Năng lượng sạch, phát triển những tiềm năng sẵn có
Hiện nay, tiêu thụ năng lượng gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm. Đã tích cực thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Hiện nay, Việt Nam có trên 120.000 trạm thủy điện, với tổng công suất ước tính khoảng 300MW. Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió khá lớn, với đường biển trải dài khiến lưu lượng gió dồi dào, tổng tiềm năng ước đạt 513.360 MW. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều thuận lợi khai thác nguồn năng lược mặt trời, năng lượng sinh khối… song việc phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta chưa thật sự tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, từ nay đến năm 2030, chúng ta cần xây dựng thêm khối lượng lớn (14.100 MW điện mặt trời và trên 19.000 MW điện gió). Nhưng các cơ chế FIT cho điện mặt trời trong Quyết định 13 và cho điện gió trong Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2020 (với điện mặt trời) và tháng 11/2021 (với điện gió). Trong kết quả tính của Quy hoạch điện 8, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 19,5 GW điện gió và 19,1 GW điện mặt trời (hai nguồn này chiếm 28% tổng công suất nguồn), với sản lượng lần lượt 48,3 và 32,2 tỷ kWh (chiếm 15% tổng sản lượng điện), trong khi hiện nay mới chỉ có 5.000 MW điện mặt trời và dưới 400 MW điện gió.
Song, trong Chiến lược phát triển năng lượng năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 đã đề ra mục tiêu là phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá trữ lượng các nguồn năng lượng sơ cấp; đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội; phát triển các nhà máy lọc dầu, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25-30 triệu tấn dầu thô vào năm 2020; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt 45 ngày tiêu thụ bình quân vào năm 2010, đạt 60 ngày vào năm 2020 và đạt 90 ngày vào năm 2025; hoàn thành chương trình năng lượng nông thôn, miền núi; chuyển mạnh các ngành điện, than, dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước, hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn sau 2022, thị trường kinh doanh than, dầu khí từ nay đến năm 2015; tích cực chuẩn bị để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020, đến năm 2050 năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15 - 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc; phấn đấu thực hiện liên kết lưới điện khu vực bằng cấp điện áp đến 500kV từ năm 2010 - 2015, thực hiện liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực từ năm 2015-2020.
Và mới đây, theo đánh giá của Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành Năng lượng, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% cho đến năm 2030. Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW vào năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới. Điều này đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành Điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8-12 tỷ đô la Mỹ, cao hơn mức bình quân 8 tỷ đô la Mỹ/năm so với trước đây.
Chính vì vậy, Nghị quyết 55/NQ-TW của Trung ương đã đưa ra nhiều nhiệm vụ ưu tiên như phát triển năng lượng sạch, giảm ô nhiễm môi trường do ngành Năng lượng gây ra. Đây là những vấn đề cốt yếu để hoạch định các chính sách, biện pháp cụ thể cho kế hoạch phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2045. Nghị quyết này được đánh giá là bước đột phá mở ra thị trường năng lượng cạnh tranh thực sự của Việt Nam, được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhanh chóng hưởng ứng.
Có thể nói, để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển năng lượng ở nước ta, vai trò của ngành khoa học và công nghệ không thể thiếu. Trong Nghị quyết 55/NQ-TW của Trung ương cũng đã nêu rõ, cần hình thành cơ chế liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng thông qua các chương trình khoa học và công nghệ; lồng ghép hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng. Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng. Tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, có xét đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng. Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị trong ngành năng lượng cũng như những ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng.
Xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực tổng thể và các chương trình đào tạo cho những khâu then chốt của ngành năng lượng. Tăng cường đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu. Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo về năng lượng hạt nhân đi đôi với đào tạo nâng cao.
Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp của các cấp các ngành, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn nữa.
Huỳnh Nhi