Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và dự báo phát thải các khí nhà kính tại Bình Dương và đề xuất các giải pháp giảm thiểu
Đưa ra bức tranh tổng thể (cho toàn tỉnh) và chi tiết (chọn 02 ngành có tiềm năng phát thải khí nhà kính cao nhất) về hiện trạng phát thải các nhà kính tại Bình Dương đồng thời đề xuất các biện pháp giảm thiểu cho các nguồn phát thải chính, góp phần thực hiện chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh.
a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và dự báo phát thải các khí nhà kính tại Bình Dương và đề xuất các giải pháp giảm thiểu
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Môi trường và Tài nguyên
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS.TS. Lê Thanh Hải
- và những người tham gia chính:
1. TS. Chế Đình Lý
2. TS. Hồ Minh Dũng
3. TS. Hồ Quốc Bằng
4. ThS. Đỗ Thị Thu Huyền
5. ThS. Hồ Thị Ngọc Hà
6. ThS. Trần Văn Thanh
7. ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo
8. KS. Lê Quốc Vĩ
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Đưa ra bức tranh tổng thể (cho toàn tỉnh) và chi tiết (chọn 02 ngành có tiềm năng phát thải khí nhà kính cao nhất) về hiện trạng phát thải các nhà kính (C02, CH4, N20, HFCs, PFCs và SF6) tại Bình Dương đồng thời đề xuất các biện pháp giảm thiểu cho các nguồn phát thải chính, góp phần thực hiện chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Đề tài đã sử dụng phương pháp kiểm kê khí nhà kính theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) để tiến hành kiểm kê cho 04 lĩnh vực phát thải khí nhà kính chính của tỉnh, kết quả kiểm kê khí nhà kính hiện nay là 9,1 triệu tấn CO2tđ/năm. Trong đó:
- Lĩnh vực phát thải từ công nghiệp đóng góp 7,6 triệu tấn CO2tđ/năm (chiếm 83%): thông qua các hoạt động sử dụng nhiên liệu và phát thải từ quá trình sản xuất;
- Lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 0,17 triệu tấn CO2tđ/năm (chiếm 2%): thông qua các hoạt động sử dụng nhiên liệu, đốt phụ phẩm, đất ngập nước và chăn nuôi;
- Lĩnh vực phát thải từ dịch vụ, giao thông đóng góp 1,11 triệu tấn CO2tđ/năm (chiến 12%)
- Phát thải từ sinh hoạt hộ gia đình đóng góp 0,3 triệu tấn CO2tđ/năm (chiếm 3%): Thông qua các hoạt động phát thải từ sử dụng năng lượng, sử dụng sản phẩm.
Đồng thời, đề tài đã dự báo tải lượng phát thải khí nhà kính tại Bình Dương đến năm 2020 là 17,0 triệu tấn CO2tđ/năm, trong có công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ phát thải cao nhất là 83%, vị trí tiếp theo là dịch vụ và giao thông chiến 12%, nông nghiệp 2% và phần còn lại là hộ gia đình chiếm 3%.
Ngoài ra, nếu tính phát thải khí nhà kính dựa trên bình quân đầu người là tỉnh bình Dương phát thải 5,3 tấn CO2/người/năm, cao hơn so với số liệu báo cáo UNDP vào năm 2011 về lượng phát thải bình quân đầu người tại Việt Nam là 1,6 tấn CO2/năm. Điều này có thể lý giải vì tỉnh phát triển công nghiệp mạnh trong khi đó dân số của tỉnh không đến 2 triệu người. Tuy nhiên, nếu so với các tỉnh và thành phố khác của Trung Quốc, Mỹ thì mức phát thải của tỉnh Bình Dương thấp hơn.
Mặt khác, nếu so sánh với thành phố Hồ Chí Minh thì cơ cấu phát thải của tỉnh cũng có nhiều sự phát biệt: Công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh tỷ trọng thấp hơn so với tỉnh Bình Dương, trong khi đó lĩnh vực thải bỏ chất thải, giao thông của Bình Dương thấp hơn nhiều so với thành phố Hồ Chí Minh. Điều này phản ánh thực tế thành phố Hồ Chí Minh chịu áp lực lớn về xử lý và thải bỏ chất thải, áp lực về dân số so với Bình Dương (hiện nay thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10 triệu người trong khi đó Bình Dương chưa tới 2 triệu người).
Ngoài ra, đề tài đã đề xuất các giải pháp giảm thiểu phát thải khi nhà kính mang tầm vĩ mô và vi mô cho các đối tượng/ngành/lĩnh vực theo các nhóm giải pháp:
Nhóm giải pháp về quy hoạch và quản lý: Đã đề xuất các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp/cơ sở sử dụng các dạng năng lượng thân thiện với môi trường một cách hiệu quả và tiết kiệm.
Nhóm giải pháp về công nghệ: Khuyến khích các doanh nghiệp/ cơ sở hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh sử dụng các dạng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường và đặc biệt đề xuất hướng đổi mới trong công nghệ sản xuất/ xử lý cho các đối tượng/ngành trên địa bàn tỉnh.
Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để thực hiện các bước nghiên cứu cụ thể tiếp theo, góp phần đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát và giảm thiểu việc phát thải khí nhà kính tại tỉnh Bình Dương.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 3/2013
- Thời gian kết thúc: 3/2014
g/ Kinh phí thực hiện: 794.350.000 đồng.
Nguyễn Nhi