Nghiên cứu chất lượng cuộc sống dân cư tỉnh Bình Dương, giai đoạn 1997 - 2014
b. Đơn vị chủ trì: Khoa Sử - Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: Thạc sĩ Vũ Hải Thiên Nga và cá nhân tham gia chính:
1. ThS. Nguyễn Trí
2. ThS. Phan Văn Trung
d. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Chất lượng cuộc sống là thướt đo phúc lợi vật chất và giá trị tinh thần của con người trong xã hội. Trong thời đại ngày nay, việc không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư là một nỗ lực của Chính phủ, xã hội và cả cộng đồng. Tùy vào thực tiễn và điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, mỗi quốc gia mà tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống là khác nhau. Thu nhập bình quân đầu người, y tế, giáo dục hay các điều kiện sống của các hộ gia đình… là những tiêu chí chủ yếu đánh giá chất lượng cuộc sống dân cư.
Các chỉ số chất lượng cuộc sống phản ánh trình độ phát triển về kinh tế xã hội của một khu vực hay quốc gia nào đó. Do vậy, xã hội càng văn minh càng chú ý đến chất lượng cuộc sống của con người, nâng cao chất lượng cuộc sống là mục tiêu phấn đấu của mọi quốc gia trên thế giới. Vậy làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm sự chênh lệch chất lượng cuộc sống giữa các nhóm dân cư là vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết.
Bình Dương là tỉnh trong vùng kinh tế Đông Nam bộ, là khu vực kinh tế phát triển nhanh, năng động, nên chất lượng cuộc sống đang được cải thiện nhanh chóng, song vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt là sự phân hóa thu nhập, phân hóa giữa các địa phương trong tỉnh. Sự phát triển kinh tế xã hội và chất lượng cuộc sống dân cư tỉnh Bình Dương vừa chịu sự tác động bởi những yếu tố tự nhiên, kinh tế xã hội riêng mang tính đặc thù của tỉnh và chịu sự tác động chung của vùng và cả nước; chất lượng cuộc sống dân cư luôn biến động và thay đổi theo thời gian, theo xu hướng ngày càng tốt hơn. Nắm vững chất lượng cuộc sống dân cư tỉnh Bình Dương trong quá khứ thì có thể giải thích được sự thay đổi, phát triển về chất lượng cuộc sống hiện tại và dự báo được sự biến động trong tương lai.
Vì vậy, nghiên cứu để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư và giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm khoảng cách về chất lượng cuộc sống dân cư tỉnh Bình Dương là vấn đề cấp thiết nhằm xây dựng Bình Dương ngày càng giàu đẹp, phát triển, kinh tế tăng trưởng nhanh. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã chọn và thực hiện đề tài “Nghiên cứu chất lượng cuộc sống dân cư tỉnh Bình Dương giai đoạn 1997 - 2014” làm đề tài nghiên cứu khoa học.
Mục tiêu: Làm rõ thực trạng chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh Bình Dương; tìm hiểu những vấn đề thay đổi về chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh từ trước đến nay; khái quát tỉnh Bình Dương về điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế xã hội, đây là tiền đề quan trọng ảnh hưởng lớn đến điều kiện sống của nhân dân và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; so sánh, nhận xét chất lượng cuộc sống của con người trong tỉnh, giữa tỉnh với tỉnh khác và trong vùng; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Bình Dương.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã khái quát được cơ sở lý luận và thực tiễn về chất lượng cuộc sống dân cư. Về cơ sở lý luận theo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, giáo sư Vũ Khiêu, Liên Hiệp Quốc…; các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; các tiêu chí đánh giá như thu nhập và thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người, lương thực và dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế, giáo dục… Thực tiễn về chất lượng cuộc sống, thông qua các cuộc điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy sự cải thiện rõ rệt về tất cả các tiêu chí thu nhập, y tế, giáo dục và môi trường sống…
Chất lượng cuộc sống dân cư của tỉnh Bình Dương, từ sau ngày tái lập tỉnh cho đến nay, kinh tế Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng trở thành một tỉnh công nghiệp vững mạnh so với cả nước, tạo điều kiện cho chất lượng cuộc sống dân cư không ngừng được nâng cao như thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên, lương thực và dinh dưỡng được cải thiện, điều kiện giáo dục đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được cải thiện… chất lượng cuộc sống được nâng cao và cao hơn hẳn so với cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như sự phân hóa thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, cán bộ y tế còn nhiều biến động, môi trường sống… để giải quyết những vấn đề này, tỉnh cần có những chính sách, giải pháp phù hợp, tạo đòn bẩy cho sự phát triển bền vững.
Từ những kết quả phân tích, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư tỉnh Bình Dương như: Nhóm giải pháp liên quan đến phát triển kinh tế để tăng thu nhập bình quân đầu người; nhóm giải pháp cho các vấn đề xã hội làm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; nhóm giải pháp đảm bảo lương thực thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng; giải pháp cho các vấn đề môi trường sống và một số giải pháp khác làm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Các giải pháp trên còn góp phần khắc phục những hạn chế còn tồn tại và phát huy những khía cạnh mà tỉnh Bình Dương đã làm tốt cho chất lượng cuộc sống dân cư trong thời gian qua. Ngoài ra, các giải pháp này còn tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư ở những huyện còn khó khăn như Phú Giáo, Dầu Tiếng… nhằm thu hẹp khoảng cách mức sống giữa người giàu và người nghèo, giữa thành thị và nông thôn, giữa các huyện thị trong tỉnh.
e. Thời gian thực hiện:
- Thời gian bắt đầu: 02/2015
- Thời gian kết thúc: 02/2016.
f. Kinh phí: 43.566.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).
Nguyễn Minh