Ngành Văn hóa, thể thao và du lịch: 10 năm triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Trong giai đoạn 2010-2020,việc triển khai nhiệm vụ và tiếp nhận các sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và đưa vào ứng dụng thực tiễn tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị trực thuộc Sở đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển du lịch sinh thái làng nghề ở Bình Dương; giáo dục truyền thống và nâng cao nhận thức về nghề báo Bình Dương và giữ gìn, phổ biến văn hóa lịch sử Bình Dương…
Các kết quả nghiên cứu sau khi đánh giá nghiệm thu đã được Sở KH&CN tổ chức bàn giao đến các đơn vị tiếp nhận để ứng dụng và nhân rộng đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển của ngành; hầu hết các nội dung nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tế, ngay ở bước đầu xét duyệt nội dung đều có sự tham gia và đồng thuận của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trước khi triển khai thực hiện. Do đó, khi tiếp nhận kết quả để triển khai ứng dụng đã mang lại hiệu ứng tích cực tại đơn vị tiếp nhận.
Trong giai đoạn này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thỏa thuận triển khai thực hiện 14 nhiệm vụ khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh:
(1) Đề tài “những biến đổi của giá trị văn hóa truyền thống dưới tác động công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở Bình Dương: thực trạng và giải pháp” do ThS Nguyễn Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch làm chủ nhiệm. Đề tài có ý nghĩa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như: Đặc trưng văn hóa truyền thống trong cách chọn đất dựng nhà, trong các nghề thủ công, tính cách lối sống và thực trạng văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể qua nghiên cứu về đời sống văn hóa ở Bình Dương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
(2) “Bảo tồn và phát triển sơn mài truyền thống Bình Dương” do ThS. Nguyễn Văn Minh, Trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh thực hiện hoàn thành vào năm 2011, kết quả đề tài khẳng định giá trị văn hóa và kinh tế của làng nghề sơn mài Bình Dương qua 3 thế kỹ tồn tại và phát triển, từ đây làm cơ sở nhận thức để tiếp tục bảo tồn, quảng bá và phát triển nghề sơn mài truyền thống ở Bình Dương.
(3) “Giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực cho phát triển du lịch ở Bình Dương” do TS. GVC. Đoàn Nam Hương, Liên hiệp Khoa học Kinh tế - Đô thị Nam bộ triển khai đã đem lại nhiều hiệu quả nhất định cho ngành du lịch Bình Dương.
(4) “Tín ngưỡng của người Việt ở Bình Dương trong tiến trình đô thị hóa” do TS. GVC Vũ Quang Hà làm chủ nhiệm đã góp phần bổ sung lý luận về tín ngưỡng của người Việt ở Bình Dương trong tiến trình đô thị hóa, bổ sung những cơ sở khoa học cho việc xây dựng các chính sách của nhà nước trong quản lý tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh.
(5) “Nghiên cứu đặc điểm về lối sống và tư duy trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế” do ThS. Đặng Ngọc Cư, Viện Nghiên cứu đô thị thực hiện, đây là đề tài nghiên cứu khoa học rất cần thiết và hữu ích cho tiến trình đổi mới, phát triển và hội nhập của tỉnh Bình Dương.
(6) “Bảo tồn và phát huy bền vững Nghệ thuật đờn ca tài tử ở Bình Dương” do TS. Mai Mỹ Duyên, Trường Đại học Trà Vinh làm chủ nhiệm. Đề tài không những góp phần bào tồn và phát huy bền vững Nghệ thuật đờn ca tài tử ở Bình Dương mà còn triển khai, ứng dụng trong công tác quản lý tổ chức hoạt động văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn.
(7) “Tinh thần đấu tranh cách mạng của cán bộ, chiến sĩ, người yêu nước bị địch bắt giam cầm trong nhà tù Phú lợi” do ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng Ban quản lý Di tích và Danh thắng triển khai, đây là nguồn tài liệu phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu về tinh thần đấu tranh cách mạng của cán bộ, người chiến sĩ, người yêu nước bị địch bắt giam cầm trong nhà tù Phú Lợi.
(8) “Phát triển du lịch sinh thái làng nghề tỉnh Bình Dương” do TS. Huỳnh Quốc Thắng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn làm chủ nhiệm. Đề tài là cơ sở lý luận và thực tiễn cho công tác nghiên cứu du lịch sinh thái và làng nghề tỉnh Bình Dương; là rõ vốn tiềm năng, tài nguyên du lịch sinh thái và làng nghề; đề xuất các giải pháp cụ thể, xây dựng những mô hình phù hợp cho việc khai thác hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên du lịch, đặc biệt là về sinh thái và làng nghề trên địa bàn.
(9) “Chiến lược marketing địa phương tỉnh Bình Dương đến năm 2020” do TS. Lê Cao Thanh, Viện Phát triển Kinh tế miền Đông làm chủ nhiệm. Đề tài đã khái quát về khung lý thuyết, những cơ sở khoa học thực tiễn xây dựng chiến lược marketing địa phương, những ý tưởng marketing để thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, thu hút lao động và đẩy mạnh xuất khẩu; các giải pháp triển khai các chiến lược marketing địa phương tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015 - 2020.
(10) “Lịch sử Báo chí Bình Dương” do TS. Huỳnh Ngọc Đáng, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương làm chủ nhiệm. Đề tài có ý nghĩa quan trọng, chứng minh tầm quan trọng lịch sử của Báo Bình Dương trên mặt trận tư tưởng, văn hóa cách mạng, góp phần tuyên truyền xây dựng văn hóa mới, con người mới.
(11) “Tìm hiểu liễn, đối Hán - Nôm trong các đình, chùa, miếu ở Bình Dương” do TS. Huỳnh Ngọc Đáng, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương làm chủ nhiệm và (13) “Đình Thần Bình Dương - giá trị lịch sử và văn hóa” do CN.Nguyễn Văn Quốc làm chủ nhiệm, góp phần bổ sung nguồn tài liệu quý báu cho các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh.
(14) “Bổ sung danh mục tên đường, xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, do TS. Huỳnh Ngọc Đáng, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương làm chủ nhiệm nhằm nâng cao công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc… và phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ hơn nữa nhằm phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh phục vụ phát triển du lịch; thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Ngà Nguyễn