộ phận chuyên trách cho công tác hỗ trợ này.
Tài liệu tham khảo
1. Bode, S. & Content, A. (2011). Phonological awareness training and school curriculum. European journal of psychology of education.
2. Eda Yusuke (2014). “Sử dụng ICT trong giáo dục học sinh khuyết tật học tập và khuyết tật trí tuệ”. Tạp chí giáo dục, 6 (tr.14-17).
3. Kondo Mika (2013). Teaching Vietnamese spelling to Vietnameses children in Japan through the phonological awareness method. Hà Nội
4. Nanci Bell (1997). Visualizing and verbalizing for language comprehension and thingking.
5. Van Nieuwenhoven C., Gregoire J. & Noel M.-P. (2001). Test diagnostique des competences de base en mathematiques (Tedi Math). Edition ECPA.
6. Wong, B.Y.L. (1996). The ABC of Learning Disabilities. San Diego: Academic Press.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010) Quản lý Giáo dục hòa nhập – Chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục hòa nhập cho các cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục các cấp học, bậc học. Nhà xuất bản Phụ Nữ.
8. Trần Văn Công (2014). Những cập nhật trong nghiên cứu và phân loại rối loạn học tập theo DSM-V so sánh với DSM-IV, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Nhận biết, chẩn đoán và can thiệp các rối loạn chuyên biệt học tập ở học sinh. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM, trang 55-60.
9. Trần Quốc Duy. Content A., Nguyễn Thị Hồng Phương, Nguyễn Thị Ly Kha, Huỳnh Mai Trang, Hoàng Thị Vân (2007). Bộ trắc nghiệm đáng giá khả năng ngôn ngữ và tính toán của trẻ từ 6 đến 9 tuổi. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Những khó khăn trong học tập ngôn ngữ và tính toán của học sinh tiểu học”. Đại học Sư phạm TP.HCM.
10. Bùi Thế Hợp (2013). Dạy cho học sinh khó khăn về đọc dựa trên vật liệu lời nói của trẻ. Luân án TS. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
11. Nguyễn Thị Cẩm Hường (2016). Một số biện pháp trong dạy hỗ trợ dạy học viết cho học sinh có khó khăn về viết ở tiểu học. Luận án Tiến sĩ Khoa học Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
12. Huỳnh Mai Trang (2010). Rối loạn chuyên biệt trong học tập - Một dạng khuyết tật không nhìn thấy. Kỷ yếu hội thảo khoa học « Thực trạng chẩn đoán trẻ khuyết tật ở các cơ sở y tế và giáo dục tại TP.HCM », Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hồ Chí Minh
13. Huỳnh Mai Trang (2013). La conscience phonologique des enfants vietnamiens. PAF.
14. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về Dạy học cho học sinh lớp 1 có khó khăn về đọc. NXB ĐHSP TP.HCM, 2013.
15. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về Giáo dục trẻ khuyết tật học tập và khuyết tật trí tuệ. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Wakayam Nhật Bản, 2014.