Ngành nông nghiệp Bình Dương: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực vượt qua khó khăn giữ mức phát triển sản xuất ổn định
Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và cung cầu nông sản; giá nông sản có nhiều biến động; đứt gãy trong khâu sản xuất, cung ứng nông sản bị tồn cục bộ và tiêu thụ chậm... Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động lưu thông, vận chuyển, kinh doanh được siết chặt để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản bị đứt gãy. Việc lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, dẫn đến một số nơi xảy ra tình trạng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giảm giá, tồn hàng cục bộ theo theo điểm xuất bán và thu hoạch.
Hiện Bình Dương đang bước vào giai đoạn bình thường mới, hoạt động lưu thông tương đối thuận lợi, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần được hồi phục. Nhưng chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn bị ảnh hưởng do gián đoạn đơn hàng của các hợp đồng thu mua; các chợ đầu mối, chợ truyền thống hoạt động còn hạn chế; một số cơ sở hoạt động công suất thấp... nên một số trang trại, Hợp tác xã có lượng hàng tồn cục bộ, tiêu thụ chậm, giá bán thấp ảnh hưởng đến khả năng duy trì và tái sản xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai các giải pháp sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã vượt qua khó khăn, phục hồi và duy trì sản xuất.
Trong năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,4% - 2,6% so với năm 2020 (Kế hoạch cả năm 2021 là 2,5 - 3%). Duy trì tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm đạt 57,5% (Kế hoạch là 57,5%). Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn Quốc gia là 89,5% (Kế hoạch là 89,5%). Duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao chất lượng các tiêu chí (đặc biệt là đối với các xã đã được công nhận), ước đến cuối năm 2021: Có 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 100% huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Lĩnh vực trồng trọt
Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 20.620 ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ 2020. Diện tích gieo trồng cây lâu năm đạt 142.438 ha, giảm 0,3%. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất các loại cây trồng, các vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, cây công nghiệp.
Tổng diện tích nhiễm các loại sâu bệnh trên một số cây trồng chính khoảng 9.849ha, giảm 29% so với cùng kỳ với mức độ nhiễm nhẹ đến trung bình nên không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Phối hợp các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tăng cường công tác điều tra dự tính, dự báo, tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng.
Chăn nuôi - Thú y
Ngành chăn nuỗi đã khuyến cáo các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học, thực hiện tái đàn để đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng. Trong năm 2021, ngành chăn nuối đã cung cấp cho thị trường khoảng 18.280 con trâu - bò thịt, tương đương 1.465,5 tấn (đạt 80,3% so với năm 2020); 2.291.882 con heo thịt, tương đương 144.388,6 tấn (tăng 91,8% so với năm 2020); 26.019.669 con gia cầm lông, tương tương 41.631,5 tấn (đạt 40,53% so năm 2020); 2.790 con dê, tương 55,6 tấn (tăng 47% so với năm 2020)… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Nông nghiệp đô thị - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 5.763,5 ha với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2 ha với các loại cây trồng chủ yếu như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh.
Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 146 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 8,4 triệu con, chiếm 65% tổng đàn; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 229 trang trại với tổng đàn gần 605 ngàn con, chiếm 68% tổng đàn; chăn nuôi vịt thịt có 30 trang trại với tổng đàn 394 ngàn con; chăn nuôi bò sữa có 01 trang trại với tổng đàn 1.050 con.
Thực hiện mô hình, dự án, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
Tiếp tục triển khai thực hiện: Dự án “Xây dựng chuỗi sản xuất rau an toàn vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2022” và “Phát triển vườn cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam tỉnh Bình Dương”; Đề án "Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”; Dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại sinh vật cảnh vùng phía Nam Bình Dương giai đoạn 2018 - 2022”…
Tổ chức 04 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng theo hướng VietGAP tại thị xã Tân Uyên và huyện Dầu Tiếng với 160 lượt nông dân tham dự. Đồng thời đổi mới phương pháp và hình thức chuyển giao, tư vấn, hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất bằng hình thức kết nối công nghệ thông tin qua các ứng nhằm đảm bảo thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Phối hợp Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương thực hiện các chuyên đề thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực với 166 bài trên Chương trình Truyền hình Bạn nhà nông, Nông thôn ngày mới; Chương trình phát thanh trực tiếp nông nghiệp, nông thôn.
Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các mô hình trăng trưởng xanh theo Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đến nay đã hoàn thành công tác khảo sát, chọn hộ tham gia mô hình.
Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm
Triển khai thực hiện các nội dung: Kế hoạch số 36/KH-BCĐATTP ngày 24/12/2020 của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lệ hội Xuân 2021; Quyết định số 184/QĐ-BNN-QLCL ngày 12/01/2101 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021”; Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Dương về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 (Kế hoạch số 202/KH-BCĐ389 ngày 30/12/2020); Kế hoạch số 11/KH-BCĐ-ATTP ngày 22/3/2020 của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương về “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021 và tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử…
Phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập 04 đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đối với 22 tổ chức, 36 cá nhân. Đã xử phạt 12 trường hợp (04 tổ chức, 8 cá nhân) với tổng số tiền xử phạt là 119,16 triệu đồng và trình UBND tỉnh ban hành 01 quyết định xử phạt 01 tổ chức sản xuất phân bón không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam với tổng số tiền 280 triệu đồng.
Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021: Toàn ngành đã thành lập 02 đoàn, thực hiện kiểm tra đối với 12 tổ chức, 19 cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp; Đã xử phạt 04 tổ chức với tổng số tiền phạt là 35 triệu đồng.
Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021: Toàn ngành đã thành lập 07 đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 522 cá nhân và 23 tổ chức. Qua kiểm tra đã phát hiện 56 cá nhân, 03 tổ chức vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; đã xử phạt 03 tổ chức với tổng số tiền 3,5 triệu đồng, kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện xử phạt 56 cá nhân với tổng số tiền 196,6 triệu đồng.
Thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm chay không đảm bảo an toàn phẩm, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan thành lập 02 Đoàn giám sát, lấy 16 mẫu thực phẩm chay tại 05 cơ sở chế biến, 09 cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An. Kết quả kiểm nghiệm: 16 mẫu thực phẩm chay không có vi khuẩn Clostridium botulinum và độc tố Botulinum).
Kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên 134 mẫu rau, quả tại các siêu thị, các hộ trồng rau trên địa bàn các huyện, thị, thành phố. Kết quả phát hiện 07 mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu nhưng ở mức an toàn.
Thực hiện 3.585 lượt thanh kiểm tra về kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, kiểm tra các chợ, kiểm tra an toàn thực phẩm, công tác phòng chống dịch tại các trang trại chăn nuôi và điều kiện vệ sinh thú y tại các lò mổ gia súc, gia cầm tập trung. Qua kiểm tra phát hiện 502 vụ vi phạm, trong đó xử phạt 1,48 tỷ đồng/413 vụ, nhắc nhở 89 vụ, đồng thời tiêu hủy 1.073 kg thịt các loại.
Tổ chức xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 737 người lao động của 17 cơ sở sản xuất kinh doanh. Thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 40 cơ sở sản xuất kinh doanh. Thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng đủ điều kiện buôn bán phân bón, thuốc BVTV cho 12 cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thủy lợi - xây dựng cơ bản
Trung tâm Đầu tư, Khai thác thủy lợi và Nước sạch nông thôn làm 10 dự án với tổng vốn đầu tư 51.850 triệu đồng: Dự án Đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc giám sát tự động, trực tuyến tại các trạm cấp nước tập trung nông thôn; Dự án Nâng công suất nhà máy, đầu tư các tuyến ống nhánh công trình cấp nước tập trung nông thôn xã Bạch Đằng, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên; Dự án Đầu tư mở rộng tuyến ống cấp nước xã Tân Định; Đầu tư thêm các tuyến ống nhánh công trình cấp nước tập trung nông thôn xã Hiếu Liêm; Nâng công suất nhà máy Phước Sang, đầu tư thêm các tuyến ống nhánh công trình cấp nước tập trung nông thôn xã Tân Hiệp, xã Phước Sang; Đầu tư thêm các tuyên ống nhánh công trình cấp nước tập trung nông thôn xã An Thái; Nâng công suất nhà máy, đầu tư thêm các tuyến ống nhánh công trình cấp nước tập trung nông thôn xã Tân Long; Đầu tư thêm các tuyến ống nhánh công trình cấp nước tập trung nông thôn xã Bình Mỹ, xã Tân Bình; Đầu tư thêm tuyến ống nhánh công trình cấp nước tập trung nông thôn xã Long Tân, xã Định Hiệp; Dự án Nâng công suất nhà máy, đầu tư thêm các tuyến ống nhánh công trình cấp nước tập trung nông thôn xã Minh Thạnh.
Phát triển nông thôn - xây dựng nông thôn mới
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được kế hoạch đề ra: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng lên; an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện tốt... Tiếp tục duy trì và nâng chất các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh. Đến nay: 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 07 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 huyện, 02 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Thu nhập bình quân của dân cư nông thôn năm 2021 đạt 73 triệu đồng/người/năm.
Các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới, phát triển: Trong năm 2021, thành lập mới 04 và giải thể 02 Hợp tác xã. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 67 Hợp tác xã với 948 thành viên (tăng 10 trang trại so với cuối năm 2019, trong đó có 02 Hợp tác xã: Ổi Thanh Kiên và cây ăn quả Tân Mỹ đạt Danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam), tổng vốn điều lệ trên 192 tỷ đồng. Số Tổ hợp tác nông nghiệp là 102 với 930 thành viên. Tổng số trang trại là 643 (theo tiêu chí trang trại quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó: Trồng trọt 98; Chăn nuôi 539; Thủy sản 03 và tổng hợp 03) tổng diện tích đất sản xuất trên 3.457,2 ha với khoảng 2.401 lao động thường xuyên.
Thực hiện hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho các Doanh nghiệp, HTX, trang trại thông qua các kênh phân phối tại các điểm Bưu cục, xe bán hàng lưu động, giới thiệu đến các đơn vị thu mua; tham gia trên các sàn thương mại điện tử và thông qua Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...
Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025; trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021. Trong đó công nhận 28 sản phẩm (08 sản phẩm 04 sao và 20 sản phẩm 03 sao).
Triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm xây dựng Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng năm 2021: UBND thị xã đã phê duyệt kinh phí cho UBND xã Bạch Đằng tổ chức thực hiện Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh...
Định hướng trong thời gian tới
Năm 2022, ngành Nông nghiệp đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Trong đó, ngành triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:
Thực hiện Đề án "Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt theo Bộ tiêu chí nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng thông minh xã Bạch Đằng.
Và các Chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh (Hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; nội dung và mức cho hỗ trợ hoạt động khuyến nông; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương; Chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp; Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái…).
Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và triển khai công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp.
Đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ ứng dụng các hoạt động giao dịch thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo Kế hoạch số 3248/KH-UBND ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh.
Hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid -19 theo tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ.
Ngọc Trang