Nghiên cứu hiệu quả giảm đau sau mổ của phương pháp gây tê vùng da đầu trong phẫu thuật ghép khuyết xương sọ
b. Đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ: Bệnh viện Đa khoa khoa tỉnh Bình Dương
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng và cá nhân tham gia thực hiện:
1. Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Đỗ Anh Vũ
2. Bác sĩ Trương Mạnh Khoa
d. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Đau luôn là nỗi ám ảnh của người bệnh, trong đó đau sau mổ là vấn đề được cả nhân viên y tế và bệnh nhân rất quan tâm. Đặc biệt kiểm soát đau trên những bệnh nhân phẫu thuật mở sọ vẫn thường xuyên là một thử thách cho bác sĩ nhất là bác sĩ gây mê hồi sức vì phải đối mặt hai vấn đề đối lập nhau là vừa đảm bảo giảm đau tốt cho bệnh nhân đồng thời vẫn có thể đánh giá chính xác tình trạng tri giác, các chức năng thần kinh trong và sau mổ người bệnh.
Gây tê vùng da đầu là kỹ thuật đưa thuốc tê trực tiếp vào vùng mổ mà tác động từ xa trên đường đi của các dây thần kinh chi phối vùng da đầu, làm mất cảm giác vùng da đầu, tạo ra hiệu quả giảm đau tích cực cho người bệnh. Kỹ thuật này ra đời cách đây cả thế kỹ nhưng gần đây mới được ứng dụng nhiều trong lâm sàng cùng với sự phát triển của phẫu thuật thần kinh nhất là phẫu thuật mở sọ cho bệnh nhân thức tỉnh trong mổ và các phẩu thuật xâm lấn tối thiểu.
Tuy nhiên, ván đề giảm đau giảm đau cho bệnh nhân sau mổ nói chung và bệnh nhân ghép khuyết xương sọ nói riêng chưa được quan tâm đúng mức hoặc chưa đầy đủ. Hiện tại sau phẫu thuật này bệnh nhân được sử dụng thuốc giảm đau thông thường tiêm bắp hoặc tiêm mạch để giảm đau. Trong khi đó có nhiều nghiên cứu ghi nhận rằng có khoảng 2/3 đến hơn 80% bệnh nhân có mức độ đau từ vừa đến nặng sau phẫu thuật mở sọ.
Gây tê vùng da đầu là một trong những phương pháp giảm đau tương đối mới có thể lựa chọn để thực hiện cho người bệnh mổ ghép khuyết xương sọ, giúp kiểm soát đau sau mổ, tránh được những bất lợi do đau tê gây ra cho người bệnh, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và không còn nỗi ám ảnh sợ đau khi phải mổ.
Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đã thu hút hàng ngàn lao động nhập cư đến sống và làm việc. Dân số ngày một tăng lên, tình trạng tai nạn giao thông tại các tuyến đường tăng theo, bệnh nhân nhập viện vì chấn thương sọ não cũng gia tăng đáng kể. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là tuyến sau cùng của tỉnh, phải tiếp nhận và điều trị ngày càng nhiều trường hợp chấn thương sọ não cần phẫu thuật mở sọ giải áp. Sau khi điều trị ổn định một thời gian (trung bình khoảng từ 03 - 06 tháng), các bệnh nhân này thường sẽ được mổ ghép khuyết xương sọ bằng sọ tự thân hoặc bằng titanium vì một số lý do thiết yếu như bảo vệ não bên trong, đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh, có thể giảm triệu chứng đau đầu do tổn thương trước đó và cải thiện chức năng thần kinh.
Gây tê vùng da đầu đã được áp dụng nhiều ở một số nước, nhất là các nước tiên tiến, nhưng ở Việt Nam chưa ghi nhận công trình báo cáo nào về gây tê vùng da đầu cho đến thời điểm tiến hành nghiên cứu. Vì vậy, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu hiệu quả của gây tê vùng da đầu trong phẫu thuật ghép khuyết xương sọ.
Mục tiêu nhiệm vụ: Đánh giá hiệu quả giảm đau sau mổ của gây tê vùng da đầu trong phẫu thuật ghép khuyết xương sọ. Xác định tính an toàn của kỹ thuật gây tê vùng da đầu.
Sau 12 tháng nghiên cứu, nhóm tác giả đã thực hiện gây mê phẫu thuật cho 60 trường hợp ghép khuyết xương sọ, trong đó có 30 trường hợp được gây tê vùng da đầu, 30 trường hợp sử dụng thuốc giảm đau đường tĩnh mạch. Kết quả, gây tê vùng da đầu ở thời điểm cuối cuộc mổ trên bệnh nhân mổ ghép khuyết xương sọ cho kết quả giảm đau tốt với thang điểm đau VAS thấp hơn lượng thuốc giảm đau phải sử dụng thêm để duy trì VAS < 5 giúp bệnh nhân thấy thoải mái không đau sau mổ cũng ít hơn có ý nghĩa thống kê.
Không có bất kỳ tác dụng phụ hoặc tai biến, biến chứng nào liên quan đến gây tê vùng da đầu. Gây tê phong bế thần kinh vùng da đầu được ghi nhận là an toàn cho người bệnh, ngăn chặn được kích thích đau và có thể xem là lựa chọn tốt để duy trì giảm đau sau mổ cho bệnh nhân phẫu thuật ghép khuyết xương sọ.
Kết quả đề tài cho thấy, gây tê vùng da đầu là một kỹ thuật đơn giản dễ thực hiện, có thể thực hiện nhanh, an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy. Kết quả này đã được ứng dụng và tiếp dụng ứng dụng vào lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
e. Thời gian thực hiện:
- Thời gian bắt đầu: Tháng 04/2015
- Thời gian kết thúc: Tháng 04/2016
f. Kinh phí: 193.676.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)