Nghiên cứu khoa học: Tạo cơ sở cho doanh nghiệp phát triển
Việc đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà doanh nghiệp cần phải quan tâm, triển khai trong thời kỳ hội nhập để đưa doanh nghiệp phát triển theo xu thế hiện nay.
Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào năm 2016 cho 10 ngành, trong đó có 7 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thì có đến gần 60% doanh nghiệp đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Tỷ lệ các công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32%, trong đó có trên 18% là công nghệ trước năm 2005. “Những con số trên đã cho thấy phần nào thực trạng trình độ công nghệ và máy móc thiết bị của các doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam và sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.
Cũng theo kết quả khảo sát khác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì doanh nghiệp còn ngần ngại đổi mới công nghệ vì cho rằng phải bỏ ra nhiều kinh phí đầu tư dây chuyền công nghệ mới, một lý do khác nữa là họ không có nhu cầu phải đổi mới công nghệ. Thậm chí trong ngành chế biến thực phẩm, các doanh nghiệp cho rằng đây là ngành sản xuất chủ yếu theo phương pháp truyền thống nên nhu cầu ứng dụng công nghệ không cao, ngoài ra, một số doanh nghiệp khác có quy mô còn nhỏ, mới khởi nghiệp nên chưa có định hướng về đổi mới công nghệ.
Một thực tế nữa, là việc gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp được đề cập nhiều nhưng trên thực tế thì công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khoảng cách giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn khá xa, chưa thực sự trở thành mối liên kết trong nghiên cứu và phát triển đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Điển hình trong năm 2018, tỉnh Bình Dương đã thực hiện nghiệm thu và bàn giao 10 kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhưng đa số các kết quả này thuộc các sở, ngành tiếp nhận và triển khai, không có kết quả nào được tiếp nhận và triển khai trong doanh nghiệp.
Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức sắp xếp lại và đã mang lại những tác động lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công nghệ lạc hậu sẽ không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới công nghệ phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Một mục tiêu hết sức quan trọng của đổi mới công nghệ là thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thường xuyên ở mức cao. Tuy nhiên, đạt được điều đó thôi chưa đủ, đổi mới công nghệ còn phải nhằm giữ gìn và bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như xã hội, nâng cao trình độ trí tuệ của người lao động, làm cho họ thích nghi và làm chủ máy móc thiết bị công nghệ mới; đồng thời có khả năng sáng tạo hơn trong hệ thống sản xuất kinh doanh.
Đổi mới công nghệ là một trong những nội dung tất yếu của quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, để đối mới toàn diện, doanh nghiệp phải đổi mới từ khâu quản lý đến công nghệ. Đổi mới công nghệ để phát hiện ra những sản phẩm mới đưa vào thị trường cạnh tranh ngày một khốc liệt. Đổi mới sản phẩm là việc tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới, hoặc cải tiến các sản phẩm truyền thống của công ty mình. Một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp muốn tồn tại và phát triển được cần phải xây dựng cho mình một kế hoạch đổi mới công nghệ. Tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu… Như vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ thực sự là hướng đi đúng đắn của một doanh nghiệp công nghiệp giàu tiềm năng.
Về chính sách, vào tháng 02/2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nghị định đã đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ngoài việc hỗ trợ về vốn, đất đai, giảm thuế... doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu đãi hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đưa sản phẩm vào sản xuất thực tế.
Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có những văn bản hướng dẫn thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung với các quan điểm lớn; khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia vào hoạt động ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KHCN; đảm bảo sự thống nhất về đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở ươm tạo… nhằm phát triển doanh nghiệp KHCN theo chỉ tiêu của Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đề ra.
Minh Hải