Nền tảng kiến trúc công nghệ cho việc xây dựng thành phố thông minh
Theo các chuyên gia, về cơ bản, thành phố thông minh (TPTM) đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố ... Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc lựa chọn nền tảng công nghệ cho việc xây dựng TPTM là hết sức thuận lợi.
IoT - Giữ vai trò vận hành
TPTM hay đô thị thông minh như là một “hệ thống hữu cơ tổng thể” được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể hành xử thông minh như con người, gồm mạng viễn thông số (dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức) để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Chia sẻ tại hội thảo “Phát triển kiến trúc cho TPTM Bình Dương”, ông Madhu Dharmarajan, đại diện công ty HPE Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, công nghệ cơ bản và toàn diện cho TPTM chính là internet vạn vật hấp dẫn (Internet of Things - IoT) cho việc phát triển các ứng dụng, kết nối cũng như vận hành, quản lý TPTM. Với hệ thống IoT chúng ta có thể áp dụng vào các lĩnh vực như quản lý chất thải, quản lý đô thị, giao thông, phản hồi trong các tình huống khẩn cấp, mua sắm thông minh…
Tại các buổi chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng TPTM giữa tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven (Hà Lan), ông Matteo Vezzosi, Giám đốc Kinh doanh cao cấp Công ty NXP Semiconductors (Hà Lan) nhận định, với hệ thống IoT chúng ta có thể áp dụng vào các lĩnh vực. Hãy lấy thiết bị thu hình giám sát làm ví dụ, nó có thể tự động truyền tải thông tin về tình trạng giao thông sang một hệ thống khác có khả năng đưa ra gợi ý ngay lập tức cho các tài xế trong khu vực cần chuyển sang tuyến đường khác. Các hệ thống giao thông khác như đường sắt, tàu điện ngầm hay đường hàng không… được kết nối sẵn trong một thành phố hay một khu vực, thậm chí trong một quốc gia cũng có thể điều chỉnh và nâng cao hiệu quả của chúng một cách phù hợp.
Data - Đóng vai trò quyết định
Đại diện Bosch Việt Nam chia sẻ, là nhà cung ứng công nghệ và dịch vụ hàng đầu thế giới, đang sử dụng nền tảng IoT để xây dựng các thành phố trong tương lai ngày càng phát triển bền vững, hấp dẫn và tràn đầy sức sống. Bosch theo đuổi tầm nhìn này tại thị trường Việt Nam bằng việc tiên phong cung cấp các giải pháp dành cho thành phố thông minh. Để xây dựng TPTM, thì Bình Dương trước hết phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông, cơ sở dữ liệu… vì để vận hành IoT thì phải có nền tảng dữ liệu lớn, tạo sự “thông” và “nhanh” trong quá trình vận hành.
“Việc vận hành TPTM phải cần có sự trao đổi dữ liệu giữa các đơn vị để đưa ra biện pháp quản lý, vận hành thích hợp trong từng thời điểm, từng chu kỳ và giải quyết các vấn đề đang nảy sinh. Việc đưa các dữ liệu riêng lên hệ thống dữ liệu chung là rất quan trọng, do đó cũng cần chú ý đến vấn đề an ninh mạng”, TS. Sang Keon Lee, Viện nghiên cứu định cư Hàn Quốc chia sẻ tại hội thảo “Phát triển kiến trúc cho TPTM Bình Dương”.
Về vấn đề này, PGS.TS Thoại Nam (trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, đối với TPTM, công nghệ không phải là nhất định nhưng lại rất quan trọng, phải làm chủ được công nghệ mới có thể cải tiến, vận hành công nghệ theo tình hình thực tiễn. Cho dù có dữ liệu tốt, đa dạng nhưng công nghệ cho việc lấy dữ liệu, xử lý dữ liệu không tương xứng thì vẫn gây sự “tắc nghẽn” cho việc xử lý, vận hành. Do đó việc lựa chọn công nghệ, xây dựng hạ tầng viễn thông trong việc xây dựng TPTM là rất quan trọng.
Kết nối dữ liệu
Tính đến nay, thuật ngữ IoT đã không con trở nên xa lạ, nó được xem là bước ngoặc lớn trong việc kết nối dữ liệu cho mọi hoạt động từ điều hành, quản lý, giám sát… với thời gian thực bằng internet. PGS.TS Thoại Nam (trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng để quản lý tốt thì việc kết nối dữ liệu là hết sức quan trọng. Sự quản lý thông minh đều dựa trên 3 yếu tố, nguồn dữ liệu (data), tự động (AI) và an ninh mạng, nếu yếu tố tự động và an ninh mạng được triển khai tốt nhưng không có nguồn dữ liệu thì không thể vận hành.
Bên cạnh đó, ngoài công nghệ thì các thiết bị di động thông minh ngày càng hiện đại, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh là có thể giải quyết các công việc cũng như giao dịch, quản lý… Việc này cũng đòi hỏi việc kết nối dữ liệu giữa các cơ quan, doanh nghiệp bằng công nghệ hiện đại và đảm bảo an ninh. Trong chuyến làm việc của Chương trình tình nguyện viên IBM tại Bình Dương, bà Ana Paola Hentze Veerkamp, Kỹ sư IBM Mexico chia sẻ, điện toán đám mây (ĐTĐM) là một trong những công nghệ được triển khai gần đây nhưng đã từng bước phát huy được khả năng lưu trữ, truyền tải cũng như bảo mật. Với việc sử dụng ĐTĐM thì sẽ triển khai được nhiều ứng dụng, đem lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh, quản lý, giảm chi phí lưu trữ và đưa ra các giải pháp “doanh nghiệp” xã hội như thư điện tử, họp trực tuyến…
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là triển khai xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, Sở sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng kiến trúc dữ liệu cho việc vận hành, quản lý thành phố thông minh. Kiến trúc dữ liệu được thu thập gồm 2 phần, phần dữ liệu từ các nguồn phát sinh giữa giao dịch các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân và dữ liệu thu thập từ các cảm biến (dữ liệu thông thường) và dữ liệu từ các ứng dụng GIS, bản đồ số tổng thể của các ngành và có thể liên kết với dữ liệu Trung ương (dữ liệu quốc gia).
Hải Sư