Ngành khoa học và công nghệ: Đổi mới cơ chế, chính sách, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong thời gian qua, khoa học và công nghệ ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, ngành KH&CN cả nước nói chung và đặc biệt là hoạt động KH&CN ở địa phương nói riêng còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt hơn nữa để KH&CN thực sự có những đóng góp thiết thực, trực tiếp phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương, đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang tại Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2021 do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức vào ngày 09/4/2021 tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Hội nghị, năm 2021 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết đại hội các cấp, là năm đầu triển khai kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành, nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập đến rất nhiều. Có thể nói Chính phủ đã coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời ở cả trong 2 Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp rất tích cực của ngành KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN địa phương nói riêng. Hoạt động KH&CN của các tỉnh/thành phố đã góp phần không nhỏ vào những thành tựu rất quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách trong hoạt động KH&CN; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy của các Sở KH&CN; các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; chủ động tiếp cận các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực… sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đưa ra một số kết luận:
Ghi nhận và biểu dương các sở KH&CN đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc ứng dụng KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19 tại các địa phương trong thời gian qua, Bộ KH&CN sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời khai thác thế mạnh của từng địa phương, các vùng, miền nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ở địa phương, để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch covid-19 đang có tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, Sở KH&CN cần phải tích cực, chủ động tham mưu xây dựng triển khai kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KH&CN đảm bảo phù hợp với bối cảnh, điều kiện của từng địa phương và đề xuất các giải pháp triển khai khả thi, hiệu quả, có tính đột phá nhằm phục vụ tốt cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Chủ động rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN, tập trung vào các cơ chế, chính sách có tính đột phá, đặc thù phù hợp với hoạt động nghiên cứu của địa phương nhằm thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ.
Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN từ các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh của các sản phẩm chủ lực địa phương. Nghiên cứu, đề xuất triển khai các nhiệm vụ khoa học và đổi mới sáng tạo liên vùng nhằm tập hợp tiềm lực của nhiều tỉnh để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội có tính liên vùng như: hạn hán, xâm nhập mặn, phát triển những sản phẩm chủ lực của vùng…
Có thể nói, trong thời gian qua ngành khoa học và công nghệ đã có bước chuyển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế xã hội. Về cơ chế chính sách, doanh nghiệp được xác định là trung tâm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tiếp cận với công nghệ mới… nhiều chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa đã được ban hành góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ánh Nguyệt