Năng suất chất lượng - Chìa khóa thành thành công của doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê, Bình Dương hiện có 42.814 doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ và vừa, trình độ kỹ thuật và công nghệ thấp. Đặc biệt, những doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có những hạn chế trong quản lý sản xuất nên chi phí sản xuất cao, giá thành chưa phù hợp.
Chính vì vậy, hầu hết sản phẩm hàng hóa chưa có sức cạnh tranh so với những sản phẩm cùng loại trong khu vực. Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp đến năm 2020” ra đời như một đòn bẩy thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ nhằm mang lại giá trị gia tăng cao. Tỉnh Bình Dương, sau gần 10 năm triển khai dự án, những doanh nghiệp hưởng ứng phong trào này đã trở thành những điểm sáng về hoạt động năng suất chất lượng.
Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ Vĩnh Phú, nằm trong Khu công nghiệp Việt Nam Singapore. Khu sản xuất với diện tích không đến 1.000m2, nhưng xắp xếp, bố trí khoa học. Môi trường làm việc sạch sẽ, thông thoáng, ngăn nắp và rất chuyên nghiệp. Sản phẩm đều được đóng gói và xắp xếp theo khu vực. Mỗi khu vực đều có ký hiệu theo màu sắc để công nhân dễ nhìn, dễ thấy. Tất cả sự thay đổi này đều là kết quả của việc thực hiện theo chương trình năng suất, chất lượng cách đây 2 năm. Ông Võ Hà Quốc Đăng - Phó Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: “Sau khi tham gia chương trình Năng suất chất lượng thì hiệu suất lao động của công ty được cải thiện hơn rất nhiều. Đặc biệt, công nhân hiểu được lợi ích của việc tăng năng suất, chất lượng, gắn với quyền lợi của người lao động. Do đó, đã thay đổi suy nghĩ, tư duy cũng như tác phong làm việc của công nhân, nhất là chương trình Kazen đã giúp chúng tôi cải tiến được phương pháp làm việc, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu suất công việc rất nhiều. Chẳng hạn như công đoạn lên khuôn, xuống khuôn, trước đây phải mất khoảng 40 phút; thì hiện tại, sau khi đã cải tiến phương pháp làm việc đã rút ngắn thời gian xuống còn 20 - 25 phút. Chúng tôi cải tiến bằng cách, cứ mỗi chuyền sản xuất, Leader (tổ trưởng) sẽ quay phim toàn bộ quá trình đó và cho công nhân xem; cùng họ quan sát và thảo luận thao tác nào là lãng phí, dư thừa; rồi đưa ra phương án cải tiến. Từ đó, rút ngắn thời gian làm việc và hiệu suất công việc tăng rõ rệt”.
Tại Phía Nam, doanh nghiệp Vĩnh Phú là một trong những đơn vị hàng đầu về lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu và nhựa. Sản phẩm làm ra rất đa dạng, phục vụ cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, thiết bị gia dụng, phụ kiện dệt may,… Thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu cho khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản, EU; 40% còn lại cho thị trường trong nước. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng sản xuất thu hẹp hoặc cầm chừng, thì doanh nghiệp Vĩnh Phú vẫn duy trì sản xuất với lượng hàng xuất khẩu ổn định. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình cải tiến năng suất chất lượng, doanh nghiệp mới nhận thức được vấn đề lợi nhuận chưa cao khi giá thành sản xuất chưa hợp lý, môi trường sản xuất thiếu đồng bộ, chưa khoa học. Từ đó, công ty đã áp dụng tốt công cụ 5S, quản lý công cụ hàng ngày Lean... để giảm lãng phí liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng chú trọng việc đầu tư vào con người, đào tạo kỹ năng, trình độ tay nghề. Từ đó, đáp ứng việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, tạo được niềm tin với khách hàng. Việc áp dụng phương pháp sản xuất Lean đã đem lại hiệu quả rõ rệt như không còn sản xuất thừa, lãng phí nguyên vật liệu và thời gian chết. Sản xuất ra đến đâu đóng hàng đến đấy. Phương pháp Lean không chỉ làm thay đổi cả tư duy của người quản lý, công nhân mà còn bảo đảm chất lượng, tiến độ, tinh gọn và tối đa hóa năng suất.
Theo các chuyên gia, để nâng cao năng suất thì phải kết hợp nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng đầu tiên là yếu tố con người. Người lãnh đạo và kinh doanh giỏi phải biết bố trí được những người có trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp tốt. Khi người quản lý có đủ trình độ và tầm ảnh hưởng thì sẽ điều hành tốt hệ thống sản xuất. Kế đó, để đáp ứng yêu cầu sản xuất thì đào tạo tay nghề, đổi mới công nghệ mới là then chốt, để sản xuất kinh doanh thành công. Ở công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng, triết lý đề cao con người và công nghệ là chìa khóa giúp đơn vị này đứng vững trong ngành sản xuất quạt điện vốn cạnh tranh rất khốc liệt.
Từ một công ty có quy mô nhỏ, sản xuất hoàn toàn thủ công; đến nay Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng đã đầu tư nhiều máy móc thay thế 80% lao động thủ công. Năng suất tăng gấp 2 - 3 lần, chất lượng mẫu mã có thể cạnh tranh với sản phẩm trên thị trường. Hiện, doanh nghiệp đang sở hữu 2 thương hiệu iFan và iCool. Hai thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực quạt công nghiệp và máy làm mát. Các sản phẩm quạt máy, máy làm mát, hút thông gió,… đều có hệ thống phân phối trên toàn quốc và xuất khẩu sang nhiều nước lân cận như Lào, Campuchia. Đối với các doanh nghiệp thì việc tìm ra những giải pháp tốt nhất để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm luôn được đặt ra hàng đầu. Do đó, với chương trình cải tiến năng suất chất lượng theo mô hình 5S, Kaizen… Doanh nghiệp Nghệ Năng khi áp dụng đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Lê Văn Tâm - Quản đốc sản xuất Nhà máy Nghệ Năng tâm sự: “Trước khi chưa thực hiện chương trình Năng suất – Chất lượng, nhà xưởng từ máy móc cho đến sản phẩm được bố trí rất lộn xộn, thiếu ngăn nắp. Do đó, khi phải xuất một đơn hàng cho khách thì công nhân phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm sản phẩm. Sau khi, chúng tôi được học 5S thì nhà xưởng đã được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Sản phẩm được phân chia riêng từng khu vực theo phương pháp “dễ thấy, dễ lấy, dễ nhìn”. Bây giờ, khi có đơn hàng xuống, công nhân sẽ căn cứ theo khu vực đánh số để đến lấy hàng. Từ đó, tiết kiệm được khoảng thời gian chết chạy không trên một nhà xưởng. Việc học tập Kazen cũng giúp chúng tôi có thêm nhiều cải tiến, giúp cải thiện được điều kiện làm việc và nâng cao năng suất. Ví dụ, như trước đây chúng tôi lắp ráp quạt theo phương pháp dàn trải nên chỉ lắp ráp được 25 – 27 chiếc/ngày. Khi chúng tôi cải tiến thêm hệ thống băng tải dây chuyền lắp ráp thì nay đã có thể lắp ráp được khoảng 55 – 60 chiếc quạt/ngày; góp phần giảm được chi phí sản xuất xuống cho nhà máy”.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, việc sử dụng các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng luôn là vấn đề quan tâm của mọi doanh nghiệp. Nâng cao năng suất là để tăng lượng hàng hóa, rút ngắn thời gian sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, còn chất lượng là để khẳng định thương hiệu và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ đều chưa thực sự tiếp cận được chương trình Năng suất, chất lượng. Đặc biệt, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, thường có những hạn chế trong quản lý sản xuất nên chi phí sản xuất cao, giá thành chưa phù hợp. Chính vì vậy, hầu hết sản phẩm hàng hóa chưa có sức cạnh tranh so với những sản phẩm cùng loại trong khu vực.
Với mục tiêu xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Chính phủ đã ban hành các quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam ” theo nhiều giai đoạn. Mục đích nhằm tạo điều kiện nâng cao chuyển biến nhận thức của các giám đốc doanh nghiệp, loại bỏ những chi phí bất hợp lý trong dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng ổn định, giá thành phù hợp. Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đến nay, các địa phương trong cả nước đều đã triển khai chương trình và cụ thể hóa theo từng mô hình cụ thể. Ngoài đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; các địa phương cũng tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cho cho các doanh nghiệp về năng suất, chất lượng. Ở Bình Dương, dự án tập trung vào hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng các mô hình cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến và hiện đại, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động.
Ông Lý Thái Hùng – Chi cục trưởng Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN Bình Dương) cho biết: Tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2943/UBND ngày 25/10/2017 về việc phê duyệt Dự án nâng cao năng suất chất lượng của tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Đối tượng được hỗ trợ dự án bao gồm: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập. Mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/đơn vị. Đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng như ISO, HACCP,… mức hỗ trợ tối đa là 40 triệu đồng/hệ thống quản lý chất lượng. Đối với những doanh nghiệp tham gia áp dụng cải tiến năng suất, chất lượng như 5S, Kazen, KB... mức hỗ trợ tối đa là 50 triệu đồng/công cụ cải tiến. Thủ tục đăng ký tham gia dự án năng suất chất lượng rất đơn giản; doanh nghiệp chỉ cần gửi phiếu đăng ký tham gia dự án về Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Theo đó, doanh nghiệp có thể lấy mẫu đăng ký này trong website của Sở KH&CN, mục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Sau khi Chi cục nhận được, sẽ tham mưu cho Sở thành lập Hội đồng xét chọn. Quá trình xét chọn là để xét đối tượng hỗ trợ có phù hợp với dự án hay không. Đối với những doanh nghiệp tham gia công cụ cải tiến năng suất chất lượng sau quá trình triển khai dự án hoàn chỉnh sẽ báo về cho Chi cục. Chúng tôi sẽ tiến hành thành lập Hội đồng nghiệm thu và chuyển kinh phí hỗ trợ về cho doanh nghiệp.”
Kể từ năm 2010, năm đầu tiên triển khai Chương trình Năng suất, chất lượng; số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình tăng mỗi năm. Những doanh nghiệp được coi là điểm sáng trong thực hiện phong trào Năng suất, chất lượng như: Công ty TNHH gỗ Nhật Tường (TX Thuận An), Công ty TNHH Nhựa Vân Đồn (TX Bến Cát, Công ty TNHH gốm sứ Cường Phát,… Quá trình thực hiện dự án, áp dụng các công cụ năng suất chất lượng; các doanh nghiệp đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng/năm. Thành công nhất của việc thực hiện chương trình này là thay đổi được nhận thức người lao động, hình thành tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức kỷ luật của công nhân. Từ đó, giảm lãng phí, tỷ lệ hư hao, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí giá thành sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh và khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Thu Huyền - Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương