Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh thực hiện theo cơ chế đặt hàng, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đã tháo gỡ được những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, an ninh trật tự... của tỉnh. Nhiều kết luận của khoa học xã hội và nhân văn đã được dùng làm cơ sở khoa học để soạn thảo các chủ trường, chính sách cho địa phương.
Quản lý hoạt động KH&CN cấp tỉnh
Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, triển khai các nhiệm vụ đề ra kịp thời, đảm bảo tiến độ và chất lượng; các nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu đều xuất phát từ yêu cầu thực tế của đơn vị.
Vào đầu năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thông báo đến các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học và công nghệ để đề xuất, đặc hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh về các lĩnh vực: Khoa học xã hội và nhân văn; giáo dục - đào tạo; chăm sóc sức khỏe và nhân dân; nông nghiệp; tài nguyên, bảo vệ môi trường; công nghệ thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; dịch vụ, kinh tế và an ninh trật tự.
Thông qua các đề xuất gửi về, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp, an ninh trật tự. Kết quả, Hội đồng tư vấn chuyên ngành đề nghị thực hiện 05 nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu xây dựng chuỗi cung ứng trái cây có múi tại Bình Dương; (2) Nghiên cứu quy trình công nghệ xử lý xác vật nuôi an toàn, hiệu quả tại Bình Dương theo hướng chăn nuôi bền vững; (3) Phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn tỉnh Bình Dương; (4) Phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bình Dương; (5) Phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai của Công an tỉnh Bình Dương - Thực trạng và giải pháp.
Trình UBND tỉnh phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện 02 nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải container trên mạng lưới đường bộ tỉnh Bình Dương; (2) Nghiên cứu và đánh giá mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP tại tỉnh Bình Dương.
Trình hội đồng KHCN tỉnh họp xem xét danh mục nhiệm vụ NCKH-PTCN năm 2019. Kết quả, Hội đồng KHCN tỉnh đề nghị thực hiện 06 nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu xây dựng chuỗi cung ứng trái cây có múi tại Bình Dương; (2) Nghiên cứu đề xuất hệ thống thông tin xử lý số liệu trực tuyến phục vụ công tác quan trắc môi trường nước tại Bình Dương; (3) Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chế biến gỗ của tỉnh Bình Dương; (4) Phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bình Dương; (5) Phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn tỉnh Bình Dương; (6) Phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tổ chức nghiệm thu 08 nhiệm vụ. Kết quả hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại 01 nhiệm vụ đạt loại xuất sắc, 07 nhiệm vụ đạt yêu cầu: (1) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển cảnh quan khu vực bờ Đông sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương thành điểm nhấn bản sắc văn hóa Bình Dương. Kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu; (2) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo lập bản sắc Quy hoạch - Kiến trúc cho một số khu vực của tỉnh Bình Dương trong tương lai. Kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu; (3) Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu; (4) Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến sản phẩm, môi trường và sức khỏe con người trong khu vực trồng cây có múi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, khắc phục. Kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu. (5) Nhân vật lịch sử tỉnh Bình Dương. Kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu. (6) Sinh kế dân nghèo và công cuộc giảm nghèo tại tỉnh Bình Dương. Kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu. (7) Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề theo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu. (8) Công tác đảm bảo an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Kết quả đạt loại Xuất sắc.
Quản lý hoạt động KH&CN cấp huyện
Trong năm 2019, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp huyện đã có nhiều chuyển biến và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Để đạt được những yêu cầu đặt ra, ngay từ đầu năm, Sở KH&CN đã hướng dẫn các phòng kinh tế huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ năm 2019.
Đồng thời, Sở KH&CN đã cử cán bộ tham gia hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ của các huyện Phú Giáo, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An; tham gia nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây bạc hà và bí đỏ hạt đậu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên”.
Tổ chức nghiệm thu và bàn giao kết quả thực hiện 03 mô hình theo kế hoạch phối hợp với Liên hiệp các hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật tỉnh, bao gồm: Mô hình nuôi thuần dưỡng lai tạo sinh sản tôm, tép cảnh; mô hình ứng dụng công nghệ thông tin: Chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, ứng dụng khoa học công nghệ giữa Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh với 18 Hội thành viên của Liên hiệp hội; hệ thống thông tin quản lý an toàn bức xạ cấp cơ sở (huyện, thị, thành phố): Tích hợp mạng lưới quản lý an toàn bức xạ hạt nhân (GIS); đào tạo, liều kế, kiểm định, đánh giá, an toàn.
Bên cạnh đó, trong năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh khảo sát nhu cầu của hộ nông dân trang trại về việc xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất và xây dựng kế hoạch phối hợp của năm 2019.
Ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ vào đời sống, sản xuất
Các nhiệm vụ khoa học và phát triển công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu đạt kết quả đều được ứng dụng vào thực tiễn đời sống và sản xuất:
(1) Đề tài: Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển cảnh quan khu vực bờ Đông sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương thành điểm nhấn bản sắc văn hóa Bình Dương. Trên cơ sở đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương, đô thị Thuận An, đô thị Thủ Dầu Một, đô thị Nam Bến Cát đã được phê duyệt, đề tài nghiên cứu đề xuất các giải pháp tạo lập bản sắc quy hoạch kiến trúc sông nước và ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực bờ Đông sông Sài Gòn. Đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị một số không gian truyền thống của khu vực bờ Đông sông Sài Gòn (chợ ven sông, vườn cây ăn trái, làng nghề thủ công truyền thống,…); bảo tồn, phát huy giá trị một số công trình kiến trúc đặc thù khu vực bờ Đông sông Sài Gòn; các giải pháp quy hoạch và quản lý một số không gian du lịch mới. Đề xuất kết nối không gian hai bờ Đông và Tây Sài Gòn: Khung giao thông, không gian mở, điểm nhấn… Đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong sinh hoạt, trong kiến trúc nhà ở tương thích với từng kịch bản của nước dâng. Đề tài được chuyển giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thị xã Bến Cát để phục vụ cho công tác quản lý.
(2) Đề tài: Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo lập bản sắc Quy hoạch - Kiến trúc cho một số khu vực của tỉnh Bình Dương trong tương lai. Đề tài nhằm mục tiêu phát triển nhiều cộng đồng ở và làm việc phục vụ cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau nhằm đem lại lợi ích chiến lược, là phát triển bản sắc riêng đa dạng cho các khu vực, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế đô thị cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đô thị của Bình Dương. Đề tài đã khảo sát hiện trạng; phân tích đánh giá thực trạng về các yếu tố tạo lập bản sắc đối với từng khu vực đặc thù của Bình Dương. Đề xuất và ứng dụng các giải pháp tạo lập bản sắc Bình Dương vào từng cộng đồng đặc trưng cụ thể. Đề tài được chuyển giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thị xã Bến Cát để phục vụ cho công tác quản lý.
(3) Đề tài: Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đề tài nhằm đánh giá thực trạng xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian qua, định hướng xã hội hóa trong thời gian sắp tới. Đề xuất các nhóm giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa và các giải pháp cụ thể. Đề tài được chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo để phục vụ cho công tác quản lý.
(4) Đề tài: Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến sản phẩm, môi trường và sức khỏe con người trong khu vực trồng cây có múi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, khắc phục. Đề tài đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến sản phẩm, môi trường và sức khỏe của con người trong khu vực trồng cây có múi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Từ đó dự báo ảnh hưởng do sử dụng phân bón, hóa chất BVTV do sử dụng lâu dài. Đề xuất các giải pháp tổng hợp nhằm ngăn ngừa và khắc phục các tác hại do sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong khu vực trồng cây có múi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên. Đề tài được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên để phục vụ cho công tác quản lý.
(5) Đề tài: Nhân vật lịch sử tỉnh Bình Dương. Đề tài nhằm tập hợp ghi chép tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của tất cả các nhân vật lịch sử tiêu biểu của địa phương để hình thành một tiểu từ điển tra cứu về nhân vật lịch sử của vùng đất Bình An - Thủ Dầu Một - Bình Dương kể từ khi hình thành vùng đất này cho đến nay. Đề tài chuyển giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phục vụ cho công tác quản lý.
(6) Sinh kế dân nghèo và công cuộc giảm nghèo tại tỉnh Bình Dương. Đề tài nhằm đánh giá thực trạng dân nghèo và hoạt động sinh kế dân nghèo ở Bình Dương giai đoạn 1998 - 2016. Qua đó, xác định vai trò của chính sách giảm nghèo và năng lực thoát nghèo của người dân và đánh giá hiệu quả chính sách giảm nghèo ở Bình Dương thông qua những nguyên nhân thành công và thất bại. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp cụ thể và các mô hình cụ thể (chính sách, nguồn lực…) phù hợp với điều kiện tỉnh Bình Dương, hướng tới mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2025. Đề tài được chuyển giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để phục vụ cho công tác quản lý.
(7) Đề tài: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề theo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đề tài nhằm hệ thống hóa cơ sở lý luận về nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề theo thị trường lao động. Phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề theo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề theo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2030. Đề tài được chuyển giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để phục vụ cho công tác quản lý.
(8) Đề tài: Công tác đảm bảo an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đề tài đánh giá thực trạng công tác đảm bảo an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương và dự báo, đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới. Đề tài được chuyển giao cho Công an tỉnh Bình Dương để phục vụ cho công tác quản lý.
Ngọc Loan - Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN