Nghệ sĩ hình thể (Don Delillo) nhìn từ quan điểm của Milan Kundera về nghệ thuật tiểu thuyết
Don Delillo sinh năm 1936. Ông là một trong những tác giả có nhiều tác phẩm xếp vào hàng bestseller tại Mỹ. Và các tiểu thuyết của ông được số đông công chúng đón nhận và nhận được nhiều đánh giá cao từ phía các nhà phê bình có uy tín. Tập hợp các bài viết về tác giả Don Dellio có thể kể đến như: Don Dellio - The possibility of fiction (Don Dellio - Những triển vọng của tiểu thuyết hư cấu) của Peter Boxall (2006); Appreciating Don DeLillo - The Moral Force of a Writer’s Work (Hiểu rõ giá trị Don Delio - sức mạnh phẩm hạnh của một tác phẩm) của Paul Giaimo (2011).
Milan Kundera là nhà văn Pháp gốc Tiệp Khắc, sinh năm 1929. Ông là một trong số những nhà văn gắn kết hài hòa giữa lý luận và thực tiễn sáng tác; một nhà tiểu thuyết viết tiểu luận lí luận về nghệ thuật tiểu thuyết nổi bật của thế kỷ XX. Cho đến nay, bốn tập tiểu luận gồm: Nghệ thuật tiểu thuyết (1985); những di chúc bị phản bội (1992); màn (2005) và một cuộc gặp gỡ (2009) được xem như kết tinh về mặt lý luận tinh thần tiểu thuyết theo quan điểm của Milan Kundera.
Xuất phát từ đó, năm 2017, tác giả Trần Kim Thanh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, huyện Phú Giáo đã chọn chủ đề “Nghệ sĩ hình thể (Don Delillo) nhìn từ quan điểm của Milan Kundera về nghệ thuật tiểu thuyết” làm đề tài luận văn thạc sĩ cho mình. Công trình nghiên cứu này được thực hiện tiếp sau công trình của Trần Thanh Hà và góp phần nhỏ vào việc hoàn thiện tìm hiểu hệ thống lí luận về nghệ thuật tiểu thuyết của Milan Kundera dựa trên cơ sở tiếp cận thêm hai tiểu luận mới nhất của ông là: Màn (2005/dịch 2014) và Một cuộc gặp gỡ (2009/dịch 2013).
Tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích - tổng hợp để đưa ra cái nhìn chung và khách quan về hệ thống quan điểm của ông về nghệ thuật viết tiểu thuyết dưới dạng những luận điểm và phân tích các yếu tố cấu thành để đưa ra tiểu kết, tổng kết về đối tượng nghiên cứu.
Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng biện pháp so sánh - đối chiếu hệ thống quan điểm của Kundera với lý thuyết tự sự học khi cần thiết để tạo ra hệ thống công cụ khả dụng nhất cho việc phân tích tác phẩm Nghệ sĩ hình thể. Đồng thời, tiến hành đối chiếu so sánh để làm rõ hai kỹ thuật viết cơ bản của Don Delillo là kỹ thuật giản lược và kỹ thuật trần thuật đối âm nhằm làm rõ những điểm đặc biệt của Nghệ sĩ hình thể trong mạch sáng tác của Don Delillo nói riêng và trong mạch mỹ học hiệp ba của tiểu thuyết nói chung. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng phương pháp sơ đồ hóa để minh họa mối quan hệ giữa các nhân vật và các tuyến truyện kể trong tác phẩm.
Thông qua nghiên cứu, luận văn đã khái quát được tiếng nói chung của Milan Kundera và Don Delillon đó là đề cao vai trò tiểu thuyết trong việc đi sâu vào tâm trí thế giới để khám phá những bí ẩn của cõi hiện sinh nhưng không phải bằng thân xác bề thế như các tiểu thuyết của mĩ học hiệp một và hai mà bằng một hình thức gọn nhẹ nhưng nghệ thuật kết cấu không kém phần phức tạp, tinh vi. Ngoài ra, Nghệ sĩ hình thể là một cuốn tiểu thuyết mỏng manh, nhưng sâu thẳm, nó vừa bộc lộ sự đáp lời với tiếng gọi của lịch sử tiểu thuyết, vừa cho thấy sự sáng tạo riêng của Don Delillo.
Ngọc Loan